Ký ức cựu TNXP về cảng nổi Lạng Sơn
16/04/2015 11:24
![]() |
Ông Nguyễn Anh Nhưỡng (bên trái), Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh xem xét hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ của hội viên- Ảnh: THANH HUYỀN |
Hơn 40 năm đã đi qua, những thanh niên xung phong ngày ấy mới mười tám, đôi mươi nay đã lên ông, lên bà với những bộn bề lo toan nhưng cứ đến ngày 30/4, ký ức về những ngày thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ “cảng nổi” Lạng Sơn lại sống dậy. Những ngày này, chúng tôi có dịp gặp gỡ với ông Nguyễn Anh Nhưỡng, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong, nguyên Đội trưởng Đội Thanh niên xung phong N57, trực tiếp chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong những năm 1970.
Ông chia sẻ: Năm 1972, đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt miền Bắc, phong tỏa các cảng biển nhằm chặn đường tiếp nhận hàng hóa cho chiến trường miền Nam. Với vị trí là cửa ngõ, Lạng Sơn trở thành “cảng nổi” tiếp nhận quân trang, hàng hóa, lương thực… từ các nước xã hội chủ nghĩa chi viện cho chiến trường miền Nam. Thanh niên trai tráng đều ra chiến trường chiến đấu, chúng tôi khi đó mới mười tám, đôi mươi, có người mới 15, 16 tuổi. Tổ quốc gọi, chúng tôi lên đường, không trực tiếp cầm súng chiến đấu nhưng nhiệm vụ của thanh niên xung phong khi đó hết sức quan trọng, bởi chúng tôi phải đảm bảo giao thông, giải tỏa hàng hóa chi viện cho tiền tuyến.
Lạng Sơn là đầu nối hàng hóa từ các nước xã hội chủ nghĩa chi viện cho Việt Nam nên quân đội Mỹ ngày đêm rải B52 ở khắp các địa bàn trọng yếu của Lạng Sơn như: quốc lộ 1, đèo Bén, Đồng Mỏ, Sài Hồ, Gốc Hồ, Phà Mẹt… hòng cắt đứt con đường huyết mạch tiếp tế hàng hóa từ Lạng Sơn ra tiền tuyến. Nhiệm vụ đảm bảo giao thông được giao cho lực lượng thanh niên xung phong với hơn 200 km đường.
Trước sự bắn phá ác liệt của địch, các tuyến đường đều bị bom Mỹ băm nát khiến giao thông tê liệt. Để đảm bảo cho ô tô đi lại, bất kể ngày, đêm, mưa rét, tiếng bom vừa ngớt, thanh niên xung phong từ các hầm trú ẩn lại khẩn trương đào đất, san đường, giải tỏa cây cối để ô tô có thể đi lại được. Công việc nặng nhọc nhưng phải làm thật khẩn trương bởi máy bay địch có thể quay lại ném bom bất cứ lúc nào. Khi địch bắn phá ác liệt khu vực thị trấn Đồng Mỏ, Đồng Bành, Đội thanh niên xung phong N57 được Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo hoàn thành con đường Đèo Bén, huyện Chi Lăng dài hơn 7 km. Thời gian thực hiện kế hoạch là 20 ngày.
Hơn 1.000 thanh niên xung phong đã thay phiên nhau ngày đêm phá đá, đào đường, rải sỏi, đổ nhựa. Với công cụ lao động hết sức thô sơ là cuốc, xẻng, xà beng và sự quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, chỉ trong 10 ngày, Đội thanh niên xung phong N57 đã trải nhựa hơn 7 km đường đèo Bén. Đây là con đường độc đạo để vận chuyển hàng hóa viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa vào miền Nam, khẳng định sự chung sức đồng lòng của thanh niên xung phong Lạng Sơn đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Cái khó lúc ấy không phải là công cụ lao động thô sơ, điều kiện sống thiếu thốn mà là chỉ huy những người còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm lại phải sống trong chiến tranh” – ông Nhưỡng cho biết thêm. Nếu kỷ luật không tốt thì cái giá phải trả là mạng sống của đồng chí anh em mình.
Chính vì vậy, ngay từ khi tham gia thanh niên xung phong, đội đã thắt chặt kỷ luật, đảm bảo đúng giờ, đúng hiệu lệnh. Sau khi hoàn thành đoạn đường đèo Bén, lệnh phát ra các đơn vị phải rút khỏi đèo trước 12 giờ. Đúng 1 giờ, từng tốp máy bay địch kéo đến bắn phá dữ dội các lán trại. Nhờ chấp hành đúng mệnh lệnh mà lực lượng được bảo toàn, không có đồng chí thương vong.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ “cảng nổi” Lạng Sơn, toàn tỉnh có 2.500 thanh niên xung phong. Lực lượng này phối hợp cùng bộ đội, dân công hỏa tuyến làm đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam, đào hầm trú ẩn, xây dựng kho tàng, làm đường giao thông, bảo vệ, bốc xếp, giải tỏa trên 120.000 tấn hàng hóa đưa ra chiến trường, góp phần đáng kể vào công cuộc chống Mỹ cứu nước. Đất nước thống nhất, những thanh niên xung phong năm ấy lại trở về địa phương hăng say lao động sản xuất, giáo dục con cháu, nhiều người trong số họ trở thành những điển hình trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới…, là những tấm gương sáng để các thế hệ con cháu noi theo.