Nâng cao hiệu quả quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa
26/06/2016 07:23
Hòa cùng sự phát triển của đất nước, lực lượng SME cũng ngày càng lớn mạnh, tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra nhu cầu khách quan phải nâng cao chất lượng các doanh nghiệp này, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, giải quyết việc làm, giữ vững thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu, giảm bớt sự lệ thuộc nhập khẩu những sản phẩm tương tự.
Mới đây, theo quyết định của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức lễ ra mắt Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF). Mục đích quỹ nhằm giúp SME nâng cao năng lực cạnh tranh, ưu tiên lĩnh vực sản xuất, chế tạo và các doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ, trang thiết bị tiên tiến để có hàng hóa, sản phẩm có sức cạnh tranh cao. SMEDF có nguồn vốn ban đầu 2.000 tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp để cho vay với mức lãi suất ưu đãi là 5,5% đối với khoản vay ngắn hạn và 7% với khoản vay trung và dài hạn. Về thủ tục vay, các điều kiện như minh bạch về quản trị, năng lực tài chính, lịch sử của doanh nghiệp và việc nâng cao năng lực về khoa học công nghệ, đầu ra của sản phẩm được coi trọng hơn là vấn đề thế chấp tài sản.
Thông tin về quỹ nêu trên được các doanh nhân SME đặc biệt quan tâm, hy vọng và đã đưa ra một số kiến nghị tâm huyết: Một là, lãi suất cho vay thấp hơn 10% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại lớn là một ưu đãi đáng quý, nhưng sự rút ngắn về thủ tục và thời gian còn quan trọng hơn nhiều. Bởi vậy, cần hết sức nâng cao tính chuẩn mực và minh bạch về nội dung, quy trình và tiêu chuẩn cho vay của SMEDF. Hai là, vốn đối ứng của doanh nghiệp phải chiếm tỷ lệ thấp nhất 20% là điều kiện cần thiết để bảo đảm thực lực, nhưng nếu càng có tỷ lệ vốn đối ứng (tự có) cao hơn thì càng được ưu tiên hơn. Bởi vì điều đó phản ánh thực lực cũng như triển vọng nâng cao hiệu quả vốn vay từ SMEDF. Ba là, mặt yếu hoặc chưa mạnh của các SME không chỉ là khoa học – công nghệ, mà còn là quản trị kinh doanh, tài chính – kế toán. Do đó, lực lượng lãnh đạo và nhân viên SMEDF phải trong sạch, vững mạnh, đủ tài, đức giúp các doanh nghiệp được vay vốn không chỉ về tài chính thuần túy, mà còn về quản trị kinh doanh, nguồn nhân lực và cả về các cơ chế, cũng như chính sách thị trường. Bốn là, các ngân hàng thương mại và các quỹ khác cũng cần chú ý những tác động tích cực khi SMEDF tiến hành sự đổi mới thủ tục, tạo sự lan tỏa tới hoạt động cho vay nói chung. SMEDF hướng trọng tâm vào các doanh nghiệp nhỏ, khi các doanh nghiệp đó đứng vững và phát triển dần lên quy mô vừa và lớn, nâng cao kinh nghiệm và uy tín, thì sẽ là khách hàng tin cậy của ngân hàng thương mại đang cần đầu ra của vốn tín dụng…
Ngày 17-4-2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 601/QĐ-TTg về việc thành lập SMEDF, nhưng đến nay mới có thể chính thức vận hành quỹ. Trong khi đó, thực tiễn cuộc sống mấy năm qua cho thấy, cộng đồng SME nước ta có rất nhiều sản phẩm thể hiện rõ sự đổi mới khoa học công nghệ trên cơ sở bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam và sự hấp thụ thành tựu mới của thế giới trong tiến trình hội nhập. Hy vọng rằng, lần này với quyết tâm cao, nói đi đôi với làm của Chính phủ, các doanh nhân, nhà khoa học, người lao động sẽ được tiếp sức đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, thành công trên chặng đường phát triển mới.