LSO-Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, lượng chất thải cũng liên tục gia tăng, tạo sức ép rất lớn đối với công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, quản lý chất thải nguy hại (CTNH) là một vấn đề bức xúc trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng. Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy chế biến chì thỏi Hâm Thiên, huyện Cao LộcLuật Bảo vệ môi trường quy định: “CTNH là loại chất thải có ít nhất một trong các yếu tố như: dễ nổ, dễ cháy, ăn mòn, ôxi hóa, gây nhiễm trùng, có độc tính, có độc tính sinh thái... Các tổ chức, cá nhân có phát sinh CTNH hoặc tiếp nhận quản lý CTNH phải lập hồ sơ, đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH”... Theo tính toán của các nhà chuyên môn, lượng CTNH thải ra trong quá trình sản xuất, sinh hoạt không nhiều so với tổng lượng chất thải phát sinh (chiếm khoảng 20%); nhưng do tính chất đặc biệt nguy...
LSO-Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ, lượng chất thải cũng liên tục gia tăng, tạo sức ép rất lớn đối với công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, quản lý chất thải nguy hại (CTNH) là một vấn đề bức xúc trên cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng.
Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại Nhà máy chế biến chì thỏi Hâm Thiên, huyện Cao Lộc
Luật Bảo vệ môi trường quy định: “CTNH là loại chất thải có ít nhất một trong các yếu tố như: dễ nổ, dễ cháy, ăn mòn, ôxi hóa, gây nhiễm trùng, có độc tính, có độc tính sinh thái… Các tổ chức, cá nhân có phát sinh CTNH hoặc tiếp nhận quản lý CTNH phải lập hồ sơ, đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để được cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH”… Theo tính toán của các nhà chuyên môn, lượng CTNH thải ra trong quá trình sản xuất, sinh hoạt không nhiều so với tổng lượng chất thải phát sinh (chiếm khoảng 20%); nhưng do tính chất đặc biệt nguy hại của chúng mà việc quản lý, kiểm soát cần được quan tâm chú ý trong suốt quá trình phát sinh, lưu hành tới thu gom, xử lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác phân loại, quản lý CTNH của các cơ sở sản xuất nhìn chung còn rất hạn chế. Hiện trên địa bàn tỉnh đang hình thành khu công nghiệp ở thị trấn Cao Lộc và một số nhà máy sản xuất nằm rải ở các huyện như Nhà máy xi măng Hồng Phong (Cao Lộc), Công ty nhiệt điện Na Dương (Lộc Bình), các công ty khai thác, chế biến đá ở Hữu Lũng… Hầu hết các nhà máy, công ty chế biến, sản xuất trên đều có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa triệt để. Một số bệnh viện tuyến huyện do được xây dựng từ lâu nên hệ thống xử lý chất thải, đặc biệt là chất thải y tế nguy hại chưa được xử lý đồng bộ nên đã và đang gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, CTNH còn phát sinh thường xuyên trong rác thải sinh hoạt hàng ngày, song do việc nhận biết còn chưa đầy đủ nên nhiều doanh nghiệp, người dân không phân biệt được chính xác đâu là chất thải thông thường, đâu là CTNH nên thường tiến hành thu gom, xử lý CTNH như chất thải thông thường. Chính điều này đã khiến CTNH bị thải bừa bãi, lẫn lộn, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Đơn cử như, tại nhiều bãi chứa rác thải sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp các loại CTNH lẫn trong đống rác như: vật chất dính dầu mỡ, pin, ắc qui, mực in, bóng đèn huỳnh quang, thuốc tân dược hết hạn, bao bì thuốc bảo vệ thực vật…
Có thể nói, trước vấn đề đáng lưu tâm là công tác quản lý CTNH, thời gian qua, tỉnh ta đã chú trọng đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiểm tra giám sát hoạt động của các công ty, cơ sở chế biến sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã cấp sổ đăng ký CTNH cho 80 đơn vị sản xuất, kinh doanh; có 2 đơn vị bị xử phạt do chưa làm thủ tục đăng ký nguồn CTNH; cấp giấy phép xử lý CTNH cho Nhà máy chế biến chì thỏi của Công ty TNHH chế biến khoáng sản và luyện kim Hâm Thiên ở xã Bình Trung, huyện Cao Lộc để xử lý chất thải của riêng đơn vị mình. Ngoài ra, chưa có đơn vị nào được cấp phép hoạt động phân loại, xử lý CTNH chung trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, cùng với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh của tỉnh, công tác vệ sinh môi trường trong đô thị, khu vực nông thôn chưa được quán triệt chặt chẽ, nhiều cơ sở sản xuất chưa xây dựng hệ thống kiểm soát ô nhiễm…khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Do đó, để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải, đặc biệt là CTNH thì cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền của các cấp, ngành về bảo vệ môi trường nói chung cách nhận biết, phân loại chất thải nói riêng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời hành vi gây ô nhiễm môi trường và xả thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ xử lý môi trường tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư hệ thống xử lý môi trường có hiệu quả.