Chủ tịch lớp: Phức tạp hóa vấn đề
03/08/2015 13:56
Theo dự thảo điều lệ trường học, ngành giáo dục sẽ tăng cường tính thân thiện, phù hợp với thực tế, hiện đang áp dụng thực hiện thí điểm theo chương trình VNEN. Chương trình sẽ cho học sinh làm quen theo cách gọi, sử dụng ngôn từ mang tính xã hội cao như: chủ tịch hội đồng tự quản, chủ tịch lớp, chủ nhiệm các ban văn thể, vệ sinh, lao động, học tập, thư ký…
Câu chuyện này chắc với một số nước phương tây hẳn không phải mới bởi họ đã làm thế từ lâu. Nhưng cần hiểu rằng ngôn ngữ, tâm lý con trẻ của nước ta không giống như các nước phương tây. Bởi với chúng ta, hình ảnh từ lớp trưởng, lớp phó đã ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ. Mặc định lớp trưởng là người đứng đầu lớp thay thầy, cô quản lý trật tự lớp học. Cái từ ấy không to hơn, cũng chẳng nhỏ hơn chủ tịch lớp.
Giờ tan trường của học sinh Trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc. Ảnh: BT
Lớp trưởng đã trở nên thân thương, đi vào thơ ca, phim, ảnh, nghĩa là nó tồn tại cả trong thực và trong giá trị phi vật thể. Khi chuyển thành chức danh chủ tịch lớp, tự nhiên nó xa lạ. Người ta chỉ quen dùng, phân biệt chủ tịch là người đứng đầu một cấp chính quyền chứ trong lớp đã có từ lớp trưởng để chỉ người đứng đầu rồi.
Gọi chủ tịch lớp vô hình chung biến lớp thành một cấp chính quyền. Mà chính quyền thì phải có cấp trên, cấp dưới. Chắc các em nhỏ cùng trang lứa không ai muốn có cấp trên, cấp dưới trong một lớp học.
Lớp trưởng, cái tên thân thương mà gần gũi rất dễ bị đổi thành chủ tịch. Con trẻ chẳng được gì, cũng chẳng mất gì nhưng người lớn đã biến lớp học thành xã hội ít nhất là theo cách gọi. Từ vấn đề đơn giản, thậm chí rất đơn giản, người lớn dễ biến cách gọi, cách hiểu thành vấn đề phức tạp.
Cũng như trước đây, nếu gọi cấp 1, cấp 2, cấp 3 để phân biệt các cấp học thì ngành giáo dục đã đổi tên thành tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, người ta phải viết dài hơn, dễ nhầm lẫn hơn. Trong khi đó, chất lượng giáo dục cũng chẳng vì tên gọi mà nâng lên. Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục đã phải thốt lên rằng: “Phải chăng ta đang làm phức tạp hóa những vấn đề đơn giản!”