Thứ sáu,  08/12/2023
Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang:

Danh hùng vang mãi tháng năm (Kỳ II)

(Tiếp theo kỳ trước)

LSO-Năm 1973, trở về từ chiến trường khốc liệt đầy bom đạn, 11 chị em trong Tiểu đội nữ dân quân Quang Lang lại bắt tay vào xây dựng tổ ấm gia đình, tham gia lao động sản xuất góp phần xây dựng quê hương đất nước. Đã gần 50 năm kể từ ngày các chị lập được chiến công lớn tại đồi Khau Phục, giờ đây, mỗi người có một mảnh trời riêng, những lo toan của cuộc sống đời thường nhưng vẫn không quên những năm tháng cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu bên nhau.

Vợ chồng bà Nông Thị Páy kể chuyện cho cháu nghe về một thời tham gia chiến trường qua tấm Huy chương Kháng chiến được Chủ tịch nước trao tặng

Bài II: TRĂN TRỞ NHỮNG KHOẢNG TRỜI RIÊNG

Khi đến với chiến trường bom đạn khốc liệt, các chị đang ở tuổi ăn, tuổi lớn nhưng khi giặc đến nhà thì các chị gan dạ, dũng cảm xung phong đánh giặc. Chị Nguyễn Thị Thìn, Tiểu đội trưởng lúc đó mới 17 tuổi. Chị mồ côi cha từ năm lên 2 tuổi. Hồi ấy, nghe theo tiếng gọi của Đảng, chị Thìn cùng mẹ và anh trai lên mảnh đất Chi Lăng lịch sử này phát triển kinh tế. Chị là Phó Bí thư chi đoàn và là một xã viên lao động giỏi. Trong chiến đấu chị luôn làm đúng trách nhiệm của một người cán bộ tiểu đội trưởng. Năm 1973 khi hoàn thành nhiệm vụ, chị và các chị em trong tiểu đội trở về cuộc sống đời thường, lập gia đình và làm mẹ, làm bà. Hơn chục năm sau chị Thìn mất do bị ốm nặng.

Bà Nông Thị Nệ luôn tự thấy mình là người may mắn nhất trong số các chị em bởi gần 1 năm sau khi tiểu đội lập thành tích, bà đã được chuyển sang ngạch bộ đội chính quy chuyên nghiệp. Bà Nệ chia sẻ: Ngày 25/5/1966, tôi được Tỉnh đội chuyển sang bộ đội chính quy. Năm 1970 tôi được chuyển ngành sang làm kế toán khối mặt trận huyện và nghỉ hưu năm 1989. So với nhiều chị em khác trong đội thì tôi có phần may mắn hơn. Hiện tôi cũng là mẹ, là bà, có con cái lo toan nên cũng bớt vất vả, chỉ giúp các con chăm lo cho các cháu để các con yên tâm công tác chuyên môn.

Bà Vi Thị Bay lập gia đình năm 1970, sinh được 3 con trai và 1 cô con gái. Hiện nay, con gái bà công tác tại Trạm Y tế xã Bình Trung, huyện Cao Lộc; 3 người con trai đều có gia đình riêng và sinh sống tại quê hương, chăm chỉ phát triển kinh tế gia đình.

Bà Trần Thị Hiền hồi ấy là một cô gái năng nổ, vừa tham gia Tiểu đội dân quân vừa được xã giao làm cán bộ đoàn thôn. Năm 1966 bà được xã giao làm chính trị viên, xã đội phó. Năm 1970 bà lập gia đình và sinh được 4 người con, 2 trai, 2 gái. Bà ngậm ngùi kể chuyện: mỗi người một hoàn cảnh, nhưng hoàn cảnh nhà tôi khá đặc biệt. Tôi có 2 cô con gái đều được đi dạy học, nhưng cô con gái thứ 2 đi làm được khoảng 5 năm thì bị tâm thần, hiện có được hưởng trợ cấp cho người khuyết tật nhưng cuộc sống rất vất vả do hiện nay tôi 69 tuổi mà vẫn phải chăm sóc 2 người con. Con trai lớn đã lập gia đình, còn con trai út thì chưa nên tôi tuổi già mà vẫn chưa được nghỉ ngơi.

Khác với bà Hiền, cuộc sống của bà Vi Thị Trong không quá khó khăn, nhưng bà có nỗi niềm riêng thiệt thòi hơn các chị em khác. Giọng bà Trong chùng xuống khi kể chuyện: Năm 1963, khi còn ở tiểu đội dân quân, tôi đã lập gia đình với một cán bộ lâm nghiệp. Nhưng hồi đó vừa tham gia chiến đấu, vừa lao động sản xuất nên thời gian vợ chồng gặp nhau không nhiều. Sau 8 năm lập gia đình mà không có sự cảm thông, chia sẻ, vợ chồng tôi đã chia tay. Năm 1975, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi đã lập gia đình với ông nhà tôi hiện nay là Trần Văn Eng, bộ đội phục viên, nhưng sau bao năm chung sống chúng tôi không có con. Vì thế, vợ chồng tôi đã nhận nuôi một con gái, hiện con gái đã đi lấy chồng. Thương vợ chồng tôi già cả, neo đơn nên chị dâu tôi sinh được 2 người con trai đã cho 1 người cháu ở cùng vợ chồng tôi. Âu cũng là số phận, đó cũng là niềm an ủi chúng tôi lúc tuổi già…

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, có một số chị lấy chồng xa không giữ được liên lạc, nhưng các chị- nay đã là các bà mỗi khi có dịp đi chợ phiên vẫn thường gặp nhau để hàn huyên, chuyện trò, chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống. Những khoảng trời riêng của các chị một thời từng bắn “giặc trời” ấy cũng rất cần sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ hôm nay.

(Còn nữa)

BÀI III: TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG VẺ VANG

THANH HUYỀN – KHÁNH TRANG