Xuân Lũng: Tròng trành bè mảng qua sông
07/08/2013 09:44
LSO-Xuân Lũng được xếp vào một trong những thôn đông dân nhất trong xã Bình Trung, huyện Cao Lộc. Thế nhưng đối lập với số dân đông thì số đường, đất ở Xuân Lũng lại ít nhất. Bởi Xuân Lũng khuất nẻo bên sông, khi qua sông người dân nơi đây duy nhất trông vào những chiếc mảng. Và hầu như mùa lũ nào cũng có người ra đi cùng dòng nước.
Một lần vào Xuân Lũng
![]() |
Bến mảng Xuân Lũng |
Anh Vy Văn Biên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Trung nhìn đoàn khách “tỉnh” từ đầu đến chân rồi dứt khoát, xem thôi, đừng qua sông, đang lũ nguy hiểm lắm. Nói rồi anh nhìn ra ngoài trời đang ầng ậng những nước, thở dài: “Lại mưa”! Dòng Kỳ cùng cắt xã Bình Trung, huyện Cao Lộc làm 2 khu, bên này sông và bên kia sông. Phía bên này sông thuận lợi bao nhiêu thì bên kia sông lại khó khăn bấy nhiêu và Xuân Lũng thuộc về bên kia sông. Xuân Lũng khó vì thiếu đất sản xuất, khó vì nước lên là cả làng lo ngập nhưng khó hơn là cả thôn không có đường. Người dân dù muốn đi chợ mua gói muối, hạt gạo cũng phải dùng mảng vượt sông. Trẻ con ở Xuân Lũng thì phải học bơi trước khi học chữ bởi nếu không biết bơi mùa lũ khó có thể sang sông đi học. Cái thế sơn cùng thủy tận ấy đã kéo Xuân Lũng thành thôn nghèo nhất xã.
Bất chấp lời can của anh Phó Chủ tịch, chúng tôi quả quyết: “Dân đi được bọn em đi được, anh đừng lo”. Với quyết tâm ấy anh Phó Chủ tịch không can nữa nhưng cứ nhất nhất phải cử người đưa nhà báo đi: “nhỡ có sao còn cứu chứ”. Còn chúng tôi cứ muốn giục anh nhanh nhanh để thỏa chí tò mò xem người Xuân Lũng qua sông thế nào. Anh Lành Xuân Bằng, Phó Công an xã đưa chúng tôi đến bến mảng Xuân Lũng, theo cánh tay anh chỉ dưới bờ sông có tới gần 40 chiếc mảng đang được xếp thành hàng, mỗi chiếc đều có khóa xích vào bụi tre. Anh Bằng giải thích, trông thế chứ mỗi chiếc bè cũng phải 2 triệu. Mùa này hộ nào không có mảng coi như bị mất chân, đành ngồi nhà mà nhìn ra sông thôi. Sông Kỳ Cùng đoạn qua Xuân Lũng vốn hiền hòa là vậy, nhưng mùa mưa nước lũ nó trở thành con ngựa bất kham, réo ùng ục, tung bọt trắng xóa, dưới chân sóng là đá ngầm ai trượt khỏi mảng coi như cầm chắc cái chết. Đứng dưới chân sóng một lúc mà tai tôi như ù đi, đôi giầy đi mưa ngấm bọt nước trở nên mềm oặt, giờ bước xuống triền sông nó cứ trượt như trượt băng, may mà có anh Bằng đỡ chứ không đã mấy lần tôi rớt tận đáy sông.
![]() |
Người dân Xuân Lũng vượt sông |
Theo anh Bằng hầu như năm nào khúc sông này cũng có người chết đuối. Mới đây nhất là anh H.V.B đi mua rượu qua sông bị chìm, tìm mãi chỉ thấy đôi dép tổ ong mắc vào bụi tre. Còn các cô giáo và lũ nhỏ thì liên tục bị trôi, may mà người ta cứu được. Ở Xuân Lũng nuôi được con lợn bán cũng phải mất cả chục người giúp vì thế mỗi lần bán lợn, bán ngô chủ nhà phải làm cơm đãi khách, có khi mất nửa con lợn. Mà giá lợn ở đây bao giờ cũng thấp hơn 5 đến 10 giá (nghìn). Vì thế cái nghèo luôn đeo đẳng nơi đây. Xuân Lũng có 65 hộ dân, 315 khẩu thì có tới gần 40 hộ nghèo. Thấy có nhà báo đến, trưởng thôn Vy Văn Quân huy động đến 3 tay chèo ra mời khách. Nhìn bác Vy Văn Đắc 75 tuổi, áo sờn vai, khắc khổ ướt mưa, tròng trành trên sóng chúng tôi chẳng dám lên mảng. Bác Đắc thì mắt rơm rớm lệ vì theo bác: “Muốn nhà báo chứng kiến, kể lại may nhà nước cho cái cầu”!
Mơ một cây cầu
Theo thống kê của xã Bình Trung, năm nhiều nhất nơi này có tới 4 vụ tai nạn bè mảng. Còn chuyện học sinh, cô giáo, người lạ qua thăm thân ngã mảng được cứu thì có tới cả chục lượt. Phó Chủ tịch xã Vy Văn Biên tâm sự, mong muốn nhất của bà con là có một cây cầu qua sông, dù là cầu tạm, cầu treo cũng được. Như thế may ra nơi này mới có điều kiện phát triển. Còn bây giờ cái khó bó mất cái khôn rồi. Nói rồi anh nắm tay và xoa xoa, bọc bọc như muốn minh chứng kinh tế ở Xuân Lũng như bị bít mất đường. Cũng theo anh trưởng thôn Quân, người ta đã về xem mấy lần, có người còn nói làm cầu dây ở đây chỉ mất 500 triệu đồng. Thế mà mấy năm rồi chưa làm được. Năm 2006, huyện ưu tiên cho làm cái cầu tạm sát sông, nhưng khi đập thủy lợi Khánh Khê hoàn thành con cầu tạm đã bị chìm sâu dưới nước, thế là 65 hộ dân lại quay về với cái mảng tròng trành qua sông.
![]() |
Trẻ em Xuân Lũng chèo mảng |
Đứng ở triền sông quan sát, chúng tôi thấy Xuân Lũng cách chợ Khánh Khê chỉ hơn 500 mét, nếu có một cây cầu chắc chắn nơi đây sẽ phát triển nhanh, sẽ có điều kiện để trao đổi hàng hóa, giao lưu bên ngoài. Đấy cũng chính là chìa khóa giảm nghèo. Muốn vậy không thể trông vào những chiếc mảng mong manh đang chờ tai nạn, mà cần có một cây cầu dù chỉ là cây cầu dây 500 triệu đồng như người dân mơ ước. Rời Xuân Lũng, tôi cứ ám ảnh hình ảnh bác Vy Văn Đắc đã 75 tuổi, áo sờn vai mong manh trong gió lạnh. Đã 75 năm rồi bác mong một cây cầu.