Thứ ba,  21/03/2023

Buồn Vui mùa vải sấy

LSO-Cứ độ cuối mùa vải khu vực dốc Tềnh Tạm Đồng Đăng lại trở thành chợ đầu mối của vải sấy khô. Năm nay niềm vui dồn đến với người trồng vải, đến cả với những người sấy vải, bốc vác, đóng bao.

LSOCứ độ cuối mùa vải khu vực dốc Tềnh Tạm Đồng Đăng lại trở thành chợ đầu mối của vải sấy khô. Năm nay niềm vui dồn đến với người trồng vải, đến cả với những người sấy vải, bốc vác, đóng bao. Mỗi mùa vải người dân khu vực Đồng Đăng lại có thêm việc làm. Niềm vui vải sấy như được nhân đôi lên. Vui đấy nhưng vải sấy vẫn còn đôi chút băn khoăn đọng lại.

Vải sấy khô tập kết ở Đồng Đăng

Vải sấy đã vui trở lại

Nhớ cách đây vài năm khi giá vải tụt đến mức kỷ lục. Hái cả vườn vải cũng chỉ đủ trả công thuê, dư dật chút ít mua vài bao thuốc, cân chè đãi khách thế là cả vụ vải đi tong. Có nhà năng động hơn sấy khô vải để bán. Năm đầu còn bán được vì nó lạ, những năm sau tư thương ép giá. Có lúc cân vải khô cũng chỉ bằng cân vải tươi. Nghĩ vải bạc, nhiều người dân ở Hữu Lũng, Chi Lăng đã chặt hết vải để trồng bạch đàn. Những năm ấy trung bình mỗi xã của huyện Hữu Lũng chỉ còn giữ được 50% diện tích trồng vải.

Nhưng ở đời, cái gì cũng có quy luật của nó, đến giai đoạn vải Hữu Lũng gần như “tuyệt chủng” thì vải lại được giá. Vải sấy khô càng được giá hơn vì có thể chuyển đi xa, một số nhà máy chế biến thực phẩm của Trung Quốc mong từng cân vải khô để làm thành các món ăn đặc sản. Thế là mùa vải đã nên vui. Một niềm vui nữa Đồng Đăng trở thành chợ đầu mối vải khô của cả nước. Vải ở mọi nơi đổ về, thương lái Trung Quốc dồn đến mua, rồi từ Đồng Đăng vải mới được phân phối đi các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lào Cai để xuất ngoại. Mỗi mùa vải chỉ bước đến đầu chợ Đồng Đăng đã thấy trong gió nồng nồng mùi vải. Ở các kho, vải chất cao như núi, vải đóng hộp, vải đóng bao cứ ngồn ngộn chen cả lối đi. Vải nhiều đến mức không quen chỉ ngửi mùi vải đã váng vất, say say trong hương nồng vải sấy. Khắp dọc đường dốc Tềnh Tạm từ mờ sáng đến tối mịt luôn xôn xao tiếng nói cười, ngôn ngữ đủ các vùng miền nghe âm thanh cứ như một chợ hợp chủng quốc.

Kéo ghế mời khách ngồi, anh Lê Văn Tiếp, một chủ vải ở Đồng Đăng một tay điện thoại, một tay pha trà. Như để khách cả ta lẫn Tàu thông cảm anh nói bằng cả hai thứ tiếng: “Thông cảm nhé, ngày mùa mà, dừng điện thoại một tí là mất tiền trăm như chơi, thôi đã là người nhà xin cứ như ở nhà”. Hiện mỗi ngày vải khô đổ về Đồng Đăng trên 1 ngàn tấn, nghĩa là khoảng trên 50 ngàn thùng. Mà thùng, xe, bao cứ ngồn ngộn làm Đồng Đăng vốn đã chật lại càng chật hơn. Người ta tận dụng mọi chỗ để chứa vải, khắp mặt đất chẳng chỗ nào là còn trống. Ông Lương Kỳ Thuận, thương gia Quảng Đông về chọn mua vải cười để lộ hàm răng trắng như diễn viên: “Mua vải phải chọn từng bao, vì thế chúng tôi cứ phải bày ra để phân loại, biết là lâu, bất tiện nhưng không còn cách nào hơn”.

Đến chợ vải mới thấy độ cẩn thận của thương gia Trung Quốc họ vần từng bao, chọn từng quả, xem đi xét lại, bàn bạc chung cứ thì thầm như buôn bạc giả rồi mới ngã giá. Vì vậy một hình ảnh rất dễ nhận thấy vào mùa vải là họ kéo từng đoàn trong thương hội đến các kho chọn vải. Kho nào ưng ý là: “hảo hảo” và bao cả kho luôn. Lúc ấy chỉ bán mua 1 giá cực kỳ nhanh gọn. Nhìn thương hội ông Thuận chọn hàng tôi cứ nghĩ bâng quơ, sao chúng ta không hình thành những thương hội như họ, cùng làm, cùng định giá, và dĩ nhiên không để ai ép giá.

Lách qua một đống vải cao như núi, suýt nữa tôi đạp phải mấy cái đầu chúi chúi, cúi cúi sát các bao vải. Một tiếng cười con gái ré lên: “Chụp ảnh, chụp ảnh”. Thì ra có đến cả chục chị tuổi sàn sàn 30 đang đóng vải, nói đấy, cười đấy nhưng tay thì vẫn thoăn thoắt không nghỉ. Nông Thị Hà, cô gái vừa trêu tôi tâm sự, chúng em phải đóng liên tục cho khách anh ạ. Các thương gia Trung Quốc chọn hàng xong họ yêu cầu đóng ngay, đóng càng nhanh càng tốt, thường xong nhanh có thưởng nên ai cũng muốn xong việc. Nếu cứ nhiều vải thế này đỡ phải làm ruộng. Hiện cứ mỗi bao đóng thế này để chở đi xa họ trả 2 ngàn đồng. Mỗi xe cũng được 200 ngàn đồng, có ngày đóng nhanh thì được 2 xe. Tôi nhẩm tính như thế mỗi ngày họ cũng được ít nhất 200 ngàn. Công bốc hàng nữa tính ra riêng dịch vụ đóng bao, bốc vải cũng được 400 ngàn 1 xe. Hẳn nào mấy hôm nay cửu vạn đường biên bỏ đi bốc vải hết, đường biên vắng hoe. Hiện mỗi ngày có trên 500 lao động sống bằng vải khô, tuy chưa phải thu nhập cao nhưng họ cũng đủ yên tâm trong mùa vải.

Đóng bao vải sấy

Đôi nỗi băn khoăn

Theo anh Nguyễn Văn Lợi, Thanh Hà, Hải Dương năm nay người ta đầu tư rất nhiều vào sấy vải, bởi vải sấy để được lâu hơn, bán được giá hơn. Hiện mỗi cân vải sấy loại tốt có giá 35 ngàn đồng, trung bình 30 ngàn đồng. Như thế đã mang lại thu nhập cho người trồng vải. Thế nhưng theo anh Lợi anh em ở các vùng miền chở vải đến cứ mạnh ai nấy bán, bán ào ào chứ không tính đến giữ giá cho vụ sau. Cái cách làm ăn đơn lẻ như thế rất dễ bị tư thương nước ngoài ép giá. Chẳng qua năm nay hiếm hàng nên rất nhiều thương hội nước bạn đến mua, và như vậy họ chưa có cơ hội ép giá mà thôi.

Vừa nhâm nhi trái vải ngọt đến tê lưỡi vừa tâm sự với anh Lê Văn Tiếp, chủ vựa vải. Anh Tiếp thẳng thắn, đúng là Đồng Đăng chưa có hiệp hội vải sấy, anh em đến bán hàng thuê kho, Trung Quốc sang chọn, đèn nhà ai nấy rạng nên giá vải cứ tít mù như trên trời. Mua bán bao nhiêu, xuất đi đâu họ cũng không quan tâm. Thế nên bán cứ bán mà chẳng biết giá trị thực của vải ở Trung Quốc là thế nào, không chừng họ mua của mình đóng gói xuất đâu đó thì mất thương hiệu như chơi. Lúc này tôi mới để ý trên bao bì chỉ nghi mỗi chữ vải sấy khô mà không nghi xuất xứ, trọng lượng, mã hàng, như vậy nếu bị đánh cắp thương hiệu thì cũng là một điều dễ hiểu. Và còn nữa, vui đấy nhưng những chị Hà, chị Mến sống bằng đóng vải hết mùa vải họ sẽ làm gì? Liệu có nghề gì bền vững cho họ hơn không? Những câu hỏi bâng quơ ấy cứ ám ảnh tôi mãi đến bây giờ.

NGUYỄN ĐÔNG BẮC