Nhân ngày dân số Việt Nam 26/12/2011: Cơ hội "dân số vàng" và thách thức
26/12/2011 09:25
LSO-Các chuyên gia dân số cho biết, cơ cấu dân số vàng chỉ mở ra trong một giai đoạn của một quần thể dân cư khi tổng tỷ suất phụ thuộc giảm, nó sẽ đạt tới “dân số vàng” khi chỉ số phụ thuộc giảm dưới 50%. Giai đoạn “dân số vàng” sẽ kết thúc khi mức sinh tăng dần, tổng tỷ suất phụ thuộc tăng lên và vượt ngưỡng 50%. Khi có “dân số vàng” thì đó là cơ hội để một quốc gia và những địa phương của quốc gia này đầu tư vào tăng trưởng kinh tế - xã hội. Sản xuất ngói máng thủ công ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc SơnTheo kết quả điều tra dân số, tính đến ngày 1/4/2009, dân số tỉnh Lạng Sơn là 731.887 người (nay gần 760 nghìn người). Tỷ lệ tăng dân số bình quân của tỉnh trong 10 năm từ năm 1999 đến 2009 là 0,4%; với tỷ lệ tăng dân số 0,4%, Lạng Sơn là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong cả nước. Trong tổng dân số của tỉnh, Lạng Sơn có hơn 170 nghìn người dưới tuổi 15, có...
LSO-Các chuyên gia dân số cho biết, cơ cấu dân số vàng chỉ mở ra trong một giai đoạn của một quần thể dân cư khi tổng tỷ suất phụ thuộc giảm, nó sẽ đạt tới “dân số vàng” khi chỉ số phụ thuộc giảm dưới 50%. Giai đoạn “dân số vàng” sẽ kết thúc khi mức sinh tăng dần, tổng tỷ suất phụ thuộc tăng lên và vượt ngưỡng 50%. Khi có “dân số vàng” thì đó là cơ hội để một quốc gia và những địa phương của quốc gia này đầu tư vào tăng trưởng kinh tế – xã hội.

Sản xuất ngói máng thủ công ở xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn
Theo kết quả điều tra dân số, tính đến ngày 1/4/2009, dân số tỉnh Lạng Sơn là 731.887 người (nay gần 760 nghìn người). Tỷ lệ tăng dân số bình quân của tỉnh trong 10 năm từ năm 1999 đến 2009 là 0,4%; với tỷ lệ tăng dân số 0,4%, Lạng Sơn là 1 trong 5 tỉnh có tỷ lệ tăng dân số thấp nhất trong cả nước. Trong tổng dân số của tỉnh, Lạng Sơn có hơn 170 nghìn người dưới tuổi 15, có trên 120 nghìn người trong độ tuổi 65 trở lên. Như vậy, tổng tỷ suất phụ thuộc dưới 50%. Với cơ cấu dân số như vậy, Lạng Sơn là một tỉnh trong giai đoạn “dân số vàng”. Nếu tận dụng cơ hội này để tập trung đào tạo nhân lực và sử dụng nhân lực được tốt, sẽ tạo nên những thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cơ cấu dân số vàng về số người trong độ tuổi lao động sẽ không là ưu thế, lợi thế, nếu họ không “vàng” về tri thức và tay nghề.
Đến nay, tỉnh ta đã thành lập các cơ sở dạy nghề và trung tâm dạy nghề tại các huyện, thành phố. Trường trung cấp nghề Việt Đức dạy và cung cấp cho xã hội và thị trường lao động 1.200 lao động. Trung bình mỗi năm tỉnh ta có 4.000 lao động được học nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo cả tỉnh ta đạt 23%. Nhiều năm nay, công tác đào tạo nghề nông thôn được quan tâm nhưng chất lượng đào tạo còn thấp, công tác đào tạo nghề thành thị cũng được quan tâm, song số lượng đào tạo chưa nhiều, chất lượng đào tạo chưa cao, phần lớn lao động mang tính chất thủ công, năng suất lao động thấp.
Cơ hội “dân số vàng” mở ra khi tỉnh ta trong thời kỳ đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, hàng loạt dự án, chương trình phát triển ở cả thành thị và nông thôn đã và đang được “khởi động”, đáng kể là các khu công nghiệp; trong đó có Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn. Để kinh tế tỉnh ta chuyển động tốt lên nữa, tăng trưởng cao và bền vững hơn nữa, đòi hỏi phải có lực lượng lao động trẻ trình độ cao.
Nhằm giải quyết vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tháng 8/2009, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề tỉnh Lạng Sơn đến 2015, tầm nhìn 2020, nêu rõ mục tiêu về mạng lưới đào tạo, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo. Theo quy hoạch này, đến năm 2010, tỉnh ta có 100% huyện, thành phố có cơ sở đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30 – 32% và đến năm 2020 đạt 40 – 45%. Quy hoạch này còn nêu rõ, trong thời gian tới, cần tập trung đào tạo các nhóm nghề phục vụ nhu cầu lao động các khu công nghiệp và một số ngành nghề phục vụ cho Khu kinh tế cửa khẩu.
Để thực hiện quy hoạch trên, công tác đào tạo nhân lực không chỉ do một ngành giáo dục – đào tạo mà đòi hỏi sự góp sức nhiều cấp, nhiều ngành, của thành phố Lạng Sơn và 10 huyện, của mọi cơ sở đào tạo và người dân chung tay, hiệp sức tạo nên sức mạnh tổng hợp đào tạo nghề thì cơ hội “dân số vàng” sẽ thực sự góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh ta. Từ đầu năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 81 lớp dạy nghề cho 2.572 lao động nông thôn với kinh phí là 4 tỷ đồng, đạt 57% so với kế hoạch, trong đó có khoảng 20% số lao động được đào tạo thuộc hộ nghèo. Các ngành đào tạo chủ yếu tập trung vào một số nghề như sửa chữa cơ khí nông nghiệp, chăn nuôi thú y, trồng trọt, sửa chữa xe máy, trồng nấm…
Để có đội ngũ lao động có “chất lượng vàng” trong giai đoạn “dân số vàng” tỉnh ta đang có cơ hội lớn nhưng cũng đứng trước thách thức không nhỏ. Thiết nghĩ, nếu tận dụng hiệu quả cơ hội “dân số vàng” đẩy mạnh công tác đào tạo, nhân lực phục vụ các ngành kinh tế của tỉnh, có năng lực thực hành nghề đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, tỉnh ta sẽ phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Mai Văn Hoa