Thứ sáu,  02/06/2023

Chú trọng bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

LSO-Bảo vệ môi trường là tiêu chí thứ 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, 100% số xã, trong đó bao gồm các xã làm điểm xây dựng nông thôn mới ở tỉnh chưa đạt tiêu chí này. Điều đó cho thấy những khó khăn, thách thức đối với việc hoàn thành tiêu chí này trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa bàn. Nhân dân tham gia dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy suối Đồng Đăng - Cao LộcTrước hết, về chỉ tiêu số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo qui chuẩn quốc gia, đến nay toàn tỉnh có trên 70% dân số nông thôn được dùng nước...

LSO-Bảo vệ môi trường là tiêu chí thứ 17 trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, đến nay, 100% số xã, trong đó bao gồm các xã làm điểm xây dựng nông thôn mới ở tỉnh chưa đạt tiêu chí này. Điều đó cho thấy những khó khăn, thách thức đối với việc hoàn thành tiêu chí này trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở địa bàn.
Nhân dân tham gia dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy suối Đồng Đăng – Cao Lộc
Trước hết, về chỉ tiêu số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo qui chuẩn quốc gia, đến nay toàn tỉnh có trên 70% dân số nông thôn được dùng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó chỉ có hơn 35% được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt của nhân dân hiện chủ yếu lấy từ nguồn nước ngầm tự khai thác trực tiếp bằng giếng khoan, giếng đào, nguồn nước tự chảy từ các khe dọc và một số công trình dẫn cấp nước sạch sinh hoạt… Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 700 giếng khoan, 28.000 giếng đào, 2.000 bể chứa nước và gần 500 công trình cấp nước tập trung… Nhưng trên thực tế tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn vẫn đang còn hạn chế; trong khi đó, một số công trình cấp nước tập trung chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu.
Chỉ tiêu về các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và thu gom, xử lý chất thải, rác thải bảo đảm theo qui định cũng còn gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt, trong đó khoảng 50% được thu gom nhưng tỷ lệ rác được xử lý bảo đảm công nghệ, kỹ thuật còn rất ít (chủ yếu là ở thành phố, thị trấn). Với lượng rác thải tồn tại trong các bãi đất, lâu năm sẽ gây ra các tác động tiêu cực tới môi trường như: ô nhiễm nguồn nước, là nơi ủ và phát tán mầm bệnh cho con người và vật nuôi. Đối với nước thải thì tình trạng cũng đáng lo ngại. Bởi lẽ, cho tới nay hầu hết các xã trong tỉnh chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Hiện chỉ một phần nhỏ nước thải từ các nhà vệ sinh và nước thải chăn nuôi được thu gom và xử lý sơ bộ. Còn lại toàn bộ nước thải sinh hoạt từ tắm giặt, ăn uống đều được thải tự do ra môi trường. Điều đó, khiến cho nước thải sinh hoạt cũng trở thành một trong những nguồn gây ô nhiễm môi trường. Tiêu chí về nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch, hiện nay không có xã nào hoàn thành được, hầu hết đang dừng ở quy hoạch quỹ đất hoặc giữ nguyên hiện trạng nghĩa trang cũ của địa phương. Việc sử dụng đất nghĩa trang vẫn phụ thuộc vào phong tục, tập quán địa phương, chủ yếu quan tâm đến chôn cất người qua đời mà chưa quan tâm đến diện tích cây xanh, các công trình phụ trợ, mỹ quan.
Ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá: Bảo vệ môi trường gắn với bảo vệ sức khỏe con người là một trong những yêu cầu bức thiết trong xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, đây đang là tiêu chí đạt thấp và được đánh giá là khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này ở nông thôn chưa đảm bảo; nhận thức về xây dựng nông thôn mới của một bộ phận người dân còn hạn chế, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; ý thức về bảo vệ môi sinh môi trường trong đời sống chưa cao…

Để đạt được mục tiêu đến năm 2015 có 45 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020 là 50% số xã ( tương đương 104 xã) thì mỗi địa phương khi quy hoạch xây dựng nông thôn mới cần có các phương án đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là trong thu gom, xử lý chất thải. Tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi thói quen, tập quán trong sản xuất và xả chất thải, bảo đảm thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần có sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành và toàn xã hội, mới hy vọng có thể đạt tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

Hồ Xuân Hương