Thứ sáu,  08/12/2023

Thành cổ một dòng huyền thoại

LSO-Những ngày đầu tháng Tư này, nhân 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, chúng tôi có dịp về lại thành cổ Quảng Trị. Mảnh đất một thời là máu và hoa của địa đầu giới tuyến, đã ghi bao huyền thoại để góp phần làm nên chiến thắng ở hội nghị Paris 1973 và chiến thắng 30 tháng 4/1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đài tưởng niệm thành cổ Quảng Trị

Trong hơn 160 năm tồn tại của triều Nguyễn việc xây dựng thành Quảng Trị để bảo vệ phía Bắc kinh thành Huế đã được vua Minh Mạng đặc biệt quan tâm. Thành Quảng Trị có ý nghĩa vừa là nơi trấn thủ, vừa là nơi phản công nên nó quan trọng với bất kỳ một thể chế chính trị nào. Chính phủ Việt Nam cộng hòa cũng chọn thành cổ làm tiền đồn bảo vệ chế độ. Sau hiệp định Giơ ne vơ, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời thì đất Quảng Trị trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch. Cách đây hơn 40 năm, Mỹ, Ngụy đã xây dựng Quảng Trị thành vị trí tập trung sức mạnh của hải, lục, không quân để ngăn bước tiến phe xã hội chủ nghĩa. Và lịch sử đã chọn Quảng Trị làm nơi phân định cuộc cờ. Đã hàng ngàn chiến sĩ cách mạng lấy dạ sắt, gan vàng chọi với mưa bom bão đạn. 81 ngày đêm ghi dấu tích của chủ nghĩa anh hùng cánh mạng để tạo một sức bật cho Việt Nam hòa bình thống nhất.

Xác định vị trí chiến lược quan trọng nơi Bắc sông Thạch Hãn ngày 30/3/1972, quân giải phóng bất ngờ tấn công quân địch trên toàn tuyến Quảng Trị. Chỉ vòng hai tháng chiến đấu trước sức tấn công như vũ bão của ta, hệ thống ngụy quân, ngụy quyền tại Quảng Trị hoàn toàn sụp đổ. Cờ giải phóng tung bay trên nóc thành cổ vào ngày 1/5/1972 đã đánh dấu nơi đây là đô thị miền Nam được giải phóng đầu tiên. Tại Sài Gòn Mỹ và chính phủ Việt Nam cộng hòa quá bất ngờ, run sợ khi một Quảng Trị nơi có hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra, được chúng coi là phòng tuyến Ma-ri-nô phương Đông lại dễ dàng rơi vào tay quân giải phóng. Chính quyền Thiệu phải dồn sức củng cố lực lượng tái chiếm thành cổ và tại đây đã diễn ra trận đánh 81 ngày đêm liên tục, được cho là trận chiến dài ngày nhất trong lịch sử dựng nước giữ nước của cha ông ta. Một mảnh đất chưa đầy 3km² mà phải chịu đến hàng ngàn tấn bom đạn. Giới truyền thông phương Tây hồi bấy giờ bình rằng: “Sức công phá của bom đạn ở Quảng Trị bằng 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma Nhật Bản.

Một góc trưng bày hiện vật thành cổ Quảng Trị

Thăm bảo tàng Thành cổ, chị Nguyễn Thị Ngọc Hân, hướng dẫn viên tâm sự, mặc dù đã 10 năm liền công tác, nhưng ngày nào chị cũng khóc, khóc bởi mỗi đoàn thăm quan đến chị lại nhận ra những hình ảnh thân quen. Có những người lính tận Hà Giang bán cả bò góp tiền để đến thăm đồng đội. Bà má tận phương Nam ra tìm mộ con, vợ tìm chồng, em tìm anh… Ngay dưới đất cổ thành bên sông Thạch Hãn là nơi các anh nằm. Nơi đây đã có hàng sư đoàn, có đơn vị sau trận chiến chỉ còn mươi người vượt sông. Họ mới chỉ mười tám đôi mươi. Trận quyết chiến chiến lược đã san thành cổ thành đống gạch vụn và hòa lẫn trong đó là máu của những người lính giải phóng để giờ đây thành cổ đã bình yên, đất nước thống nhất. Dấu tích của cuộc chiến năm nào chỉ còn sót lại qua những hiện vật trưng bày, hoa cỏ đã xanh tươi ngay trên đất bom, đất đạn.

Anh Đoàn Văn Thắng, Trưởng đại diện Truyền hình Việt Nam tại Quảng Trị cho hay, ở đây mỗi nhà đều có bàn thờ để thờ liệt sĩ bởi chính mảnh đất này máu xương bao thế hệ đã đổ cho đất nước thống nhất. Ngay trên đất chỉ cần đào xuống mươi phân là bắt gặp những hình ảnh của người chiến sĩ giải phóng khi thì đôi dép cao su, chiếc bi đông đựng nước, bát sắt, ba lô con cóc… Những hình ảnh ấy càng làm cho người dân thương yêu, kính phục các anh hơn. Thăm bảo tàng Thành Cổ mới thấy sức mạnh phi thường của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của những người chiến sĩ cộng sản. Có những bức thư họ biết trước cái chết và vui vẻ ra đi, chỉ nhắn gửi lại thế hệ sau, nhắn gửi cha mẹ hãy yên lòng. Trong mưa bom bão đạn người lính vẫn làm thơ, viết báo, sẻ chia từng lá thư nhà. Ngay trên chiến trường khi im tiếng súng họ vẫn hát cho nhau nghe. Đấy chính là sức mạnh mà không kẻ thù nào có thể lay chuyển được. Và đấy cũng chính là sức mạnh để làm nên mọi chiến thắng. Ngay sau 81 ngày đêm hội nghị Paris được ký kết đấy chính là đà để quân và dân ta xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Đoàn cán bộ Báo Lạng Sơn xem hiện vật tại bảo tàng Thành cổ

Giờ đây Quảng Trị đã và đang đổi thay từng ngày. Dưới chân thành là những làng mạc, vườn hoa, những con đường mới mở làm cho Quảng Trị từ đất cháy nắng miền Trung gió Lào cát bỏng như được thay áo mới. Nếu ai đó có dịp ghé thăm Quảng Trị, ghé thăm cổ thành hãy nhớ rằng đây là đất các anh nằm, là nơi mở màn cho quân giải phóng tiến đánh giải phóng đô thị đầu tiên ở miền Nam để tạo đà cho non sông thống nhất cách đây đúng 40 năm.

ĐÔNG BẮC