LSO-Trong hai năm trở lại đây tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn lại tái diễn. Mặc dù chính quyền địa phương và nhà trường đã có nhiều cố gắng trong việc vận động các em trở lại lớp nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.Xã Trấn Yên có 22 thôn bản, trong đó một số thôn, bản đặc biệt khó khăn như thôn Lân Hoèn, Lân Cà, Noóc Mò, Pá Ó, Nà Kéo. Đây là những thôn bản có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Theo bước chân của Ban Giám hiệu Trường THCS Trấn Yên, chính quyền xã chúng tôi đến thôn Noóc Mò cách trung tâm xã khoảng 7-8 km đúng hôm thời tiết mưa rét của những ngày đầu năm. Đến được nhà ông Đặng Thành Chinh, có 2 người con vừa bỏ học phải trải qua quãng đường đi bộ gần 1 cây số chúng tôi mới thấy để đến được với cái chữ cần có sự nỗ lực đến thế nào. Thế nhưng, xem ra đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo đã...
LSO-Trong hai năm trở lại đây tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn lại tái diễn. Mặc dù chính quyền địa phương và nhà trường đã có nhiều cố gắng trong việc vận động các em trở lại lớp nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Xã Trấn Yên có 22 thôn bản, trong đó một số thôn, bản đặc biệt khó khăn như thôn Lân Hoèn, Lân Cà, Noóc Mò, Pá Ó, Nà Kéo. Đây là những thôn bản có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Theo bước chân của Ban Giám hiệu Trường THCS Trấn Yên, chính quyền xã chúng tôi đến thôn Noóc Mò cách trung tâm xã khoảng 7-8 km đúng hôm thời tiết mưa rét của những ngày đầu năm. Đến được nhà ông Đặng Thành Chinh, có 2 người con vừa bỏ học phải trải qua quãng đường đi bộ gần 1 cây số chúng tôi mới thấy để đến được với cái chữ cần có sự nỗ lực đến thế nào. Thế nhưng, xem ra đường sá đi lại khó khăn, cuộc sống luẩn quẩn với cái đói, cái nghèo đã kéo theo việc học tập của con em đồng bào chưa được quan tâm… Đó là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng HS bỏ học ở nơi đây liên tục tái diễn trong nhiều năm qua. Năm học 2009-2010 xã có 15 HS THCS bỏ học; tính đến hết học kỳ I, năm học 2010-2011 lại có 5 em không đến lớp, trong đó lớp 6 có 3 em, lớp 7 có 1 em và lớp 8 có 1 em. Như vậy, chỉ trong hai năm học, toàn xã đã có 20 HS bỏ học. Trước thực trạng đó, Trường THCS xã Trấn Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể tổ chức thành lập các nhóm đến từng thôn, từng gia đình thậm chí là phải đi vào buổi tối để gặp gỡ, vận động phụ huynh đưa các em trở lại trường học. Sau một thời gian nỗ lực vận động một số em có trở lại lớp, nhưng cũng chỉ sau một tuần thì số HS này lại bỏ học về nhà. Được biết, các thầy cô giáo của trường, đặc biệt là các thầy cô chủ nhiệm đã tự nguyện quyên góp một ngày lương để mua đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho các em. Nhưng dường như từng đó chưa đủ “níu chân” các em ở lại trường tiếp tục học tập.
 |
Ban giám hiệu, chính quyền xã đến vận động gia đình học sinh |
Ông Hoàng Thọ Thuận, Hiệu phó Trường THCS xã Trấn Yên cho biết, bên cạnh những nguyên nhân cơ bản thì nguyên nhân chủ quan là do các em bỏ học đều có học lực yếu, không thể theo kịp các bạn trong lớp, hơn thế nữa ý thức học tập và quyết tâm vượt khó chưa cao. Trước tình trạng HS nhà trường bỏ học, Ban Giám hiệu phối hợp với chính quyền xã, thôn; đồng thời yêu cầu giáo viên chủ nhiệm trực tiếp đến các gia đình để nắm rõ điều kiện hoàn cảnh từng em, vận động gia đình và chính HS đến lớp, đến trường. Dù chính quyền địa phương và nhà trường đã tích cực vào cuộc cùng tìm biện pháp tháo gỡ, giúp các em bỏ học trở lại lớp và yên tâm học tập nhưng tình hình vẫn không được cải thiện. Thậm chí nhiều gia đình cho rằng đi học không thể giải quyết cái đói, cái nghèo trước mắt nên không động viên con mình trở lại trường. Được sự “ủng hộ” từ phía gia đình, nhiều em theo đà mà bỏ học, không chiến thắng hoàn cảnh để đến với cái chữ khiến cho mọi cố gắng của chính quyền địa phương và các thầy cô giáo dường như vô nghĩa. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho kết quả phổ cập giáo dục THCS ở Trấn Yên thiếu tính bền vững. Ông Hoàng Văn Chẩn, Chủ tịch UBND xã Trấn Yên cho biết, chấm dứt hoàn toàn tình trạng HS bỏ học ở Trấn Yên là bài toán khó. Trước mắt chính quyền xã vẫn sẽ phối hợp với nhà trường đến từng gia đình học sinh để vận động các em đến lớp; một biện pháp có thể thiết thực hơn là tổ chức các lớp học bổ túc THCS ngay trên địa bàn thôn để tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp các em được tiếp cận với kiến thức phổ thông.
Hiện nay Trường THCS xã Trấn Yên có một nhà bán trú dân nuôi với 4 phòng ở cho 24 học sinh ở các thôn bản xa trọ học. Tuy nhiên, hiện nay các phòng đã “kín chỗ” nên năm học tới so với nhu cầu thực tế cần phải có thêm 2 phòng như vậy nữa mới đáp ứng chỗ ở cho HS. Thiết nghĩ, để giải bài toán này cần có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng, hỗ trợ xây dựng nhà bán trú và quan trọng nhất đó là giúp bà con đồng bào dân tộc nhất là đồng bào người Dao ở những thôn, bản vùng sâu phát triển kinh tế phù hợp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, từ đó thay đổi nhận thức về sự cần thiết của dân trí đối với cuộc sống của chính con em và gia đình họ.