Thứ tư,  06/12/2023
Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang:

Danh hùng vang mãi tháng năm

LSO-Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước đấu tranh giải phóng miền Nam, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tham gia cải cách ruộng đất, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, tham gia trực chiến đấu. Tiêu biểu có Tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang, huyện Chi Lăng đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, trong đó ngày 1/12/1965, các chị đã dùng súng trường bắn rơi máy bay phản lực Mỹ, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Lực lượng nữ dân quân tham gia chiến đấu – Ảnh tư liệu: VŨ BÁCH

BÀI I: CHỚ NGHI GÁI LẠNG CHỈ QUEN HÁT

Một ngày mưa cuối tháng 3/2015, chúng tôi đến với xã Quang Lang, huyện Chi Lăng thực hiện nhiệm vụ hết sức ý nghĩa, đó là trao quà tri ân của cơ quan, công đoàn và chi đoàn thanh niên Báo Lạng Sơn cho các bà trong Tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang hiện còn sinh sống trên địa bàn. Gặp được các bà, chúng tôi rất xúc động và bỗng quên ngay những hạt mưa còn vương trên mái tóc. Đón chén trà thơm từ tay các bà, chúng tôi thấy ấm lòng biết bao. Những câu chuyện, nụ cười của các bà thể hiện tình cảm gắn bó, đoàn kết và một lần nữa ký ức trận địa ngày nào cùng nhau trực chiến như lại ùa về …

Ngày ấy, trong cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc chủ yếu bằng không quân, hải quân hiện đại của đế quốc Mỹ, lực lượng dân quân tự vệ ở miền Bắc đã được tăng cường, trang bị nhiều loại vũ khí tương đối hiện đại như: súng máy phòng không 12,7 mm, 14,5 mm, pháo cao xạ, pháo bờ biển. Cùng với mạng lưới bắn máy bay địch bay thấp bằng súng bộ binh hình thành lưới lửa tầm thấp dày đặc vô cùng lợi hại lực lượng dân quân tự vệ đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội phòng không, không quân bắn rơi nhiều máy bay địch, bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm, bắn cháy nhiều tàu chiến địch.

Bà Nông Thị Nệ – một thành viên trong Tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang bùi ngùi kể lại: Tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang được thành lập năm 1963, gồm có 11 chị em do chị Nguyễn Thị Thìn làm Tiểu đội trưởng, hiện nay chị Thìn đã mất. Khi tham gia dân quân, chúng tôi còn rất trẻ, người nhiều tuổi nhất mới có 19, người ít tuổi nhất thì 16-17. Ngày đó nghe theo tiếng gọi của Đảng – Bác Hồ vào dân quân để bảo vệ quê hương đất nước nên chúng tôi hăng hái tham gia chiến đấu tại đồi Khau Phục, thôn Làng Đăng, xã Chi Lăng. Ngày ấy đất nước chiến tranh nên cuộc sống vất vả lắm, chúng tôi ăn cơm ở hầm, ngủ ở rừng để trực chiến canh giữ bầu trời quê hương. Cùng với các lực lượng chủ lực, chúng tôi đã tham gia hàng chục cuộc chiến đấu. Và ngày 1/12/1965, khi đó chúng tôi đang trực chiến, chỉ huy báo tạm yên nên chị em chúng tôi lau súng, hát hò vui vẻ. Khi đang ngồi dưới bóng cây ngụy trang, đột nhiên nghe lệnh của chỉ huy: Tất cả các đồng chí vào vị trí chiến đấu. Chúng tôi nhanh nhẹn ai vào vị trí của mình và khi chỉ huy hô to: Nhằm thẳng máy bay địch bắn thì đồng loạt chúng tôi nhằm thẳng máy bay địch nổ súng loạt đầu tiên. Khi thấy chỉ huy báo: máy bay địch bốc cháy rồi, chị em chúng tôi và mọi người hò reo vui mừng lắm, ôm nhau người khóc, người cười…

Sự kiện Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang dùng súng trường bắn rơi một máy bay F 105 của giặc Mỹ trở thành tin vui khích lệ lực lượng dân quân tự vệ nói riêng và củng cố niềm tin cho quân dân ta nói chung. Sau đó, các đoàn lãnh đạo tỉnh, Quân khu đã đến động viên tinh thần chiến đấu của Tiểu đội nữ dân quân. Bà Vi Thị Trong hào hứng kể: Lúc đó, chị em trong Tiểu đội của chúng tôi vinh dự lắm, được nhiều đồng chí lãnh đạo tới thăm, tặng quà và động viên. Ngày ấy đồng chí Hoàng Quốc Việt (PV- hồi đó ông giữ chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội hữu nghị Việt – Trung) đến thăm xã Quang Lang, Tiểu đội chúng tôi đã trao mảnh xác máy bay bị bắn cháy cho đồng chí.

Sau sự kiện đó, lần lượt các nữ dân quân đã được lựa chọn để biểu dương trong các phong trào, các hội nghị. Có chị được tặng danh hiệu “Ba đảm đang”, có chị được bầu làm chiến sĩ thi đua và các bằng khen của Quân khu I, Trung ương Đoàn, có chị được dự hội nghị biểu dương các lực lượng, được gặp Anh hùng  lực lượng vũ trang La Văn Cầu. Bà Trần Thị Hiền xúc động: Ngày ấy chúng tôi đi theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ để bảo vệ đất nước, đâu có nghĩ sẽ lập được chiến công và tôn vinh, nhất là được gặp các đồng chí lãnh đạo, các anh hùng khác là biểu tượng chiến đấu quả cảm như anh La Văn Cầu… Chính vì thế, chị em chúng tôi luôn thấy tự hào về một thời tuổi trẻ được đóng góp cho quê hương, Tổ quốc. Chúng tôi cảm thấy những tháng ngày gian khổ đêm cấy lúa, ngày trực chiến của chị em chúng tôi, của nhân dân ta được đổi lại bằng độc lập, tự do là xứng đáng.

Tên tuổi, chiến công của Tiểu đội nữ dân quân xã Quang Lang không chỉ gắn với tên núi, tên sông của quê hương Xứ Lạng mà còn đi vào những áng thơ hay: “Ơi! Những cô: Thìn, Dung, Len, Sáy/ Yến, Tuyết, Hiền, Bay, Trong, Nệ, Páy/ Mười một tên, mười một cành hoa/ Mười một bát cốm thơm giữa nhà… Chớ nghi gái Lạng chỉ quen hát/ Lại xem Tiểu đội nữ Quang Lang/ Phản lực Mỹ chúc đầu tan xác/ Phi công Mỹ đã hai tay hàng… Ai khéo tạc hình lên mặt đá/ Lại đây khắc đội nữ dân quân/ Ngọn súng bên hình khăn mỏ quạ/ Máy bay giặc Mỹ nát dưới chân”. (Trích thơ Tiểu đội nữ Quang Lang của tác giả Nông Minh Châu, Hội Nhà văn Việt Nam).

                         (Còn nữa)

BÀI II: TRĂN TRỞ NHỮNG KHOẢNG TRỜI RIÊNG

THANH HUYỀN – KHÁNH TRANG