Trải lòng với 1300
22/11/2016 14:38
![]() |
Khách tham quan mốc |
Thế là tôi đã có mặt tại khu vực điểm cao Chè Mùng thuộc xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. Cái tên Chè Mùng nghe đã xa xôi nhưng lại rất gần, thân quen với những người lính thời bảo vệ biên giới. Tại điểm cao này đã làm nên lịch sử chống ngoại xâm của quân dân Đình Lập. Mùa tháng mười, nơi này trắng trời hoa lau. Khắp núi rừng như được trải một tấm thảm bông lau trắng muốt. Đẹp đến mức anh bạn đi cùng phải thốt lên: “Tỉnh cả người trước một không gian hùng vĩ đến thế”.
Trung tá Lê Văn Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Bắc Xa đón chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại. Với cái dáng thư sinh, nụ cười đôn hậu của ông giáo làng hơn là anh lính biên thùy, anh hỏi cặn kẽ về đường đi, dặn anh em nấu thêm bát mỳ nóng để đãi khách. Rồi chẳng đợi lâu anh nói luôn, giờ xuống mốc 1300 từ phía Lạng Sơn hơi khó đi. Chúng tôi sẽ cử cán bộ đưa nhà báo xuống tận nơi. Anh thoáng một nét lo âu chỉ tay về hướng mốc: “Đúng là sức mạnh của truyền thông, chỉ sau một vài tấm ảnh, một vài lời bình, nói nơi đây là “cổng thiên đường”, “cổng trời xứ Lạng”, “nơi gặp gỡ tình yêu đất trời”… Thế là khách đổ về ùn ùn, có ngày gần nghìn lượt khách. Nghĩa là sắp bằng dân số của nửa xã rồi. Vui thì vui thật nhưng lo nhất là vệ sinh và cháy rừng”. Anh thì say sưa kể về mốc đẹp, còn chúng tôi chỉ muốn thật nhanh đi đến cổng trời.
![]() |
Cỏ lau |
Con đường tuần tra biên giới ra mốc 1300 cũng trắng hoa lau. Bông lau và lá lau cong cong như vòng tay con trẻ lay động hai bên đường chào đón chúng tôi. Không gian vắng lặng đến mức tinh lắm mới nghe tiếng gió rít nhẹ, tiếng còi xe rất xa xăm vọng lại. Thấy một chiếc xe máy đi ngược chiều là điều xa xỉ ở nơi này. Vì thế trên xe có lúc anh em thò tay ra đập pẹp pẹp vào bông lau để hoa bay tung tóe. Quay những thước phim gió lau như những đứa trẻ hiếu động đùa nghịch ven đường, lau quệt vào xe, bụi hoa lau vương trên xe, trên tóc như những bông tuyết. Tôi cứ đi như thế trong rừng hoa lau tầm mười cây số thì đến mốc 1300.
Mốc 1300 hiện ra như một tiểu vạn lý trường thành chia đôi quả núi. Đã từng đi nhiều mốc nhưng tôi tin những mốc tôi gặp khắp trong cả nước không nơi nào đẹp và hùng vĩ như 1300. Bước lên mấy bậc, cảm giác như đang leo lên cổng trời Đồng Văn (Hà Giang), hay ít ra cũng là núi Phai Vệ (thành phố Lạng Sơn). Hệ thống lan can như những bậc thang bắc lên cung trăng trong chuyện cổ. Có khác chăng lên trăng là mây, còn ở đây là những thảm cỏ tranh cao lút đầu người, xanh mượt. Mỗi cơn gió lại tạo thành sóng cỏ rập rờn. Mỗi bước đi cọ vào cỏ tranh tạo nên những âm thanh tách rách vui vui.
Một tốp thanh niên đi phượt ào xuống. Em Vũ Đức Hoạt đến từ Hải Dương, mặt tươi roi rói khoe với tôi em làm cả trăm kiểu ảnh tự sướng, phen này thì ib (inbox) mệt nghỉ. “Có đẹp không”? – Tôi hỏi. Hoạt trả lời: “Đẹp lắm, 3 năm liền đi phượt, em chưa thấy nơi nào đẹp như nơi này”. Câu nói của Hoạt làm chúng tôi như muốn nhanh chân hơn y như sợ lên muộn thì cái đẹp không còn nữa. Mốc 1300 là mốc đơn do Việt Nam cắm trong phân giới cắm mốc từ đầu năm 2000. Điểm mốc 1300 cao gần 1000 m so với mực nước biển. Từ đây còn 4 mốc phụ nữa mới đến giáp đất huyện Bình Liêu, Quảng Ninh. Đi trên đường tuần tra biên giới thêm 25 km nữa thì đến thị trấn Bình Liêu. Vì thế dân phượt từ Bình Liêu, Ba Chẽ, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và các tỉnh thành: Hải Phòng, Hưng Yên thường đi theo hướng này vì thế rất nhiều người nhầm đây là Quảng Ninh. Theo Đại úy Nguyễn Anh Tuấn, Đồn Biên phòng Bắc Xa – người đưa chúng tôi lên mốc: “Đã từng có một cuộc tranh cãi với hàng nghìn lượt like trên Facebook địa danh này thuộc tỉnh nào. Trong mạng Phượt cũng nói 7 lý do phải đến Bắc Xa. Tất nhiên theo quản lý thì thuộc Lạng Sơn”. Tranh cãi cũng dễ hiểu vì cái đẹp cũng là cái để tự hào. Ở đâu cũng là Tổ quốc ta mà. Đẹp nên rất nhiều đôi uyên ương đã lên chụp ảnh cưới. Nhiều nhóm phượt đến được đây thì nhận được hàng triệu lượt like cổ vũ.
Mốc 1300 chiếm trọn điểm cao nhất trong dãy Chè Mùng, từ đây có thể quan sát được từng chiếc máy thi công phía bên nước bạn. Nhìn rộng ra là trập trùng đồi núi xanh, xám, lam, vàng… đủ màu. Phóng tầm mắt ra xa thấy mình như lớn lên. Có lẽ ai đến đây cũng muốn hít bầu không khí trong lành đến căng ngực để hòa quyện vào đất trời. Nghe tiếng lao xao của gió, ngắm màu vàng của nắng trải khắp đồi tranh để thấy yêu từng ngọn cỏ. Bất giác một khách phượt kêu vang lên: Việt Nam ơi! Tiếng kêu như lan tỏa trên những sóng cỏ bất tận. Thú thật tự nhiên tôi thấy cay cay nơi khóe mắt. Đứng trên mốc tôi được nghe đủ thứ giọng các vùng miền, miền Trung có, đồng bằng Bắc bộ có, gọng lơ lớ của người vùng cao Quảng Ninh. Tất cả đều thân mật, sẻ chia và hòa đồng như cùng một đội. Em Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Em xuất phát cách đây hai ngày từ Thủy Nguyên, Hải Phòng, muốn lưu lại đây vì yêu cỏ lau, yêu mốc quá nhưng chưa biết xin phép thế nào, vì đây là biên giới.
Theo Trung tá Vi Văn Tấn, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bắc Xa, khách đến nhiều anh em rất vui vì cảnh đẹp thế này chắc sẽ làm cho người ta yêu quê hương hơn. Nhưng khách đông, sợ nhất là họ đốt lửa, xả rác, anh em biên phòng cứ phải túc trực để nhắc nhở mà mỗi lần lên mốc đâu có dễ. Khách thì mỗi ngày mỗi tăng đây sẽ là điều khó khăn cho các chiến sĩ biên phòng nơi 1300 này. Thống kê các điểm du lịch Lạng Sơn, sẽ là thiếu sót nếu không đưa điểm mốc 1300 (Bắc Xa) vào, vì ở đây là biên viễn, đẹp, hùng vĩ mà những dân phượt mệnh danh là “vua” khám phá phải công nhận đặt đủ cái tên nghe đã muốn đến.
Xuống mốc, tôi phải chen chân nhường thanh niên, có cả các bác trung niên ào lên. Họ đi nhanh như chúng tôi khi lên, có lẽ ai cũng muốn chứng kiến cái đẹp đầu tiên, muốn so sánh trong ảnh, muốn lưu lại những khoảnh khắc trước bạn phượt. Vì chậm tôi mới có dịp đếm được hình như là 160 bậc thang cả thẩy. Chỉ 160 bậc thôi mà đã đứng nơi địa đầu Tổ quốc, để yêu từng thảm cỏ tranh, yêu thêm nữa trùng điệp núi rừng, yêu những cung đường đầy nắng và gió. Đứng trên 1300 nhìn thấy mọi thứ đều nhỏ bé để thấy mình lớn lên.