Thứ sáu,  08/12/2023

Về nơi đầu gió Chi Lăng

LSO-Đồn Biên phòng 35 Chi Lăng nằm sát đường tuần tra biên giới. Nơi đây nằm trong khu vực lòng chảo sông Kỳ Cùng chảy từ dãy Ngàn Chi. Bởi vậy nó là nơi đầu đón gió Đông Bắc. Vùng đất khắc nghiệt chỉ giàu nắng và gió này ngày đêm có những chiến sĩ biên phòng sát cánh cùng nhân dân bảo vệ biên giới, làm rừng mang lại màu xanh trên địa đầu Đình Lập.
Đường tuần tra biên giới dưới tán thông xã Bính xá, Đình Lập

Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp quay lại Đồn Biên phòng Chi Lăng (xã Bính xá, Đình Lập). Trước kia muốn đi vào đồn phải mất cả ngày chuẩn bị; xe tốt, áo mưa chống bụi, và cả bộ đồ bơm vá nếu không muốn đứng đường để gọi điện thoại cho người thân. 9 giờ sáng trên đường tuần tra biên giới, những vệt nắng đầu xuân chưa đủ đậm để xua đi vệt sương bảng lảng đầu núi. Xe vừa vượt qua Pò Có, nơi điểm đầu của huyện Đình Lập thì một cơn gió lạnh thổi đến làm lay động những bông lau trắng khắp lưng đồi. Và cứ thế quãng đường còn lại chúng tôi đi trong nắng nhạt và gió thổi về ràn rạt mang theo hơi lạnh cuối đông.

Đón chúng tôi, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Chi Lăng đứng xếp hàng cả dưới sân đồn. Anh em lâu ngày gặp nhau tay bắt, mặt mừng. Với biên phòng, cơ quan tôi là hàng xóm, ra cổng là gặp vì thế khắp các đồn biên phòng toàn những gương mặt thân quen. Người nhận ra tôi đầu tiên là Thượng tá Nguyễn Minh Tuyến, Chính trị viên đồn. Sau cái bắt tay thật chặt anh tâm sự luôn, ở đây vắng chú ạ, thế nên chúng tôi rất gắn bó với dân. Có ngày xuống dân đến mấy lần. Bộ đội Biên phòng và dân ở đây đã như anh em ruột thịt chứ không phải là khẩu hiệu suông đâu nhé! Còn anh Mã Văn Giai, Bí thư Huyện ủy Đình Lập thì nói rất thật, dân bản khá lên một phần cũng là do các anh bộ đội. Nhân dân được bộ đội hướng dẫn làm kinh tế, làm rừng, bảo vệ rừng, mà chỉ có rừng mới làm giàu được ở đất này.

Lúc này chúng tôi mới nhìn ra xung quanh đồn, quả là suốt dọc đường tuần tra biên giới, các cánh rừng đã được phủ kín thông. Mà thông ở đây cây nào cũng cỡ chiếc thùng gánh nước, cao ngang ngửa những ngôi nhà xây lấp lóa dưới tán thông. Ngồi ngay trong hội trường đồn nghe tinh là thấy gió thông vi vút mang mùi ngai ngái, thơm thơm của nhựa. Theo anh Tuyến, những năm gần đây cây thông trở thành cây thu nhập chính cho dân, thông lấy gỗ, thông lấy nhựa, củi. Cây thông chẳng vất đi thứ gì. Nếu những vùng khác thông bị khai thác vô tội vạ thì ở đây ngay trên đất Bính Xá vẫn giữ được màu xanh của thông. Một phần điều ấy là do bộ đội. Trong lúc người ta rộ lên khai thác nhựa, chặt thông để xẻ ồ ạt, các cán bộ Bộ đội Biên phòng và cán bộ Nông lâm trường 461 nhìn thấy nguy cơ tận diệt thông. Đồn phải cử cán bộ đến từng thôn bản vận động nhân dân bảo vệ rừng, không khai thác cây non. Bên cạnh đó phối kết hợp kiên quyết xử lý những việc về an ninh trật tự liên quan đến rừng, đất rừng.

Cơn bão khai thác xổi qua đi, nhiều nơi không còn nổi một cây thông thì rừng nơi đồn quản lý vẫn xanh, lúc này người dân mới thêm quý rừng, thêm tin yêu bộ đội. Và rừng cũng không phụ công người, những triệu phú rừng ngày càng nhiều. Minh chứng cho điều đó ngay cạnh đồn, những ngôi nhà xây, sơn Nipon xanh ngọc mọc lên ngày càng nhiều. Người lâu ngày trở lại còn phải ngạc nhiên trước một “thị tứ” sầm uất đang hình thành. Anh Trịnh Trọng Anh, cán bộ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thì lay lay tay tôi nói như một phát kiến: “Cả khu vực còn mỗi một cái nhà trình tường, nhưng cực “độc”, vì nó là ngôi nhà cổ nhất nơi đây”. Đưa chúng tôi đi thăm mốc, Thiếu tá Nguyễn Trọng Chắt, đồn phó tâm sự, ở đây mùa nhựa vui lắm, những lúc ấy bộ đội lại tăng cường bảo vệ an ninh trật tự, không để xảy ra mất trộm, vận động quần chúng thực hiện đúng pháp luật bảo vệ rừng. Rồi cùng bà con phòng chống cháy, giúp nhân dân thu hoạch. Công tác dân vận nơi đây cũng gắn với rừng anh ạ. Bởi chỉ có giúp dân làm kinh tế, làm rừng mới chiếm được cảm tình của người dân. Nhìn những cây thông đã lan sát biên giới ngay dưới chân cột mốc 1270 chúng tôi thấy yên tâm hơn bởi nơi đây cây thông đã một phần khẳng định chủ quyền an ninh biên giới.

Gặp ông Hoàng Văn Vìn, tôi hỏi: “Đủ ăn không bác”? Ông cười cái cười như thông cảm rồi thủng thẳng: “Làm giàu thôi, ăn tính làm gì, chỉ  một cân nhựa đã được ba cân gạo rồi”. Cách nói ấy khiến ai nấy đều ngạc nhiên bởi người dân đã biết so sánh, đã biết tính toán, lo cái lo dài hơn để làm giàu. Còn theo anh Nguyễn Minh Tuyến, người dân giàu lên, an ninh trật tự cũng được đảm bảo, ở đâu chứ ở Bính Xá, ở địa đầu Bản Chắt dân có thông, có thu nhập nhưng không có tệ nạn. Nhân dân các dân tộc đoàn kết, nghe và tin theo Đảng. Chúng tôi cho rằng đấy chính là chìa khóa để giữ chủ quyền, an ninh trật tự.

Bộ đội Biên phòng đồn 35 tuần tra biên giới

Ngồi giữa sân đồn thưởng chén trà xuân, tôi loáng thoáng nghe ai đó thông báo có không khí lạnh tăng cường, nhưng chúng tôi chỉ cảm nhận được gió qua tiếng vi vu của thông, cây thông đã chắn gió, điều hòa, tạo một thế bao bọc khắp dải biên giới. Nói như anh Tuyến thì đấy chính là thế trận, thế trận của những chiến sĩ biên phòng và nhân dân biên giới. Thế trận vững chắc nhất để bảo vệ chủ quyền. Nghe tiếng gió thông reo mà chúng tôi thấy lòng phơi phới hơi ấm mùa xuân.

NGUYỄN NHẬT ANH