Đà Nẵng những ngày tháng 4
27/04/2015 10:41
![]() |
Một góc bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) |
Cơ duyên và may mắn, trong dịp giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975-29/3/2015) chúng tôi lại có mặt trên chính mảnh đất đầy nắng và gió này. Nhớ lại cách đây mới hơn 10 năm khi thăm tại khu vực Đà Nẵng xưa tôi chứng kiến những thân cây lưu niên, đình chùa, bia mộ còn chi chít vết đạn. Đất cát ở đây đặc trưng là dễ vùi lấp, vậy mà còn những hố bom rộng đến cả chục mét vẫn hiện hữu ngay trên cánh đồng cát, ngay dưới mái hiên nhiều căn nhà. Ra đường gặp rất nhiều người dân tàn phế, hỏi ra mới biết họ là nạn nhân của chiến tranh. Cũng phải thôi xưa chiến khu Quảng- Đà (Quảng Nam- Đà Nẵng) được coi là vùng “chết” của miền Trung, nơi đây nhiều ngôi làng đã bị phá hủy hoàn toàn. Ước tính toàn bộ vùng chiến thuật 1 Quảng- Đà, Chính phủ Việt Nam cộng hòa đã điều đến đây gần một nửa tổng quân số để trực tiếp ứng chiến chống lại tiến trình giải phóng dân tộc của ta, ngăn làn sóng đỏ của chủ nghĩa xã hội đang lan dần xuống phía Nam. Những năm tháng ấy, Đà Nẵng cũng là đất sôi sục khí thế cách mạng, người dân sẵn sàng rào làng kháng chiến, đào địa đạo nuôi giấu cán bộ. Có những làng viết nên khẩu hiệu: “Còn một người cũng theo cách mạng”.
Chúng tôi đến Đà Nẵng đúng vào dịp khánh thành nhiều công trình kỷ niệm ngày giải phóng thành phố. Cả thành phố về đêm như một rừng đèn xóa đi mọi vết tích của chiến tranh. Ước nguyện của chúng tôi là về thăm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, mẹ có 8 người con hy sinh trong kháng chiến. Tượng đài mẹ ở Quảng Nam, xưa Quảng Nam và Đà Nẵng chung một tỉnh. Không đưa chúng tôi về thăm mẹ được, cô phóng viên Báo Đà Nẵng có cái tên dễ mến Thanh Tình an ủi: ở Đà Nẵng nơi nào cũng có mẹ anh hùng. Câu nói vui nhưng tôi tin là thật bởi trong chiến tranh ít nhất đã có trên 10 nghìn liệt sĩ nằm lại đất này.
40 năm sau ngày giải phóng, anh bạn cùng học Trình Quang Long, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, thành phố Đà Nẵng đưa tôi đi thăm toàn thành phố lúc về đêm. Anh khoe khu dân cư của anh vừa được thành phố tặng 3 triệu đồng để mừng giải phóng Đà Nẵng. Những ngày lễ tết, nhân dân ai cũng được hỗ trợ tiền, mà cách tặng cho đồng bào nghèo cũng khác, cán bộ bao giờ cũng được ít hơn người thu nhập thấp. Cái lý của chính quyền là họ khó khăn hơn cán bộ nhiều. Theo anh Long, mới chục năm trước, Đà Nẵng cũng chưa có gì là nổi bật, nhưng cái chính là thành phố biết chọn bước đi đột phá vào hai yếu tố đó là giao thông và xây dựng. Điều này rất công khai minh bạch, cho đến nay, nếu hỏi từ vị chủ tịch đến người dân họ đều nói như vậy. Rồi anh khẳng định, chắc giờ trong cả nước không nơi nào giải phóng mặt bằng dễ như ở Đà Nẵng, vì giải phóng làm đường, làm các công trình công cộng là vì dân, người dân hiểu họ được lợi nên cái cảnh chống đối, khiếu nại đã được giải quyết khá triệt để.
Riêng chuyện làm đường, tôi nghe các anh xe ôm, lái tắc – xi lan truyền nhau một câu chuyện. Khi quy hoạch mở đường, dân kêu ca giải phóng mặt bằng, đền bù chưa thỏa đáng thế là chính quyền quyết định nâng đường lên gấp đôi để đền bù gấp đôi, lấn ra biển để sau này có con đường rộng đến mức người các nước châu Âu đến cũng phải ngỡ ngàng. Dân được hưởng lợi từ đó. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư ở Đà Nẵng khá mạnh, thôi thì lợi thế là có bờ biển, có ưu đãi, nhưng trên hết đó là bộ máy hành chính đã làm hết mình. Tôi được anh em làm Báo Đà Nẵng đưa đi thăm tòa hành chính. Đây là hai trong số tòa nhà cao nhất thành phố. Người thực thi công vụ trong nhà hành chính giải quyết mọi thủ tục liên quan đến đầu tư, đến dân. Các nhà đầu tư chỉ việc đăng ký đầu tư, còn lại những việc khác các cơ quan hành chính phải lo. Vậy nên họ đã thu hút đạt 73.400 tỷ đồng, 306 dự án nước ngoài, tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ USD với những dự án Rerort Sơn Trà, Bà Nà, Bãi biển… được mệnh danh là khu du lịch đẹp nhất châu Á. Hiện toàn thành phố có 14.000 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký hơn 70.000 tỷ đồng. Trực tiếp đưa chúng tôi đi thăm Sơn Trà, anh Đặng Minh Trường, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Sun Group cho biết: khi chọn Sơn Trà làm nơi đầu tư có vướng mắc liên quan đến đất quân sự họ đã nản, nhưng chính quyền quyết tâm vào cuộc. Chính quyền mời cả bộ chủ quản vào và thuyết phục cho khai thác mở đường. Thấy sự nhiệt tình của chính quyền nên họ quyết định đầu tư để giờ đây tại Sơn Trà rất nhiều tập đoàn quốc tế đầu tư theo. Một trong mười vua bếp thế giới, ông Michel Roux người Anh đã chọn nơi đây làm nơi sống, làm việc. Nghe nói, muốn đặt ông nấu ăn phải xếp lịch trước đó 6 tháng. Rồi Bà Nà, nếu so sánh với Mẫu Sơn Lạng Sơn thì về điều kiện tự nhiên chắc Bà Nà còn thua Mẫu Sơn bởi độ cao, thảm thực vật… nhưng họ đã thu hút được một dự án có một không hai để Bà Nà trở thành một trong 20 khu nghỉ dưỡng nổi tiếng toàn thế giới.
![]() |
Người dân Đà Nẵng được hưởng nhiều nguồn lợi ích công |
Giờ đây, từ một mảnh đất miền trung cát cháy, Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng sống, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân bằng lòng với chính cuộc sống của mình. Quyết tâm chung sức xây dựng Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp hơn. Đấy là một kỳ tích sau 40 năm giải phóng.