Thứ hai,  20/03/2023

Chăn nuôi tập trung: Hiệu quả ở Quỳnh Sơn

Anh Dương Doãn Ngân, thôn Nà Riềng II, trước đây vốn là hộ nghèo điển hình của xã. Khi phong trào chăn nuôi bò nhốt chuồng bắt đầu manh nha, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư đôi bò và sửa sang chuồng trại, học tập kinh nghiệm chăn nuôi. Chỉ trong vòng 1 năm, sau khi xuất chuồng lứa bò đầu tiên, gia đình anh chẳng những trả được hết nợ mà còn tậu được thêm 4 con bò nữa. Từ hộ nghèo, gia đình Dương Doãn Ngân đã vươn lên hộ khá. Từ thực tế ở Quỳnh Sơn đã chứng minh được hiệu quả của chăn nuôi đại gia súc theo phương thức tập trung. Thời điểm này khi rất nhiều địa phương trong tỉnh đang tất bật với công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc thì ở Quỳnh Sơn đàn gia súc nhốt chuồng vẫn tuyệt đối an toàn. Năm 2010, tỉnh đã ban hành chính sách phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò giai đoạn 2010-2015, những địa phương đang có phong trào chăn nuôi tập trung như ở Quỳnh Sơn chính là nơi mà chính sách này cần hướng tới để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, tạo điển hình để nhân rộng.

LSO-Với thuận lợi nằm ngay gần thị trấn Bắc Sơn, xã Quỳnh Sơn có nhiều hướng để phát triển kinh tế. Trong vòng 3 năm trở lại đây, nuôi bò nhốt chuồng là một trong những hướng đi chủ lực của địa phương này.
Chăn nuôi bò nhốt chuồng mang lại hiệu quả cao và ngày càng
được nhân rộng trên địa bàn xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn
Nếu xét về tổng diện tích đất canh tác thì Quỳnh Sơn có khá nhiều, tới trên 300 ha. Nhưng trên thực tế, diện tích ruộng canh tác được 2 vụ chỉ có 85 ha, số này hầu hết được sử dụng để làm 2 vụ lúa, chỉ có khoảng 10ha canh tác thuốc lá. Những diện tích còn lại ở lân lũng chủ yếu canh tác 1 vụ ngô. Mặc dù nằm ngay sát thị trấn Bắc Sơn, nhưng với điều kiện như vậy, trong trồng trọt, Quỳnh Sơn không có loại cây nào được coi là chủ lực để sản xuất hàng hóa. Thực chất, trước đây địa phương cũng có một số mô hình tương đối hiệu quả, điển hình là mô hình trồng cà chua trái vụ, nhưng đến khi diện tích cà chua trái vụ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Bắc Sơn khiến cho thị trường bão hòa thì mô hình này ở Quỳnh Sơn cũng không còn tồn tại. Ông Dương Công Thầm, Bí thư Đảng ủy xã bộc bạch: cấp ủy, chính quyền xã rất trăn trở, phải làm sao để tìm ra hướng đi phù hợp, từ đó định hướng cho bà con nông dân.
Những năm trước đây trên địa bàn xã Quỳnh Sơn xuất hiện một số hộ gia đình chăn nuôi bò theo hình thức bán chăn thả mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và thị trường rất ổn định. Sau một thời gian khảo sát, Đảng ủy xã quyết định phải đẩy mạnh, nhân rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả của hình thức chăn nuôi này. Cán bộ, đảng viên phải là những người làm thử nghiệm. Thời điểm trước năm 2010, Bí thư Đảng ủy xã đã gương mẫu đi đầu, liên hệ mua luôn 2 con bò giống và thực hiện chăn nuôi công nghiệp nhốt chuồng. Thức ăn tận dụng từ nguồn nông sản tại chỗ, chủ yếu là ngô trồng trong lân, đồng thời tận dụng thêm các chân ruộng 1 vụ để trồng cỏ voi. Ông Thầm tâm sự: nắm vững kỹ thuật thì nuôi bò nhốt chuồng nhàn hơn nuôi lợn, tôi không có nhiều thời gian nên chỉ nuôi được 2 con, cho ăn đúng khẩu phần, tiêm phòng theo định kỳ, chỉ sau 14 tháng bò được xuất chuồng, thu về hơn 40 triệu đồng.
Trước thành công đó, phong trào nuôi bò nhốt chuồng dần lan tỏa ra toàn xã. Anh Dương Đình Sầm, thôn Nà Riềng II cho biết: nhà tôi nuôi bò cách đây gần 20 năm rồi, nhưng trước là nuôi thả rông, 4 năm may ra xuất chuồng được 1 lứa bò thịt, nhưng từ năm 2010, khi áp dụng phương thức chăn nuôi nhốt chuồng thì cứ hơn năm là xuất chuồng được, giá trị kinh tế cao hơn hẳn, chẳng cần phải chào mời, lúc nào muốn bán cũng có người đến tận nơi mua, giá cả ổn định. Đến nay, trên địa bàn xã Quỳnh Sơn, theo ước tính của ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã có khoảng 80% số hộ gia đình nuôi bò nhốt chuồng. Số lượng nuôi tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của gia đình, nhà nhiều thì gần hai chục con, ít cũng có 1 đôi. Từ phong trào này đã có rất nhiều hộ nông dân vươn lên trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi điển hình của xã, đồng thời cũng có rất nhiều hộ thoát nghèo.
Anh Dương Doãn Ngân, thôn Nà Riềng II, trước đây vốn là hộ nghèo điển hình của xã. Khi phong trào chăn nuôi bò nhốt chuồng bắt đầu manh nha, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư đôi bò và sửa sang chuồng trại, học tập kinh nghiệm chăn nuôi. Chỉ trong vòng 1 năm, sau khi xuất chuồng lứa bò đầu tiên, gia đình anh chẳng những trả được hết nợ mà còn tậu được thêm 4 con bò nữa. Từ hộ nghèo, gia đình Dương Doãn Ngân đã vươn lên hộ khá. Từ thực tế ở Quỳnh Sơn đã chứng minh được hiệu quả của chăn nuôi đại gia súc theo phương thức tập trung. Thời điểm này khi rất nhiều địa phương trong tỉnh đang tất bật với công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc thì ở Quỳnh Sơn đàn gia súc nhốt chuồng vẫn tuyệt đối an toàn. Năm 2010, tỉnh đã ban hành chính sách phát triển đàn trâu, bò và cải tạo đàn bò giai đoạn 2010-2015, những địa phương đang có phong trào chăn nuôi tập trung như ở Quỳnh Sơn chính là nơi mà chính sách này cần hướng tới để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, tạo điển hình để nhân rộng.

Vũ Như Phong