Khuổi Lầy, lội trong cái khó
24/07/2013 09:08
LSO-Xã Mẫu Sơn, Lộc Bình là một trong những xã nghèo nhất huyện. Nghèo bởi địa hình cắt xẻ dữ dội. Trình độ canh tác của người dân còn thấp, diện tích đất nông nghiệp manh mún, từ đó dẫn đến đói nghèo. Và 100% số thôn trong xã chưa thoát nghèo. Trong những thôn nghèo ấy có Khuổi Lầy.
![]() |
Đường vào Khuổi Lầy |
Từ lưng đỉnh Mẫu Sơn tấm biển chỉ đường đi Khuổi Lầy làm bằng chất liệu phản quang chẳng ghi số km khiến người đi đường như càng thêm tò mò. Vì một lần tò mò ấy, chúng tôi đã đến Khuổi Lầy. Bất chấp lời cảnh báo của anh chủ quán nước có cái tên ngồ ngộ Triệu Chằn Nghìn: “Đường đi khó lắm, không vào được đâu”! Gọn lỏn vậy rồi anh rít thuốc lào sòng sọc, không quên cho vê khách một “bi”. Thấy chúng tôi vẫn quyết tâm, anh không cản mà ra đầu nhà nhìn chiếc xe máy hút dần trong những cây thông mùa chích nhựa. Bóng anh Nghìn xa dần, lúc này con đường Khuổi Lầy mới thực sự là một phép thử lòng người. Đại loại nó giống như lòng suối, nước, bùn, đá lổn nhổn khiến cả người và xe cứ như trượt băng nghệ thuật. Có đoạn đường chỉ còn một vệt bằng viên gạch đặt ngang, mà ngay dưới viên gạch ngang ấy là vực, lỡ tay một chút cả người và xe sẽ mất hút trong đám cỏ tranh dưới khe. Cứ đi, cứ trượt như thế tầm 2 tiếng đồng hồ xe mới đến được ngôi nhà đầu tiên của Khuổi Lầy.
Vào mùa gặt, nhà của Triệu Chằn Thiện ngổn ngang những bó lúa bằng cổ chân. Thiện đang cùng em tuốt thành quả của một vụ mùa. Bằng giọng hào hứng anh cho biết, vụ lúa năm nay khá hơn năm ngoái và như thế này chắc đủ ăn 3 tháng. Nhìn những bó lúa từ tay Thiện tôi không khỏi ái ngại cho anh. Thứ giống cũ 203 này chắc ở vùng thấp ít người dùng, còn ở đây hình như nó vẫn là giống chủ đạo. Với 203 canh tác ở Mẫu Sơn chắc năng suất chỉ được 30 tạ một ha, như thế khó có thể đủ ăn từ lúa. Qua tâm sự nhà Thiện có 7 nhân khẩu nhưng chi có 3 mẫu ruộng còn lại trông vào nương. Riêng lúa chỉ đủ ăn trong vòng 4 tháng, lương thực chính ngô, mà ngô cũng chỉ đủ 3 tháng nghĩa là gần nửa năm gia đình phải lo tìm cái ăn. Nhìn ra ruộng, mẹ Thiện vẫn bằng cách thủ công chọn từng bông lúa đẹp để giống cho vụ sau, cách canh tác của những năm 70 thế kỷ trước vẫn hiện hữu ở Khuổi Lầy.
![]() |
Nông dân Khuổi Lầy tuốt lúa bằng công cụ thủ công |
Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được vào nhà anh Hoàng Chằn Phúc, trưởng thôn Khuổi Lầy. Bởi ở Khuổi Lầy cơ bản mỗi hộ tọa lạc trên một quả đồi. Nhìn thấy nhau đấy, có khi đứng bên khe nọ còn chuyện trò qua cả khe kia nhưng để đi đến được thì phải đi bộ mất cả buổi. Vào được nhà trưởng thôn tôi phải lạc đến mấy bận, cứ vòng đi vòng lại trên những con đường rộng như hòn gạch để ngang. Đang ngày mùa nhưng thấy có khách cả tổ đổi công nhà anh Phúc dừng lại để đón khách, ai cũng góp một câu chuyện về mùa màng xem ra mọi người hồ hởi lắm, còn chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì chỉ cách đây có vài km thôi người dân đã canh tác ở trình độ khác và lương thực không còn là điều phải bận tâm. Theo anh Phúc, toàn thôn Khuổi Lầy có 18 hộ dân, với 88 nhân khẩu. Nhưng đất canh tác chỉ có trên 30 mẫu, còn lại là đất nương. Toàn thôn cũng có 15 xe máy, hơn chục máy nông cụ. Nhiều nơi quan niệm có xe, máy nông cụ là hộ giàu nhưng ở đây có đấy, mà họ vẫn đói. Vậy thì điều còn lại chỉ là vấn đề trình độ canh tác mà thôi. Thấy tôi để ý mấy chiếc xe máy, anh Phúc thở dài, hộ có xe máy, máy cày là bán trâu bò đi để mua coi như thay thế sức kéo này bằng sức kéo khác. Toàn thôn còn tới 16 hộ nghèo, hai hộ khá của thôn vẫn thiếu ăn vài tháng. Cái đói nghèo sinh ra bệnh tật thì phải.
Tôi đến thăm gia đình anh Triệu Chằn Phương, có thể nói đây là hộ điển hình của cái nghèo nhà anh Phương hai vợ chồng đau yếu, sinh 3 con thì cả ba đều câm điếc, ngày mùa mà nhà vẫn cơm ngô. Tôi cứ mong một tổ chức từ thiện nào đó sẽ biết đến gia đình anh sau bài viết này.
Nói bằng chất giọng trầm buồn anh Phúc thẳng thắn, trước đây thôn được đầu tư con đường 135, nhưng lại mở từ Mẫu Sơn sang vì thế giờ đây đường đã gần như bỏ không. Trong khi đó có con đường khác nối với quốc lộ 4B tiện hơn thì không được quan tâm. Không có đường, tất tần tật mọi thứ đều trên đôi vai thì sao mà khá lên được. Và quả thật suốt thời gian ở Khuổi Lầy bà con ai cũng nói về con đường, giá như nơi đây có con đường tốt hơn thì chắc việc xóa đói giảm nghèo của người dân không quá khó khăn thế này. Tôi hỏi anh Phúc: “Thế thôn ta còn tiềm năng gì để xóa đói giảm nghèo nữa không”? Anh trưởng thôn rụt rè nhìn ra những vạt đồi thông non cao cỡ cây sào: “Bà con trông vào nhựa thông thôi, vì gỗ thông chưa khai thác được mà khai thác cũng không có đường chở gỗ. Ở đây người dân chỉ mơ cả năm đủ ăn thôi”. Nói rồi anh trưởng thôn lảng đi như chạy trốn chuyện nghèo.
![]() |
Nông dân Khuổi Lầy chọn lúa giống cho vụ sau |
Rời Khuổi Lầy khi bóng chiều ập xuống, con đường vào đã khó nay trở ra còn khó hơn gấp bội. Vượt thêm 1 giờ đồng hồ những con đường như viên gạch nằm ngang đã đưa chúng tôi về phố thị bỏ lại sau lưng một Khuổi Lầy đầy gian khó. Còn tôi cứ vẩn vương, giá mà nông dân Khuổi Lầy được hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu giống, thay đổi phương thức sản xuất, đầu tư đường đúng tâm nguyện thì chắc việc xóa đói giảm nghèo sẽ tốt lên. Và mơ ước đủ ăn cả năm sẽ thành hiện thực.