Thông điệp buồn từ một dự án
05/05/2010 08:28
LSO-Sau trận lũ ngày 26/9/ 2008, nhờ Dự án nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ nhân dân dựa vào cộng đồng, 242 hộ nghèo xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình được cấp thiết bị lọc nước. Những tưởng từ đây họ sẽ được dùng nước sạch. Niềm vui chưa trọn, thì nay những thiết bị lọc xinh xinh đang biến dần thành rác.Dự án Đức thành dự án “đứt”Với người dân Khuất Xá, nước sạch cho đến tận hôm nay vẫn là một thứ xa xỉ. Khuất Xá với 14 thôn thì có tới 8 thôn cận sông. Con sông Kỳ Cùng vào mùa khô hiền hoà là vậy, nhưng lũ về nó biến thành một con khủng long bạo chúa lúc săn mồi. Trên mình con khủng long ấy, hàng trăm tấn đất cát thượng nguồn đổ về, cuốn vào các làng bản, tàn phá mọi thứ trên đường đi. Tất nhiên, những giếng nước ven sông sau một trận lũ chẳng còn để lại vết tích gì. Cả xã có giếng Bó Lìn do Tổng đốc Vi Văn Định xây dựng từ năm 1910, chỉ đủ dùng cho độ vài chục hộ. Vậy là, nước càng...
LSO-Sau trận lũ ngày 26/9/ 2008, nhờ Dự án nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ nhân dân dựa vào cộng đồng, 242 hộ nghèo xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình được cấp thiết bị lọc nước. Những tưởng từ đây họ sẽ được dùng nước sạch. Niềm vui chưa trọn, thì nay những thiết bị lọc xinh xinh đang biến dần thành rác.
Dự án Đức thành dự án “đứt”
Với người dân Khuất Xá, nước sạch cho đến tận hôm nay vẫn là một thứ xa xỉ. Khuất Xá với 14 thôn thì có tới 8 thôn cận sông. Con sông Kỳ Cùng vào mùa khô hiền hoà là vậy, nhưng lũ về nó biến thành một con khủng long bạo chúa lúc săn mồi. Trên mình con khủng long ấy, hàng trăm tấn đất cát thượng nguồn đổ về, cuốn vào các làng bản, tàn phá mọi thứ trên đường đi. Tất nhiên, những giếng nước ven sông sau một trận lũ chẳng còn để lại vết tích gì. Cả xã có giếng Bó Lìn do Tổng đốc Vi Văn Định xây dựng từ năm 1910, chỉ đủ dùng cho độ vài chục hộ. Vậy là, nước càng đổ về nhiều thì xã càng thiếu nước sạch bấy nhiêu. Trước nỗi khổ ven sông khát nước, nằm trong Dự án nâng cao năng lực chăm sóc sức khoẻ dựa vào cộng đồng do Hội Chữ thập đỏ Đức tài trợ, trong rất nhiều việc nâng cao sức khoẻ cho dân, có tiểu dự án cung cấp thiết bị lọc nước sạch. Trong tháng 10/2008, dự án cung cấp thiết bị lọc nước được các chuyên gia triển khai. Theo ông Lê Khiêm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hệ thống lọc thuộc bản quyền của Ca- na -đa, ưu việt đến mức khi tập huấn ở Hồ Tây, họ lọc luôn nước Hồ Tây cho các đại biểu uống, ai cũng tấm tắc khen ngon. Ngay khi triển khai, Đội tình nguyện Chữ thập đỏ đã nhanh chóng đúc thiết bị lọc. Ngày ấy, chị Lộc Thị Thu thôn Khuất Xá B nhớ lại, cứ mỗi lần đi qua uỷ ban, thấy họ đúc bể mà lòng phơi phới. Nhìn bể xếp ngổn ngang như thùng mì hai tôm xanh nhạt, thơm mùi sơn mới, rồi mỗi lần sờ tay vào cái “chữ thập đỏ” ram ráp trên đó mà cứ thấy lâng lâng. Ông Lộc Văn Chú, nguyên Bí thư Đảng ủy xã khẳng định, xã đã làm hết trách nhiệm để bể nước đến dân nhanh nhất. Mà nhanh thật, với 242 chiếc bể, đội tình nguyện chỉ phải đúc mất có hơn tháng trời. Hơn thế, họ còn vượt năng suất 3 chiếc thành 245 chiếc. Khi lắp đặt 1 chiếc thí nghiệm tại xã cho bà con lấy nước dùng, những hộ nghèo quanh đó như hộ chị Nguyễn Thị Xuân, Lộc Văn Cò, được lắp đã kéo rất nhiều người tò mò đến thử. Thấy dòng nước trong vắt được lọc từ thiết bị theo quy trình cát sinh học thấm ngược, họ uống thử, nấu thử, rồi rất nhiều hộ đăng ký mua. Theo cán bộ Hội Chữ thập đỏ, khi đấy một yêu cầu đặt ra là bà con không thuộc diện được cấp có nhu cầu cũng phải đáp ứng, biện pháp là hướng dẫn bà con, cho mượn khuôn tự đúc, hoặc đúc cho nhưng phải trả tiền vật liệu. Tiền ấy sung vào quỹ Chữ thập đỏ. Thế là, chỉ trong vòng 2 tuần, gần 30 chiếc bể đúc thêm ra đời trong niềm vui của nhân dân. Vui hơn, bể được lắp rất nhanh đúng vào mùa người dân thiếu nước. Ngày ấy khắp xóm dưới làng trên vui như hội. Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, bể lọc nước đưa vào dân chưa được 1 tháng thì chính tay người dân lại loại nó ra khỏi cuộc sống cộng đồng. Nhìn những bể lọc ở Khuất Xá được cấp không cho hộ nghèo giá gần 400 ngàn đồng 1 bể, gần 300 chiếc tính sơ sơ cũng cả trăm triệu đồng giờ ngổn ngang trong xã mà xót xa. Thăm nhà chị Nguyễn Thị Xuân, một hộ nghèo, chị cho biết, dùng được 10 ngày thì nước đục dần đi, chảy nhỏ, thế là chị cất vào xó bếp. Tết con hổ này chẳng biết dẹp đi đâu, chồng chị ngả nó xuống thành trạn bát. Nhìn cái bể xinh xinh đựng đầy bát trên đó lại có cái dấu thập, giống cái tủ thuốc gia đình tôi suýt bật bười và góp ý: “ Chị nên để đựng thuốc” chị Xuân rất thật: “Nhưng nó nặng lắm không treo lên được chú ạ”. Rồi chị bật cười thành tiếng khi biết tôi đùa.
![]() |
Bể lọc nước bỏ không trước nhà. |
Bể nhà anh Lộc Văn Tiềm tự mua có khá hơn, nó được biến thành thùng để hành, gia vị trong bếp. Hàng loạt các bể khác của hộ anh Lộc Văn Cò, Chú Thị…cũng nằm luôn xó bếp, cũng có bể được dựng ngay cửa ra vào, cát sinh học bị đổ vương vãi trắng cả một khoảng sân. Bác Hà Quốc Lập 70 tuổi, khi biết tôi tìm hiểu về chiếc bể bác cố nài vào nhà bằng được và xăng xái lôi ở góc tủ ra chiếc can, bác cười sang sảng, nhà báo thử xem nước lọc này có trong không? Sau vài tuần rượu bác nói như diễn thuyết: “Hỏng, hỏng hết! chú tính cái bể bé tẹo chỉ đổ được khoảng 5 lít nước, chờ mãi nó mới ra, mình làm nông lấy đâu thời gian chờ nước như Tây chứ (ý bác là bể lọc Tây không phù hợp với Việt Nam). Lúc này tôi mới để ý, chiếc bể quả là bé, nếu tính cả cát, vòi bên trong dung tích nước trong bể còn quá ít. Có lẽ vì thế mà nó đang trở thành rác giữa vùng khát Khuất Xá chăng?
Không nên nói lời từ biệt?
Ông Lê Khiêm, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh gần như sắp khóc khi nhận “tin dữ”, bàng hoàng khi thấy hình ảnh những chiếc bể cái thì vất ngoài sân, cái thành trạn bát, cái để hành… và tôi đồ rằng, rất nhiều bể lọc đang nằm chơ vơ nơi xó bếp của các hộ nghèo. Ông cho biết, khá bất ngờ về thông tin này, ông đã đi thăm các bể ở tỉnh bạn, họ rất trân trọng, coi đó là món quà quý có giá trị, phục vụ thiết thực cuộc sống. Còn ở Khuất Xá, những chiếc bể lọc đã không phát huy tác dụng mà nó còn trở thành điều phiền muộn cho dân, cho chính quyền, cho hội. Nhà tài trợ sẽ nghĩ gì khi thấy những sản phẩm tâm huyết của họ bị người dân từ biệt, và hàng trăm triệu bị biến thành rác? Thôi thì tất cả những điều vô lý đôi khi nó lại hiện hữu và buộc người ta phải giải quyết, có vậy thì thực tiễn mới là cây đời mãi mãi xanh tươi chứ! Theo bác Lập, giá mà cái bể to hơn chút, đổ vào đấy ít nhất cũng phải được gánh nước thì cả nhà dùng mới đủ. Hoặc làm một vài cái bể to cả làng cùng hưởng. Tưởng bác nói chơi nhưng khi trao đổi với anh Dương Công Hoàng, Phó Bí thư Đảng ủy xã, anh cho hay, ý bác Lập là phù hợp với địa phương. Với chúng tôi, có lẽ điều cần nhất bây giờ là phải thống kê chính xác còn bao nhiêu bể sử dụng được để hướng dẫn nhân dân dùng. Nếu coi bể là chiếc cần câu nước sạch thì họ đã có cái cần, nhưng lúc này chưa cần cá nên họ thờ ơ mà thôi. Quan trọng hơn phải làm cho người dân biết quý những gì mình có, và phải hiểu thiết bị lọc sẽ là : “Một miếng khi đói” lúc nước lũ tràn về. Nhìn thiết bị lọc nước chỏng trơ, tôi bất giác nhớ người dân Khuất Xá phải chia nhau từng ca nước trong trận lũ năm nào.
Đông Bắc