Lũ về, buôn lậu lại nóng lên
20/09/2011 08:37
![]() |
Chốt chống lậu “ngồi nhìn” xuồng máy chạy
Thông thường, để thâm nhập chợ gò Tà Mâu, chúng tôi chỉ cần trả 50.000 đồng để thuê xe ôm chạy xuyên qua cánh đồng dài hơn 1km là đến thủ phủ nơi cất giữ hàng lậu mà người dân vùng biên gọi “đệ nhất lậu thị”. Nhưng thời điểm này đang là mùa nước nổi, nên từ bên phía Vĩnh Ngươn nhìn qua gò Tà Mâu chỉ là một cánh đồng nước mênh mông. Lân la làm quen với H, một phụ nữ đưa đò ở “bến thuyền” Vĩnh Ngươn, tôi không mấy khó khăn để làm cuộc “sở thị” chợ gò vào mùa lũ.
Qua quan sát, lúc này khu vực giáp ranh biên giới có cả trăm người, già có, trẻ có, kẻ đứng, người ngồi đợi cõng hàng lậu theo “đơn đặt hàng”. Còn bên kia biên giới, các chủ hàng đang la hét in ỏi thúc giục các cửu vạn khẩn trương đóng gói, nai nịt hàng chờ tín hiệu “an toàn” để vượt sông, chở hàng về nội địa…
Thấy tôi nhìn với vẻ chăm chú, chị H, nói: Dọc tuyến biên giới này có hàng chục chốt chống lậu, nhưng mà với đồng nước mênh mông như thế này, chặn đầu này, hở đầu kia. Có lúc dân buôn liều mình dùng xuồng cao tốc đưa hàng lậu vượt biên giới vào nội địa… Câu chuyện của chị H, trở nên gián đoạn bởi chiếc xuồng có gắn máy cao tốc của chị vượt hơn 60m – khoảng cách con sông giáp ranh giữa Việt Nam- Campuchia đưa tôi đến chợ Gò.
Thâm nhập thủ phủ hàng lậu
Cái nắng buổi trưa cộng với khối lượng hàng hóa ở chở Gò khiến tôi thật sự choáng. Tại đây có trên 20 căn nhà sàn rộng 200m2, được trưng bày giống như những siêu thị mi-ni, bố trí theo hình chữ “U” và phân ra thành ba khu hàng hóa riêng biệt. Dãy bên trái là khu hàng điện tử cũ; bên phải là hàng điện tử mới và xịn, còn ngoài cùng là toàn là thuốc tây, thuốc lá, đường và bột ngọt… xếp thành từng hàng để dưới sàn bê-tông, chật kín.
Chỉ tay hướng về chiếc ca-nô chở ba người với vài gói hàng lớn bọc kín bằng bao ni-lông, T, ông chủ trẻ người Châu Đốc cho biết: Những chiếc này chuyên “đánh” thuốc lá từ Nam Vang về. Từ đây lên Nam Vang mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, mỗi ngày, mỗi ca nô làm ít nhất hai “cuốc” như vậy. Hàng về đây có hai chủng loại chính là hàng miễn thuế từ các nước nhập về Nam Vang, rồi tuồn về “chợ” và hàng… “nội luộc ngoại” từ Việt Nam tuồn qua.
Trong câu chuyện với T, làm tôi chợt nhớ cách đây đã lâu, lực lượng Quản lý Thị trường thị xã Châu Đốc đã từng đánh úp một điểm sản xuất thuốc lá ngoại tại tổ 3, khóm Châu Long 4. Rồi vụ Công an phường B phát hiện một cơ sở sản xuất dầu gió xanh hiệu con ó “Made in Singapore” tại… ấp Mỹ Chánh, phường Vĩnh Mỹ, với tang vật thu giữ gồm: 32 lít dầu nước xanh đựng trong can, gần 2.000 vỏ chai dầu nước xanh loại 24 ml và hơn 5 kg tem dầu, dây bóc vỏ hộp, giấy kiếng ép vỏ…. Còn chuyện “thay áo” đường cát Thái Lan vào vỏ bọc của các nhà máy đường nổi tiếng của Việt Nam diễn ra như cơm bữa…, T kể.
“Bắt cóc bỏ đĩa” mãi
Những ngày đi thực tế ở vùng biên, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về công tác chống buôn lậu ở An Giang. Song có một thực tế cần nhìn nhận, công tác phòng chống vào mùa nước nổi giống như việc 'bắt cóc bỏ đĩa'. Theo thống kê của Ban chỉ đạo 127 tỉnh, ở khu vực biên giới Campuchia, giáp ranh các huyện Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên và thị xã Châu Đốc có đến gần 50 kho hàng, với đủ chủng loại hàng hóa, từ thuốc lá điếu ngoại, quần áo cũ, linh kiện điện tử… luôn trong tư thế chờ chực tuồn hàng vào biên giới Việt Nam.
Hằng ngày, tại vùng biên có từ 300 đến 350 lượt người, chủ yếu là người nghèo, với 30 ghe, vỏ lãi (lắp máy ô tô) luôn trong tư thế sẵn sàng khi có lệnh xuất hàng. Từ đầu tháng 8 đến nay, riêng lực lượng Hải quan An Giang đã phát hiện, bắt giữ sáu vụ buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới và vi phạm hành chính lĩnh vực xuất nhập khẩu, với tổng trị giá hàng hóa trên 266 triệu đồng, nâng tổng số vụ vi phạm bị phát hiện, bắt giữ 8 tháng năm 2011 gần 100 vụ, trị giá trên 1,8 tỷ đồng.
Còn theo thống kê của Công an thị xã Châu Đốc, tám tháng qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ và công an cơ sở đã phát hiện và bắt giữ trên 100 vụ vận chuyển, buôn bán và tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng cấm qua biên giới.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Vương Bình Thạnh cho rằng, để “giảm nhiệt” buôn lậu, đặc biệt là vào mùa nước nổi, các địa phương cần làm tốt hơn giải pháp mang tính chiến lược, dài lâu là phải bảo đảm công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm ổn định cho cư dân vùng biên, để họ từ bỏ việc vận chuyển hàng lậu tìm kiếm những công việc thích hợp để sinh nhai. Đẩy mạnh việc tuyên truyền giúp cho người dân hiểu rõ tác hại của sự xâm nhập của hàng lậu đối với sự phát triển các mặt hàng nội địa, sự phát triển kinh tế bền vững của địa phương. Các ngành chức năng, như: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng cần tập trung lực lượng điều tra, giám sát và tổ chức triệt xóa các tụ điểm chứa chấp, trung chuyển, các đường dây, ổ nhóm vận chuyển hàng lậu lớn. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm theo pháp luật để ngăn đe phòng ngừa chung…