Ngọt ngào Mai Pha nho
06/07/2015 16:00
Xe phành phạch lên hết con dốc mấy chị nông phu ngồi nhàn tản tránh nắng trưa gọi tôi ơi ới, chú gì ơi ngồi đây đã. Một chị người nhỏ như cái kẹo, phe phẩy chiếc nón nói: “Trưa thế này chú vào mua nho à”. Chẳng biết chị đoán thế nào chứ chắc tôi chẳng giống người đi mua nho, bởi lỉnh kỉnh máy ảnh, chân đèn, giống chăng là bộ quần áo tuềnh toàng, cái xe cà tàng vừa mượn được mà thôi. Tiện câu đùa tôi tỉnh bơ, vâng ở đâu có nho chị chỉ giúp? Được lời như cởi tấm lòng, chị Hoàng Thị Nhị, thôn Nà Chuông chỉ ruộng nho xanh sẫm dưới chân dốc bộc bạch, ở đây có ba hộ trồng nho, nhiều nhất là anh Thiện, anh Thuận, mùa này là người ta vào mua nhiều lắm, mua buôn cũng có, mua làm quà cũng có, vì thế cứ nhìn thấy người lạ chúng tôi biết là đi mua nho rồi (thế nhưng với tôi chị nhầm chắc, vì tôi vào để viết báo).
Nông dân Mai Pha thu hoạch nho.
Tìm vào nhà anh Hoàng Văn Thuận, nông dân trồng nho ở thôn Nà Chuông, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn ngay trước khoảng sân rộng mấy bác nông dân đang bàn luận chuyện nho. Thấy có khách họ lảng dần. Còn mình tôi với Thuận. Dù chẳng biết tôi là ai nhưng vẫn mạnh chuyện, thế là bao điều về nho Thuận dãi bày với khách. Mới ngoài hai mươi, vừa rời quân ngũ Trung đoàn 12 đóng tại Hữu Lũng, Thuận về Mai Pha. Khi ấy Sở Khoa học Công nghệ đưa nho Cự phong vào thử nghiệm ở Mai Pha. Thuận tham gia ngay. Lúc còn chưa biết cây nho thế nào. Khi cán bộ đưa những bọc gốc triết ghép vào ruộng, có người bàn tán lớn lên nó sẽ như cây đa đầu làng, các cụ già thì trầm ngâm, không biết cái cây khòng khoèo to bằng ngón tay út, giống thừng thừa buộc mũi con trâu lớn cho quả thế nào nhỉ?
Được sự hướng dẫn của cán bộ, suốt mấy tháng liền Thuận cùng ông Ba, anh Ngô Văn Thọ ba nhà nhận diện tích của Sở Khoa học ăn với nho, ngủ với nho. Thế nhưng mọi việc không hề đơn giản, mới đầu toàn diện tích nhà Thuận chỉ có 70% sống, lại phải trồng dặm, vừa học vừa tìm tòi. Nâng niu tưới bẵm chăm như chăm trẻ. Một năm qua đi, cái cây khòng khoèo như thừng buộc mũi con trâu cho lá. Cả làng ai cũng đến xem. Họ động viên, chia vui. Bẵng đi một thời gian, người ta không bàn chuyện nho nữa vì ở đất Mai Pha này còn nhiều thứ để lo, để chuyển giao khoa học… Sau Tết 2012, lần đầu tiên anh Thuận phát hiện nho ra hoa. Sự kiện này như hút hết tâm trí của dân làng. Họ lại đổ về vườn thực nghiệm trên 10 sào của ba gia đình, vui quá có người còn mang cả chai rượu ra ruộng mừng, “nịnh” ông chủ vườn để học kinh nghiệm trồng nho.
Nho được trồng ở Mai Pha.
Hai tháng sau những quả bói đầu tiên của nho đã cho thu hoạch. Dân làng lại đổ đến họ sờ sờ vào quả nho rồi khen mịn quá, quả nào quả ấy tròn nhung nhúc, phủ phấn như người ta quệt nước vôi. Nếm thử thấy, ngọt ngọt, thơm thơm. Lúc này người Mai Pha mới khẳng định đất Lạng Sơn trồng được nho. Sau vụ ra bói, cả ba hộ mới có trên 1 tạ nho bán ra thị trường. Ngày mới đi bán, anh Thuận còn nhớ rõ, bảo trồng ở Mai Pha không ai tin, có người còn chu câu: “của Trung Quốc thì cứ nói Trung quốc cho thật thà”. Mãi sau người ta tìm hiểu mới biết nho được trồng ở Mai Pha, là nho sạch. Bắt đầu từ đấy nho Mai Pha có thương hiệu. Theo anh Thuận, trồng nho rất kén chăm, nhưng khi được thu hoạch mọi sự trở nên dễ dàng.
So với nho các vùng khác, nho ở đây có phấn, có vị thơm khác hẳn nho Trung Quốc nên rất nhiều người đến mua. Họ mua vì biết nguồn gốc, biết nó là hoa quả sạch. Tiếng lành đồn xa người mua người đặt ngày càng nhiều, có chục sào nho thôi mà có ngày cả chục thương lái vào đặt. Thế nhưng nho phải thu theo vụ, cũng chẳng có nhiều mà theo đơn đặt, vì thế để phân phối mỗi ngày anh Thuận cắt độ chục cân quả chín. Nhất định phải chín cây chứ không dấm, không ủ. Biết điều ấy người ta lại càng săn nho Mai Pha. Cũng biết điều ấy nhiều thương lái mua nho Trung Quốc giả làm nho Mai Pha, thế là thật giả lẫn lộn chẳng biết đâu mà lần. Theo anh Thuận giờ đau đầu nhất là giữ thương hiệu. Có lần anh ra chợ người ta mời mua nho rồi khẳng định vừa cắt ở vườn nhà Thuận ra, điều này làm anh buồn hơn là bực.
Đưa tôi đi thăm vườn nho dưới nắng hè gay gắt, thế nhưng không gian làm vườn như mát lại bởi lá nho thì xanh ngắt, những chùm nho lúc lỉu được bọc trong túi giấy. Khi mở túi chùm nho mọng hiện ra đủ sắc màu tim tím, xanh xanh, hương thơm như mật mía. Đưa cho tôi chùm nho vừa hái Thuận cười: “Anh đừng chê, nếm luôn tại vườn mới thú”. Quả là nho Mai Pha có vị thơm khác hẳn, sạch thì chắc khỏi phải bàn vì công nghệ trồng quá sạch và nho là cây kén chăm sóc. Theo anh Thuận, giờ nho đã sống được ở đất này, vấn đề là quy hoạch thành cánh đồng 20 ha này thành vùng nho, có như vậy nho mới thành hàng hóa. Nói chuyện nho với anh Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, anh khẳng định, nho đã thành công ở Mai Pha, ở vườn thực nghiệm của Sở. Giờ phải đưa nó vào sản xuất. Giờ mỗi năm cả vườn nho đạt vài tạ thu trên mấy chục triệu đồng, còn quá ít so với những gì người dân mong đợi.
Trước đây khi nói đến nho tôi có cảm giác đó là những xứ sở xa lạ. Thế mà giờ đây nho đã hiện hữu nơi Mai Pha, thương hiệu thì đã được khẳng định. Việc mở rộng thành cánh đồng chỉ còn là vấn đề thời gian, người dân đã thấy lợi ích của chuyển đổi cây trồng. Khi ấy nho Mai Pha sẽ tạo thêm cho xứ Lạng một loại quả đặc sản, bởi nho ở đây rất lạ ngọt ngào và mang hương vị nắng gió rất riêng Mai Pha.