Thứ ba,  03/10/2023

Đổi thay trên đất Na Hình

LSO-Cách đây mấy năm, Cửa khẩu phụ Na Hình vẫn chỉ là những rẻo đất trống lơ thơ cây bụi. Hôm nay trên đất trống ấy đã được thay thế bằng bãi xe, nhà làm việc, khu dịch vụ phục vụ doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Hằng đêm, toàn cửa khẩu đã bừng ánh điện, một đô thị nhỏ đang dần hình thành trên đất Na Hình.
Một góc bãi sang tải hàng Cửa khẩu phụ Na Hình (Văn Lãng)

NGỠ NGÀNG Ở NA HÌNH

Con đường đất đỏ bụi mù, đang được đầu tư phân kỳ dở dang, uốn lượn như lòng suối cạn khiến chúng tôi cứ lắc lư theo những cú va, đập lắc, va gầm cồng cộc của xe. Anh Nguyễn Văn Minh, Công ty TNHH Thiên Lộc, đơn vị đang đầu tư bãi dịch vụ tại Cửa khẩu Na Hình động viên: “Sắp đến rồi, vào trong ấy đường tốt, các chú không phải lo. Mà trong ấy vui lắm”. Anh nói như để động viên mấy anh em nhà báo. Xe vượt làng thanh niên lập nghiệp biên giới Thụy Hùng, đột nhiên không gian loãng ra. Mới vắt vẻo trong rừng, trong bụi đường là thế mà vụt cái xe đã đứng đầu bãi hàng rộng đến vài ha. Cái nắng đầu hạ làm bãi như rộng ra, nhìn chưa quen loa lóa mắt. Từng hàng cột đèn thẳng tắp, những dãy nhà công tác cho các đội nghiệp vụ thu thuế xuất nhập khẩu, nhà hàng phục vụ xe hàng xuất nhập khẩu nằm như những nốt ruồi của núi cạnh bãi hàng khiến cho cả khu vực cửa khẩu giống như một thị trấn đang lên hơn là nơi tột Bắc của xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng.

 “Ngạc nhiên chưa”? anh Minh cười để chứng minh điều mình nói là sự thật. Theo anh Minh khi Công ty TNHH Thiên Lộc được phép của tỉnh cho đầu tư mới từ năm 2012 đến nay thôi nhưng những hạng mục như bãi xe sang tải rộng trên 3 ha, nhà hàng, nhà cho công nhân, các công trình chiếu sáng phục vụ công cộng đã được mọc lên. Thêm đó là tỉnh đầu tư vào các công trình phục phụ xuất nhập khẩu, nhà liên hợp cho hải quan, thuế, biên phòng cùng được xây dựng rất đồng bộ. Thế nên không quay lại mới có hai năm thôi mà chúng tôi không thể nhận ra Na Hình trước đây nữa. Dường như Na Hình đã thay áo mới, mới hơn, khang trang hơn cả phía cửa khẩu nước đối diện. Điều này không chỉ là tự hào của Na Hình mà còn của cả tỉnh, cả nước. Anh Minh cho biết, tổng đầu tư của công ty vào các công trình, đầu tư máy để chủ động đảm bảo giao thông đã đạt gần 40 tỷ đồng. Trong tương lai sẽ còn đầu tư tiếp các khu vực phụ trợ, thêm nhà ở cho công nhân, nhà nghỉ tạm cho lái xe, chủ hàng: “Và cả nơi giải trí nữa, ở đây mà thêm giải trí thì là phố luôn”- Anh Minh khẳng định.

Như vậy tính từ làng thanh niên lập nghiệp vào cửa khẩu, khu chợ cộng với các công trình phục vụ xuất nhập khẩu sẽ tạo thành thế liên hoàn của một thị trấn trong tương lai. Mà ngay hôm nay thôi, tại đây đã là đầu mối xuất nông sản qua nước bạn. Cái lý có hàng xuất nhập khẩu, có xe, có đường mọi dịch vụ sẽ hình thành bởi đây là thế mạnh của Lạng Sơn, điều này đã đúng và ngày càng đúng trên mảnh đất biên giới Na Hình.

GIÀU LÊN CƯ DÂN BIÊN GIỚI

Theo báo cáo của Chi Cục Hải quan Tân Thanh năm 2014, và 4 tháng đầu năm 2015 đã làm thủ tục cho trên 400 tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 20 triệu USD, trên 2.000 lượt xe xuất nhập khẩu. Chỉ như vậy thôi đã đủ sức cho nhiều dịch vụ hình thành và nơi đây không bao lâu sẽ là một khu tập trung dân cư dịch vụ theo hướng “ly nông bất ly hương”. Anh Lương Văn Pin, trưởng thôn Na Hình rót mấy chén rượu chào khách nhưng mải câu chuyện quên cả mời: “Giờ đời sống người dân còn khó khăn nhưng có đủ việc làm các chú ạ. Dân trong thôn, dân tứ xứ đổ về làm dịch vụ, bốc thuê nông sản, mót sắn rơi vãi bán lại ngày cũng được cả trăm, thế là không lo đói”. Rồi anh nhìn ra bãi xe nơi có cả trăm người đang bốc hàng, thế mà mới mấy năm thôi dân trong thôn còn lo ăn từng bữa.

Theo anh Pin, những ngày hàng nhiều có khi tập trung đến cả ngàn người. Anh bạn đi cùng tôi thì rất lạ khi người ở đây nói đủ thứ tiếng, tiếng Việt, tiếng Tày, tiếng Quảng Đông, tiếng Bắc Kinh… bởi khách đến mua nông sản, xuất hàng đến từ nhiều nơi thế là biết tiếng gì xài tiếng đấy, ngộ nhất là mấy anh thương gia Trung Quốc, áo sống xênh sang mà trèo lên từng xe sắn chọn hàng làm anh nào anh ấy mặt cứ trắng bệch như đánh phấn, nói tiếng Việt thì sõi như người Việt. Anh Hoàng Văn Đình, lái xe chở sắn nhận xét: “Ba năm nay em chở hàng vào đây, thấy cửa khẩu đổi thay từng ngày. Thích nhất là giờ bãi xe rộng, sang hàng thoải mái nên không phải lo tìm chỗ, tìm bãi như dạo đầu”. Xe hàng, chủ hàng đến đông, các dịch vụ phục vụ ăn uống, mua bán, giao dịch bắt đầu hình thành. Ngay tại Na Hình gọi cơm hộp cũng có, còn sang hơn thì có cả nhà hàng của Công ty TNHH Thiên Lộc phục vụ các lái xe, chủ hàng. Tâm sự với tôi, chị Hoàng Thị Thắm người dân Na Sầm cho biết, hằng ngày mấy chị em vào đây bốc hàng, mấy năm nay công việc khá ổn định, giá cả thì có cả bảng giá chung cho bãi rồi.

Mở đường ra biên giới

Mới mấy năm thôi chính tôi đã viết về những người phụ nữ bốc thuê hàng nơi này. Khi ấy họ vất vả, lam lũ việc nặng mà chủ xe cho bao nhiêu biết bấy nhiêu. Giờ hợp tác xã bốc vác đang hình thành, họ có quy định sòng phẳng theo hướng làm ăn lâu dài. Việc mở rộng đầu tư, triển khai các đội nghiệp vụ công tác xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp là một trong những hướng đi đúng và ngắn để xây dựng vùng biên. Từ đây cơ cấu lao động dịch vụ đã hình thành, đấy chính chuyển dịch cơ cấu lao động bền vững, mà sự bền vững ấy sẽ góp phần làm Na Hình thay đổi nhanh hơn trong tương lai thật gần.

ĐÔNG BẮC