Ghi ở tử ngục chín hầm
15/04/2015 10:19
|
Thời còn cắp sách, để chỏm, tôi rất thích xem phim chiến trận, nhất là những phim có ta, có địch. Thú thật mỗi lần xem phải mất ngủ đến mấy đêm bởi có cảnh quân địch thẳng tay ném chiến sĩ cách mạng xuống sông, tra tấn, tù đày… Lúc ấy tôi cứ nghĩ phim trường là cường điệu. Nhưng không, thăm Tử ngục chín hầm chúng tôi mới vỡ lẽ, chiến tranh là thế, những gì ở chín hầm còn sinh động hơn phim. May là 40 năm qua rồi, đất nước đã thống nhất. Trong chuyến công tác đến Huế, anh em chúng tôi không ai bảo ai đều quyết tâm, dù thời gian gấp gáp đến mấy cũng phải ghé thăm Tử ngục chín hầm – nơi mà có lẽ nhiều người chỉ biết qua phim ảnh.
Sau Hiệp định Giơ ne vơ 1954, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc đi lên xã hội chủ nghĩa, miền Nam bị bức theo chế độ cộng hòa. Để bảo vệ chế độ, chính phủ Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp những người cộng sản. Với khẩu hiệu “Giết nhầm hơn bỏ sót”, cả miền Nam trở thành nhà tù khổng lồ giam cầm những chiến sĩ cách mạng. Nếu ai đã xem bộ phim “Ông cố vấn” chắc còn nhớ địa danh chín hầm vì nó được nhắc khá nhiều. Ở Huế, di tích chín hầm còn sót lại như một bài viết tố cáo chiến tranh, minh chứng sự bạo tàn của chế độ cũ. Cùng đó là ca ngợi những người đã xả thân vì đất nước. Họ là những chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch mà những cái tên nhắc đến để gợi tự hào như Nguyễn Minh Vân, Hoàng Văn Quyết, Nguyễn Hữu Đà…
Con đường vào Tử ngục chín hầm dưới tán thông xanh mướt đưa chúng tôi trở lại những năm tháng bi hùng thời chiến. Tôi có cảm giác như mọi thứ vẫn còn rất nguyên sơ. Nhớ câu thơ Đường: “Quốc phá sơn hà tại/ Thành xuân thảo mộc thâm…” mà ngỡ mới đâu đây cha anh mình còn bước những bước lạo xạo trên sỏi đâu đây. Cũng phải thôi, 40 năm dù vật đổi sao dời thì núi sông cây cỏ vẫn vậy. Đất nước đã giải phóng nhưng tự nhiên thì ít khi thay đổi. Tiếp chúng tôi, anh Trần Công Khanh, nhân viên khu bảo tàng chín hầm cho biết: khu di tích chín hầm được tôn tạo vào năm 2006 cho đến nay đã đón trên một triệu khách tham quan. Tại đài tưởng niệm khu di tích chín hầm, nhiều người đến đây mà không cầm được nước mắt bởi cha anh họ đã bị địch giam cầm, tra tấn, thủ tiêu. Chỉ một bức ảnh anh Khanh cho biết: người trong ảnh là ông Nguyễn Văn Quý, tình báo quân đội, ông vừa mất, ông là nhân chứng sống kể lại những chuyện tra tấn ở chín hầm như: nhồi nước xà phòng, đi tàu ngầm tức là dìm xuống nước, đi tàu bay là treo ngược lên xà nhà…
Dưới những tán rừng thơ mộng của xứ Huế, Tử ngục chín hầm nằm cách trung tâm thành phố 6 km. Toàn bộ có 9 hầm nên nó được gọi tên luôn là chín hầm. Xưa nó là kho đạn của Pháp. Năm 1956, khi chính phủ Diệm đã yên vị, miền trung được giao cho Ngô Đình Cẩn cai quản. Với chính sách “tìm diệt”, Cẩn cho bắt rất nhiều chiến sĩ cách mạng. Người bị bắt được Cẩn cho tay chân dụ dỗ mua chuộc, nếu không chuyển hướng, không có lợi gì cho Cẩn sẽ bị đưa đi chín hầm. Và đi chín hầm thì tù nhân cầm chắc cái chết. Mục đích giam tù nhân ở chín hầm để dễ bề khống chế, rủi có bị tra tấn chết cũng không ai biết. Chín hầm trở thành nhà ngục riêng của lãnh chúa miền Trung, nằm ngoài vòng pháp luật. Theo cán bộ khu di tích, những người dân sống cách chín hầm vài cây số vẫn kể lại rằng: hằng đêm họ nghe tiếng la hét, tiếng kêu của tù nhân bị tra tấn mà sợ không dám ngủ. Khi chế độ họ Ngô sụp đổ năm 1963, có người đến đây tìm người thân, khi đào lên, xác vẫn còn bị trói. Vì thế, nơi đây đã góp tiếng cho Ngô Đình Cẩn thành hung thần miền Trung.
Thăm chín hầm, hình ảnh ấn tượng nhất là căn hầm số 8. Phải nghiêng người chúng tôi mới lọt vào hầm, đứng 10 phút mà vẫn tối om như hũ nút. Lờ mờ nhận ra hai bên là 10 gian chuồng cọp rộng cỡ chiếc quan tài. Ánh sáng lọt vào là lỗ thông hơi bằng độ một nắm tay. Mỗi tù nhân chỉ có một tấm gỗ rộng chừng 50 cm để nằm và một chiếc xô đựng chất thải. Theo chị Vũ Thị Lê, hướng dẫn viên thực tập, những người bị bắt vào đây là chiến sĩ cách mạng ngoan cường, hoặc người giàu có nhưng đối lập với chế độ. Khi bị bắt, họ bị tra tấn như thời trung cổ. Có lẽ vậy mà càng làm cho họ căm thù chế độ, quyết tâm đứng lên làm cách mạng để giải phóng dân tộc. Trong lao tù họ vẫn làm thơ, những câu thơ của ông Nguyễn Dân Trung – chiến sĩ tình báo: “Đoàn tử tù mắt bịt tay xiềng/ Rời mặt đất xuống hầm đen lạnh lẽo…” đã khắc họa rất sinh động cảnh tù đày, minh chứng tinh thần thép của người cách mạng. Kết quả là chế độ cộng hòa đã sụp đổ vào ngày 30/4/1975. Kể chuyện này với anh Trần Văn Tấn, Đại diện Tạp chí Cộng sản tại miền Trung anh bộc bạch: bao giờ cũng vậy, chính nghĩa sẽ thắng hung tàn, nếu chế độ cũ mà nhân đạo, vì dân thì chắc việc giải phóng đất nước khó khăn hơn rất nhiều.
Những ngày này, Tử ngục chín hầm đón rất đông khách tới thăm. Anh Khanh – nhân viên Ban quản lý cho biết: thường xuyên thiếu hướng dẫn viên, bởi khách đến đây ai cũng muốn biết tường tận từng hiện vật để được tắm mình, chia sẻ với sự hy sinh của cha ông. Em Vương Văn Tâm, học sinh Trường Bùi Thị Xuân, thành phố Huế tâm sự: thế hệ chúng em không biết xưa các chú, các bác sống chiến đấu như thế nào, nhưng mỗi lần đến chín hầm đều cho em một cảm giác mới, cảm giác về sự hy sinh, chịu đựng vươn lên. Em không thể hiểu nổi sao trong chốn lao tù như vậy những chiến sĩ cách mạng vẫn vượt qua được sự kìm kẹp để họ làm nên chiến thắng.
Giờ đây, tử ngục chín hầm chỉ còn là di tích, nhưng di tích ấy đánh dấu một mốc son lịch sử của những người cách mạng, họ đã viết nên những trang sử để minh chứng thống nhất đất nước không phải đi trên thảm đỏ mà phải đổi bằng máu xương. Chặng đường ấy phải đổi bằng 21 năm chiến đấu và được kết thúc bằng chiến thắng 30/4/1975 cách đây đúng 40 năm.