Tăng sắn, giảm rừng ở Hữu Lũng: Cần rung chuông khi chưa muộn
12/10/2011 10:07
Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chuyên môn cần cảnh báo với người dân. Dài hơi hơn là quy hoạch vùng nguyên liệu không chỉ cho Hữu Lũng mà cho cả tỉnh.
LSO-Là huyện có thế mạnh về trồng rừng sản xuất, các năm diện tích trồng rừng đều tăng. Thế nhưng trong năm nay, kế hoạch trồng rừng của Hữu Lũng không thể đạt được khi dự án 661 không còn. Nguyên nhân khác nữa là người dân thay trồng rừng bằng trồng sắn.
![]() |
Nông dân xã Hòa Lạc kiểm tra sắn trước khi thu hoạch |
Về thăm ông cậu họ ở xóm Tân Hương xã Nhật Tiến, tôi ngỡ ngàng không còn thấy rừng bạch đàn, vải được ông trồng cách đây 5 năm. Thay vào đó là vườn sắn trồng dày đến tức mắt đã cao cỡ đầu người. Hỏi thì ông cười lớn rồi thủng thẳng: “Trồng bạch đàn lâu cho thu hoạch, trồng sắn chỉ vài tháng là có thu rồi, cứ liều xem thế nào”. Không riêng gì ông mà hiện nay, cả huyện Hữu Lũng có phong trào trồng sắn thay cho trồng rừng. Thế là những vạt rừng sản xuất trồng bạch đàn sau khi thu hoạch, rừng vừa được khai phá nhân dân đều chuyển hết sang diện tích trồng sắn, kế hoạch trồng rừng toàn huyện cũng vì thế mà tụt xuống. Cho tới thời điểm hiện nay, nghĩa là sắp sửa kết thúc vụ trồng rừng 2011, toàn huyện mới trồng rừng đạt 812 ha, bằng 54% kế hoạch. Trong đó rừng phân tán 615 ha, rừng tập trung 197 ha, một con số khá khiêm tốn.
Vào thời điểm này hằng năm cơ bản huyện đã hoàn thành vụ trồng rừng 2011. Năm thấp nhất cũng đạt trên 1.500 ha. Diện tích rừng trồng như một bức tranh màu sắc kém tươi bao nhiêu thì bức tranh trồng sắn lại sinh động bấy nhiêu. Người dân tận dụng tất cả các loại đất để trồng sắn. Trồng theo kiểu lấy được, mạnh ai nấy trồng, không cần tính đến yếu tố. Bác Nguyễn Thị Hương, thôn Rừng Cấm, xã Hòa Lạc, nhổ thử mấy gốc sắn lòe xòe những củ nhỉnh hơn ngón chân cái, bác cho biết: “Thấy nhiều người trồng mình cũng chuyển diện tích trồng rừng sang trồng sắn, nhưng chưa biết thế nào.
Hiện nay giá sắn nguyên liệu khá cao, khoảng 4.000 đồng 1 kg, tính cái lợi trước mắt thì có khá hơn trồng rừng. Nhưng ngay thời điểm hiện nay, tại các tỉnh phía Nam nhân dân cũng đang lao đao vì sắn. Một bài học khá nóng đấy là người dân Đắc Nông phá một số diện tích cà phê, cao su để trồng sắn. Khi sắn tăng sản lượng, sức mua vẫn vậy đã dẫn tới bị ép giá, sản xuất ra không tiêu thụ được. Theo anh Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hữu Lũng, diện tích sắn năm nay tăng gấp 3 lần (khoảng trên 1.000 ha). Người dân trồng sắn bán cho các nhà máy, bán sang Trung Quốc để làm cồn metanon. Tính trên lý thuyết, trồng sắn hơn trồng các loại cây khác, nhưng sắn vẫn là một bài toán khó giải. Nếu trồng theo phong trào, thiếu hợp đồng bao tiêu sản phẩm, thiếu sự liên kết 4 nhà thì việc được mùa, tăng sản lượng dẫn đến bị ép giá, mất giá chỉ còn là vấn đề thời gian.
![]() |
Những nương sắn thay thế rừng ở Hữu Lũng |
Câu chuyện cách đây vài năm ở Hữu Lũng, khi diện tích sắn chưa tăng như bây giờ, đã có thời kỳ sắn lên giá rồi rớt giá. Không đâu xa, ngay xóm Tân Hương, xã Nhật Tiến rất nhiều gia đình phải đổ sắn đi vì bị mốc, giá hạ. Hiện nay, chế biến sau thu hoạch hầu như chưa có tại địa phương. Quy hoạch về cây sắn cho nông dân vẫn chưa rõ nét, người dân chạy theo lối thấy sắn lên giá thì làm mà không tính đến các yếu tố khác. Và như vậy khả năng bị ép giá, không bảo quản được dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm là điều khó tránh khỏi. Trong khi đó diện tích rừng thì giảm, thế mạnh rừng sản xuất không được khai thác.
Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chuyên môn cần cảnh báo với người dân. Dài hơi hơn là quy hoạch vùng nguyên liệu không chỉ cho Hữu Lũng mà cho cả tỉnh.
Đông Bắc