Hồng Bảo Lâm – bảo bối của núi rừng biên ải
27/09/2013 17:21
LSO-Hội thi hồng Bảo Lâm lần thứ nhất cùng với quyết định công nhận chỉ dẫn địa lý hồng Bảo Lâm như một luồng gió mới thổi về vùng đất Bảo Lâm quê hương của hồng không hạt. Đón nhận sự kiện này không riêng gì người dân Bảo Lâm mà người dân trong vùng đều hồ hởi phấn khởi. Và từ đây chắc rằng thương hiệu hồng Bảo Lâm sẽ bay xa.
![]() |
Các đội góp vui văn nghệ |
Hết đứng lại ngồi, bác Triệu Thị Nàm, thôn Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc), đội trưởng đội thi hồng Đồng Đăng tỏ ra rất hồi hộp. Trời lạnh cuối thu mà mồ hôi bác cứ đầm đìa khuôn mặt đỏ lên vì xúc động. Nói trong hơi thở gấp gáp bác cho biết, đây là lần đầu tiên đội Đồng Đăng tham dự hội thi sau khi có chỉ dẫn địa lý, không biết đội có được giải không, nhưng suốt từ đêm cả đội đã chuẩn bị để sớm nay vào cuộc. Không riêng gì đội Đồng Đăng mà 7 đội khác đến từ 6 xã, thị trấn trong huyện cũng hồi hộp không kém, bởi hội thi năm nay có cả tỉnh, cả trung ương về dự. Với hội thi của một huyện vùng biên ải tất cả đều được chuẩn bị một cách mộc mạc nhưng đấy chính là hương vị rất thật của hội thi. Ngay từ sáng sớm bà con các thôn bản đã lục tục đi xem hội, họ mặc những bộ quần áo mới nhất, chọn những quả hồng chất lượng nhất để đem đến hội thi, hơn thế họ còn chọn những bài hái sli, lượn hay nhất để góp vui, tất cả không khí ấy hoà với cờ hoa hai bên đường tạo nên một sắc màu rất riêng của vùng biên ải.
![]() |
Mâm quả của đội Thạch Đạn |
Với vùng hồng Bảo Lâm được xác định là vùng hồng của 6 xã Bảo Lâm, Thanh Loà, Lộc Yên, Thạch Đạn, Cao Lâu và thị trấn Đồng Đăng. Cây hồng đã có từ rất lâu đời và không nơi đâu thiên nhiên lại ban tặng cho vùng biên cương này chất đất phù hợp với cây hồng không hạt như vậy. Hiện nay toàn khu vực có khoảng 300 ha hồng không hạt. Cái giống hồng không hạt chỉ nơi này có. Nó ngọt, thơm và giòn, chất đường nhiều đến mức mỗi thớ hồng đường cát, bột dính như lăn bột, óng ánh giống như thỏi mật. Vì thế không chỉ người dân Bảo Lâm mà cả người dân toàn xứ Lạng cũng tự hào vì đặc sản hồng.
Bước vào hội thi, 7 đội với 33 mâm quả, quả nào quả ấy to, căng tròn. Anh Hoàng Văn Định đội Thạch Đạn cho biết, cứ tầm 12 quả thì được 1 cân, mỗi cân hiện nay bán tại gốc là 20 ngàn đồng, như vậy có hộ thu mỗi vụ hồng 50 triệu đồng. Mặc dù đã được chuẩn bị kỹ nhưng đội thi nào cũng hồi hộp, bước lên sân khấu mà chân vẫn run run, chính điều đó đã tạo nên cái chất riêng của hội thi hồng Bảo Lâm. Đến với hội thi, các đội đều tranh thủ mọi kiến thức của mình nói về kinh nghiệm trồng hồng, ngâm hồng, làm thế nào để có sản phẩm tốt nhất. Bác Lộc Văn Hinh đến từ đội Bảo Lâm tâm sự, muốn có hồng đẹp phần đầu tiên phải chọn giống tốt, mà giống tốt phải lấy từ rễ hồng, vì hồng không hạt nên lấy đâu ra hạt làm giống. Sau đó phải đào hố sâu đúng 50 phân, bón phân trước sau đó trồng. Khi hồng được quả, phần ngâm hồng là quan trọng, phải chọn ngày nắng thu hồng quả mới đẹp. Ngâm thì nước phải ngập quả, ngày thay nước 1 lần, không dùng nước bẩn, trong thời gian ngâm không uống rượu. Anh Hứa Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện góp chuyện, kỹ thuật ngâm hồng là quan trọng nhất, có khi cùng một cây nhưng ngâm khác nhau đã cho chất lượng hồng khác nhau. Hội thi diễn ra ngày một sôi động, khi đại biểu, ban giám khảo và các đội hoà cùng là một họ thẳng thắn trao đổi những kiến thức cập nhật được, chia sẻ những kinh nghiệm. Hội thi không còn bó hẹp là thi mà là một ngày hội.
![]() |
Ban giám khảo chấm thi hồng Bảo Lâm |
Tâm sự với ông Chu Đường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông cho biết, hồng Bảo Lâm có thể coi là sản vật quý của xứ Lạng, hội thi không chỉ khuyến khích trồng hồng, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn là dịp tôn vinh những người trồng hồng giỏi để tạo sức lan toả. Sau hội thi này, tin rằng thương hiệu hồng Bảo Lâm sẽ còn bay xa. Hội thi như càng cuốn hút hơn khi giám khảo chấm các mâm hồng. Theo cảm quan của chúng tôi mâm nào cũng giống mâm nào, không thua chị kém em. Quả hồng nào cũng mọng căng, đẹp như vẽ như chào mời. Đấy là khó khăn lớn nhất cho ban giám khảo. Anh Nguyễn Tri Thức, Viện Rau quả trung ương nhận định, cuộc thi thành công, việc phổ biến kiến thức qua hội thi càng thành công hơn, và đây chính là dịp để quảng bá thương hiệu cho hồng xứ Lạng.
Hội thi nào cũng phải đến hồi kết thúc, đội Bảo Lâm 1 đã đạt giải nhất. Tuy nhiên dư vị của hội thi như vẫn còn đó, nó hứa hẹn ở mùa thi sau. Được công nhận chỉ dẫn địa lý, chắc thương hiệu hồng Bảo Lâm sẽ vươn xa, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, biến cây hồng Bảo Lâm, hội thi hồng Bảo Lâm thành bảo bối của núi rừng xứ Lạng.