Nông dân vùng gừng trước nỗi lo đầu ra
07/11/2012 09:35
Như Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiến Thắng đã nói, việc mở rộng diện tích trồng gừng của người dân trên địa bàn là hướng đi hợp lý. Nhưng tình trạng trồng ồ ạt mang tính tự phát, chưa có định hướng lâu dài về đầu ra khiến người dân đang tự gây sức ép cho mình, nhất là giá cả xuống thấp như hiện nay. Nên chăng, cần có sự liên doanh, liên kết, sự quan tâm của các ngành chức năng để gừng Chiến Thắng ngày càng nâng cao chất lượng và có đầu ra ổn định, đồng thời, người dân địa phương cũng cần nhạy bén hơn với thị trường, thống nhất về cách chăm sóc, bảo quản gừng để xây dựng “thương hiệu” riêng trên thị trường tiêu thụ. Bởi lâu nay việc trồng gừng ở xã Chiến Thắng chủ yếu theo hộ gia đình chứ chưa có sự tập trung. Ngay cả việc chăm sóc, bảo quản cũng chưa có sự thống nhất. Nó giống như câu chuyện mà anh Dương Văn Trọng, thôn Nà Tình kể: hiện muốn chờ giá gừng lên mới bán nhưng không thể để được lâu, vì khoảng một tháng nữa khi lúa, ngô thu xong là mọi người sẽ thả rông trâu, bò. Từ nay đến khi đó, gừng cũng phải thu xong thì mới không bị gia súc phá hoại...
LSO-Gừng từ lâu đã trở thành một trong những cây trồng chủ đạo của nông dân xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng. Nhờ cây trồng này mà nhiều năm qua, người dân địa phương đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng hiện tại, giá gừng giảm mạnh khiến người dân địa phương hết sức lo lắng, nhiều hộ có nguy cơ thua lỗ nặng.

Do giá gừng thấp nên đa số người dân trồng gừng xã Chiến Thắng
chỉ thu hoạch cầm chừng, chờ gừng lên giá
Được giá, người dân mở rộng diện tích trồng
Anh Dương Văn Trọng, một trong những hộ trồng gừng lâu năm ở thôn Nà Tình, xã Chiến Thắng cho biết: gia đình anh có “nghề” trồng gừng từ bao đời nay. Những năm trước đây, tuy giá cả gừng thất thường nhưng luôn dao động từ 7 đến 20 nghìn đồng/kg. Nhờ đó mà cây gừng đem đến thu nhập vượt trội hơn hẳn các cây trồng khác như ngô, lúa… Chính vì thấy hiệu quả kinh tế lớn nên gia đình anh đã quyết định mở rộng diện tích trồng gừng. Năm 2009, anh chỉ trồng trên diện tích 2 sào nhưng đến năm 2011 đã mở rộng lên khoảng 4 sào. Kết quả, trên diện tích 4 sào ấy đã đem về thu nhập gần 50 triệu đồng. Niềm vui được giá càng khiến gia đình anh Trọng phấn chấn mở rộng diện tích trồng gừng. Năm nay, không chỉ trồng trên nương mà gia đình anh còn trồng xuống cả ruộng cạn, tổng diện tích khoảng 5 sào.
Theo ông Hứa Văn Sảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiến Thắng thì việc mở rộng diện tích trồng gừng trên địa bàn là hướng đi hợp lý. Bởi lẽ, địa hình của xã đa số là đồi, núi, do đó nương rẫy thì nhiều mà đất ruộng thì có hạn. Trong khi đó, gừng ưa khô mà lại dễ chăm sóc và bảo quản, vốn đầu tư cũng ít. Từ lợi thế đó, nhiều năm qua, gừng đã trở thành một trong những cây trồng chủ đạo của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho người dân. Trước đây, việc trồng gừng chủ yếu tập trung ở thôn Nà Tình, giờ đây đã lan rộng ra toàn xã. Tổng diện tích gừng trên địa bàn xã theo đó không ngừng tăng lên. Năm 2011 là 17,79 ha, năm 2012 này là 20 ha.
Mất giá, người dân lao đao
Trong khi đang mong một mùa bội thu, được giá thì người dân xã Chiến Thắng bỗng chốc choáng váng trước thực tế giá gừng rớt xuống một cách thảm hại. Ngày 26/10/2012, đến thôn Hang Ví, chúng tôi gặp chị Vi Thị Tem, một trong những hộ trồng gừng ở Chiến Thắng. Chị cho biết: thời điểm này năm 2011, giá gừng bán được từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg, có lúc lên tới 20 nghìn đồng/kg. Vậy mà hiện tại, giá gừng chỉ bằng khoảng một phần ba so với năm ngoái. Giá thấp, thương lái không còn vào tận nhà mua như các năm trước, do đó người dân phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm để đem bán. Không những thế, hiện tại, việc tiêu thụ gừng cũng hết sức khó khăn. Khi được hỏi về nguyên nhân của tình trạng này, chị Hoàng Thị Xuân, một tư thương ở thôn 3, xã Vân Thủy cho biết: bây giờ các thương lái lớn ở dưới xuôi lên mua gừng đòi hỏi chất lượng rất cao, các sản phẩm thường phải đạt yêu cầu về màu sắc, độ già của gừng. Tình trạng đó khiến việc mua vào cũng chỉ cầm chừng, chúng tôi thu mua nhiều không khéo là lỗ… Nếu tình trạng giá gừng tiếp tục thấp như hiện nay thì sẽ gây tổn hại lớn tới kinh tế của bà con xã Chiến Thắng. Bởi từ hiêụ quả kinh tế mà cây gừng đem lại trong những vụ trước nên nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích trồng gừng xuống ruộng, diện tích trồng lúa nước cũng vì thế mà bị thu hẹp. Giá gừng giảm mạnh, chắc chắn khiến không ít hộ dân nơi đây gặp khó khăn. Hiện tại đang là thời điểm thu hoạch gừng của bà con xã Chiến Thắng nhưng do nhiều hộ hy vọng giá gừng sẽ tăng nên vẫn để gừng ngâm mình dưới đất. Xét cho cùng đó chỉ là giải pháp nhất thời, bởi theo như lời chị Vi Thị Phiên, thôn Làng Thành thì “chúng tôi vẫn phải bán để có tiền chi tiêu hàng ngày trong gia đình”.
Cần tìm đầu ra ổn định
Như Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiến Thắng đã nói, việc mở rộng diện tích trồng gừng của người dân trên địa bàn là hướng đi hợp lý. Nhưng tình trạng trồng ồ ạt mang tính tự phát, chưa có định hướng lâu dài về đầu ra khiến người dân đang tự gây sức ép cho mình, nhất là giá cả xuống thấp như hiện nay. Nên chăng, cần có sự liên doanh, liên kết, sự quan tâm của các ngành chức năng để gừng Chiến Thắng ngày càng nâng cao chất lượng và có đầu ra ổn định, đồng thời, người dân địa phương cũng cần nhạy bén hơn với thị trường, thống nhất về cách chăm sóc, bảo quản gừng để xây dựng “thương hiệu” riêng trên thị trường tiêu thụ. Bởi lâu nay việc trồng gừng ở xã Chiến Thắng chủ yếu theo hộ gia đình chứ chưa có sự tập trung. Ngay cả việc chăm sóc, bảo quản cũng chưa có sự thống nhất. Nó giống như câu chuyện mà anh Dương Văn Trọng, thôn Nà Tình kể: hiện muốn chờ giá gừng lên mới bán nhưng không thể để được lâu, vì khoảng một tháng nữa khi lúa, ngô thu xong là mọi người sẽ thả rông trâu, bò. Từ nay đến khi đó, gừng cũng phải thu xong thì mới không bị gia súc phá hoại…
Hoàng Huấn