Thứ năm,  07/12/2023

Các anh về đường mới, dân vui

LSO-Con đường từ UBND xã Vạn Linh (Chi Lăng, Lạng Sơn) đến thôn Lũng Luông chưa đầy 5 cây số vậy mà những chiếc xe Pajero V6 hai cầu hiện đại cũng phải đánh vật mất gần 30 phút mới cơ động được tới chân đèo. Từ chân đèo vào thôn là đường mòn hiểm trở ngoằn ngoèo men theo những ngọn đá tai mèo nhọn sắc, cách duy nhất vào thôn là đi bộ, vượt qua gần 1km đường đèo. Ước mơ bao đời của người dân thôn Lũng Luông, có con đường to, rộng đi được ô tô, xe máy dần trở thành hiện thực khi cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 đang ra sức phá đá, hạ đèo mở đường vào bản.
Bộ đội Sư đoàn 3 giúp nhân dân hạ đèo Lũng Luông

GIAN NAN CON CHỮ

Theo chân các mẹ, các chị men theo con đường ngoằn nghèo lên bản, chúng tôi gặp các em học sinh Trường Tiểu học 1 xã Vạn Linh, bắt đầu từ lớp 3, mỗi ngày đến trường các em đều hai lần băng rừng vượt đèo, cõng cái chữ về bản. Bước chân thoăn thoắt lên đèo, em Nông Văn Minh, học sinh lớp 3A Trường Tiểu học 1 xã Vạn Linh cho biết: “Mùa đông chúng em thường dậy từ 5 giờ sáng, đốt đuốc vượt đèo đi học, cũng có lần ngã nhưng không sao, đi học vui lắm ạ”. Vượt qua nhọc nhằn, Minh cùng các bạn học giỏi, chăm ngoan. Theo  thống kê của lãnh đạo thôn Lũng Luông, cả thôn không có ai trình độ đại học, rất ít người học hết cấp 3, thanh niên thường dựng vợ, gả chồng khi mới 17, 18 tuổi. Tham quan lớp học của các cháu học sinh điểm trường Lũng Luông, chúng tôi được cô giáo Lương Thị Hồng Hạnh chia sẻ: Điểm trường chỉ có duy nhất 1 phòng học, nên tiểu học và mầm non đều học ghép. Lớp ghép mầm non 3 độ tuổi (3, 4, 5 tuổi) có 7 cháu và tiểu học (lớp 1, 2) có 6 cháu. Một cô giáo, hai giáo trình, hai cái bảng quay lưng vào nhau, cô dạy hết bên này lại chạy sang bên kia. Các cháu thiệt thòi vì đồ chơi ngoài trời (cầu trượt, đu quay…) và hoạt động góc (tập làm bác sĩ, phân vai nấu ăn…) không có. Cô và trò sáng tạo, tận dụng mọi thứ có thể làm đồ chơi. Ngay việc mỗi ngày đi bộ, trèo đèo 3-4 cây số dưới thời tiết khắc nghiệt, lúc nắng, khi mưa, rừng núi heo hút là thử thách không nhỏ với mỗi cô giáo khi được phân công cắm bản. Nghe tin bộ đội Sư đoàn 3 về hạ đèo, mở đường vào bản, cô và trò nhà trường vui mừng khôn xiết, bởi con đường đến với cái chữ của các em sẽ gần hơn, vơi bớt những gian nan, nhọc nhằn.

NIỀM VUI NGÀY MỞ ĐƯỜNG

Ông Nông Văn Thượng, Trưởng thôn Lũng Luông cho hay: Lũng Luông là thôn đặc biệt khó khăn của xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, diện tích tự nhiên 26 héc ta, chủ yếu là núi đá, toàn thôn có 38 hộ dân sinh sống với 107 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Nùng. Cây trồng chính là ngô, đỗ, lạc, thời tiết khắc nghiệt lại không giao lưu buôn bán được nên vẫn còn 4 hộ bị đói, đời sống bà con gặp rất nhiều khó khăn. Qua tìm hiểu được biết, thôn Lũng Luông bao đời nay như một “ốc đảo” biệt lập với thế giới vì bị bao bọc bởi các dãy núi đá vôi cao sừng sững. Ông Nông Văn Thủy, Bí thư chi bộ thôn chia sẻ: Cả thôn có 5 đảng viên, tập thể chi bộ rất trăn trở muốn xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nhưng không có đường giao thông nên nông sản làm ra không tiêu thụ được chỉ để ăn thôi.  Hôm chúng tôi đến đúng phiên chợ, trời mưa rả rích nhiều ngày, bùn đặc quánh, trơn trượt. Bà Hoàng Thị Niêng, 56 tuổi vừa đi chợ về cho biết: Cách bốn ngày một phiên chợ, đi lại khó lắm à, chỉ đi bộ thôi! Trời nắng còn đỡ chứ trời mưa dễ ngã, chưa kể lũ ống, lũ quét, rồi rắn, rết nữa…

Ông Nông Văn Đức, 84 tuổi chia sẻ: Cả đời tôi sống ở Lũng Luông, cái chân quen đi bộ, đi mãi con đường này, cứ tưởng cả đời phải đi bộ qua đèo, nay sắp được đi xe máy, ô tô qua đèo vui lắm. Vì vậy,  từ khi có bộ đội về làm đường lúc rảnh ông Đức lại ra động viên bộ đội coi như con cháu. Dân bản ai nấy phấn khởi, mỗi hộ dân trong 17 thôn của xã Vạn Linh cam kết ủng hộ đủ củi cho bộ đội đun nấu. Riêng tre, vầu làm lán cho bộ đội ở bà con tặng bộ đội gần 300 cây.  Chứng kiến không khí làm việc hăng say của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3, Thiếu tá Trần Hữu Đông, trực tiếp chỉ đạo thi công hạ đèo Lũng Luông nói với chúng tôi: Đèo Lũng Luông dài gần 1 km, độ dốc lớn, kết cấu bền vững chủ yếu là đá vôi liền khối. Nhiệm vụ thi công của đơn vị rất nặng nề, mở một con đường rộng 5,5 m từ chân đèo bên này vượt sang bên kia đèo, chiều cao hạ đèo trung bình khoảng 4 m, đoạn hạ sâu nhất lên tới 12 m, thời gian thi công liên tục trong 6 tháng, với khối lượng đất đá dự kiến phải vận chuyển khoảng 17.000 m3. Khó khăn lớn nhất là thi công chủ yếu dựa vào sức người là chính, theo tính toán khoảng 18.000 công. Mỗi ngày chúng tôi sử dụng hơn 20 kg thuốc nổ để phá đá. Khi hoàn thành con đường có chiều dài hơn 1 km, lòng đường đổ bê tông 3,5 m, mặt đường rộng 5,5 m bảo đảm ô tô, xe máy cơ động tốt. 

Đại tá Lê Văn Bền, Phó Chính ủy Sư đoàn 3 khẳng định: Công trình hạ đèo Lũng Luông thể hiện tình quân dân sâu đậm, thiết thực cổ vũ phong trào “Đoàn Sao Vàng chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nối liền Lũng Luông với các thôn, bản, đem lại ấm no cho bà con. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn coi công tác dân vận là nhiệm vụ chính trị thời bình. Mỗi năm chúng tôi giúp nhân dân hai tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn hàng vạn ngày công mở đường, xây nhà tình nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, trị giá hàng tỷ đồng.

Có mặt tại công trường, nơi 111 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 (Đại đội Công binh 17, Trung đoàn 12 và Đại đội Công binh 17 Trung đoàn 2) đang phá đá, mở đèo, đồng chí Vy Văn Thuận, Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng vui vẻ nói: Lũng Luông là thôn nghèo nhất của xã Vạn Linh, đường đi hiểm trở, hiện tại xã mới đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó tiêu chí về giao thông là khó khăn nhất, nay được cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn chung tay gánh vác phần việc khó chúng tôi rất xúc động, cảm ơn tình. Có sự giúp sức của Sư đoàn, chúng tôi quyết tâm xây dựng xã Vạn Linh thành xã nông thôn mới, với diện mạo, sức sống mới, trong đó đặc biệt ưu tiên cho thôn Lũng Luông.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 và bà con dân bản Lũng Luông, chúng tôi nhớ mãi tình cảm thân thương, nụ cười trìu mến của bà con dành cho bộ đội. Rồi đây, khi con đường hoàn thành, khát vọng xóa đói, làm giàu của bà con sẽ trở thành hiện thực, xóa đi hình ảnh một ốc đảo xa xôi, nghèo đói đã tồn tại nhiều đời nay, bên những ngọn núi im lìm, nhẫn nại.

CHÍ DŨNG (Báo Quân khu 1)