Thứ năm,  07/12/2023

Tự sự vĩ tuyến 17

LSO-Mỗi khi đứng trên cầu Hiền Lương nơi đã từng chia đất nước làm hai, người làm báo như tôi lại trào dâng cảm xúc. Giờ đây non sông thống nhất, chỉ một giờ bay, vài tiếng độ đường người ta đã có mặt ở cả hai miền đất nước. Thế nhưng quãng thời gian của những chiến sĩ giải phóng miền Nam cách đây 40 năm là 21 năm trời.
Cầu Hiền Lương cũ, nơi phân chia giới tuyến hai miền

Tay run run chạm vào màu sơn xanh phía bên bờ Bắc, bước thật nhanh sang phía bờ Nam nơi sơn màu vàng. Nhìn đồng hồ mất có hơn 1 phút. Cô gái Trung Quốc đi du lịch ba lô ngồi giữa cầu nhìn tôi như người trên trời rồi nhẹ nhàng: “Nỉ sư nả quớ rấn”? (anh là người nước nào). “Tôi là người Việt Nam” nói xong câu ấy mà như thấy mình lớn hẳn lên. Với người dân Việt Nam không phải ai cũng có cái may mắn được đến cầu Hiền Lương, nhưng tôi chắc rằng câu chuyện đất nước đã có thời chia cắt làm hai miền Nam- Bắc thì ai cũng biết. Vì thế chỉ có ý nhắc lại cho đỡ nhớ mà thôi. 

Sau Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 bàn về chiến tranh Đông Dương, Việt Nam bị phân chia làm hai miền lấy vĩ tuyến 17, sông Bến Hải làm giới tuyến. Bờ Nam sông Bến Hải thuộc quyền quản lý của Việt Nam cộng hòa do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống. Toàn bộ lực lượng cách mạng của Cụ Hồ được tập kết về miền Bắc để sau hai năm sẽ tổng tuyển cử toàn miền. Khi ấy bộ đội, cán bộ tập kết về Bắc sông Bến Hải (trong đoàn quân ấy có bố tôi) lúc chia tay người thân họ giơ hai ngón tay lên ý nói sau hai năm sẽ đoàn tụ. Thế nhưng ở bờ Nam đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai rắp tâm phá hoại hiệp định. Hất cẳng Pháp, lập giới tuyến, áp dụng Luật 10/59 để đàn áp những người kháng chiến, ly khai họ với gia đình. Để 21 năm sau khi miền Nam giải phóng họ mới được gặp người thân.

Những năm ấy phong trào cách mạng ở miền Nam bị dìm trong bể máu. Câu “lê máy chém đi khắp miền Nam” “Giết nhầm hơn bỏ sót” là có thật. Có thật bởi chính tôi sau này đã được chứng kiến có làng quê bị xóa sổ chỉ vì làng có người đi theo cách mạng. Sau khi lập giới tuyến quân sự tạm thời, Mỹ, Ngụy cho sơn cây cầu Hiền Lương thành màu vàng lập tiền đồn, cắm cờ quốc gia. Riêng sơn cầu anh Đoàn Văn Thắng, Trưởng bộ phận thường trú Đài THVN tại Quảng Trị kể câu chuyện rất thú vị. Màu sơn của cầu lúc đầu quân đội Sài Gòn sơn màu vàng lập tức phía ta cũng sơn màu vàng để thể hiện ý chí thống nhất đất nước. Sau địch đổi màu nâu, ngay đêm đó ta cũng sơn màu nâu, cuộc chiến “màu sắc” kéo dài 5 năm thì quân Sài Gòn chịu thua. Giờ đây đất nước đã thống nhất nhân dân Quảng Trị phục dựng nguyên mẫu hai màu cầu điều này có khá nhiều người tranh cãi. Nhưng với những người làm Báo Lạng Sơn trong đoàn công tác thăm cầu Hiền Lương, chúng tôi tán thành sự lựa chọn của Quảng Trị, đất nước đã thống nhất, cầu Hiền Lương xưa chỉ còn là kỷ niệm. Bên cạnh cầu Hiền Lương đã mọc lên một cây cầu bê tông dự ứng lực to đẹp nối liền Bắc – Nam một nhà.

Trong chuyến công tác, thăm cầu Hiền Lương một kỷ niệm cứ ám ảnh tôi. Chẳng là trong những người lính miền Nam tập kết ra Bắc có bạn của bố tôi là ông Đàm Văn Toại. Tôi đã nghe ông kể câu chuyện, ông và bà hẹn nhau cứ đến ngày ấy, tháng ấy thì ra bờ sông Bến Hải để nhìn thấy nhau. Khi ông đóng quân ở Quảng Bình họ đã có cơ hội nhìn thấy nhau một lần. Sau đó ông về Quảng Ninh và họ không bao giờ nhìn thấy nhau nữa. Ông nghe tin bà đã mất. Ông đi bước nữa, lấy vợ miền Bắc, sống tại làng Quang Hòa, xã Cường Lợi, huyện Đình Lập. Miền Nam hoàn toàn giải phóng ông, bà hồi hương về Nam. Cũng từ đó gia đình tôi mất liên lạc với ông. Tôi còn nhớ ông có hai người con tên Quảng, và Xuân. Nếu đọc được những dòng này Quảng, Xuân hãy liên lạc với tôi theo số điện thoại 0912.048.672.

Theo sổ ghi lưu niệm ở nhà trưng bày cầu Hiền Lương, mỗi năm cầu Hiền Lương đón trên 1 triệu khách du lịch, phần lớn là con em những người lính cách mạng, những khách ngoại quốc chủ yếu là cựu chiến binh Mỹ, họ đến để nhớ về một thời binh lửa. Cây cầu nhỏ nhoi là vậy, những hình ảnh sau 40 năm đã cũ mờ nhưng hình như ai đến đây cũng rơi nước mắt vì xúc động. Tôi đã chứng kiến em Lê Thu Hoài, trú tại Lò Đúc Hà Nội, nằm chính giữa cầu và khóc. Trong tiếng nấc em nói với tôi: “Ông em dặn đến cầu Hiền Lương nhớ gọi tên ông. Ông em vừa qua đời, ông em là người miền Nam tập kết”.

Một góc cầu Hiền Lương mới hôm nay

40 năm đã qua đi, dấu tích chiến tranh mờ dần nhưng ai đã đến đây cần phải nhớ đất nước đã có thời đau thương. Nhiều gia đình ly tán, nhiều người đã ngã xuống trên chính mảnh đất này để giờ đây Hiền Lương hiền hòa giữa hai miền Nam – Bắc.

Trò chuyện với anh Đoàn Văn Thắng, đài THVN, anh cho biết, giới tuyến, đất thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nơi ngăn đôi bờ Bắc – Nam đã thay đổi rất nhiều. Người dân Quảng Trị đã vươn lên khai thác tài nguyên biển, du lịch dịch vụ, kinh tế cửa khẩu… Tổng sản phẩm năm 2014 đạt gần 4.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 25 triệu đồng/ người/ năm, thu ngân sách đạt 1.600 tỷ đồng…

Giữa trưa, cái nắng đầu hạ ở vĩ tuyến 17 như hơ than vào da nhưng ngay dưới tượng đài “chờ chồng” (Tượng đài biểu tượng người phụ nữ miền Nam hướng về miền Bắc ngóng người thân) chúng tôi vẫn thấy những nông dân cần mẫn trên đồng. Dưới chân họ là lúa, rau, cà đang lên xanh xóa dần đi những vùng cát trắng, lấp dấu tích bom đạn một thời. Mới thế thôi mà đã 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng.

ĐÔNG BẮC