Ngỡ ngàng với tam giác mạch Bắc Sơn
06/12/2016 18:10
LSO-Cái tên hoa tam giác mạch gần đây đã rất quen với khách du lịch. Nói về nó nhiều người ngỡ là ở một nơi nào đó xa xôi tận Tây Bắc tổ quốc, chứ họ không ngờ rằng, ngay ở Lạng Sơn thôi hoa tam giác mạch đang dần thành quen.
![]() |
Cánh đồng hoa tam giác mạch ở Dục Luông, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn |
Anh em báo chí lúc chia sẻ với nhau thì hoa tam giác mạch đã có từ rất lâu ở Xứ Lạng. Nhưng mãi đến khi người ta dùng hoa để kích cầu du lịch tam giác mạch mới thực sự “lên hương”. Tên tam giác mạch có lẽ xuất phát điểm từ cao nguyên đá tỉnh Hà Giang. Trước đây người ta nhắc đến tam giác mạch chỉ là thứ cây có danh nhưng chưa có phận, người dân vẫn dùng hạt mạch ủ men, nấu rượu, làm bánh. Cái hạt hình tam giác, cứng, bé như hạt kê chẳng cho bao nhiêu lợi. Nghề nấu rượu tam giác mạch mai một dần.
Anh Nguyễn Khắc Hường, nguyên Trưởng phòng ảnh báo nhân dân chụp cái ảnh tam giác mạch ở Hà Giang đăng báo. Đẹp quá! Thế là nó tạo thêm sức hút du lịch, tây ba lô, khách phượt đổ có thêm động lực lên cao nguyên đá. Nhận thấy lợi thế, Hà Giang đầu tư cho tam giác mạch. Có xã được đầu tư giống gieo hàng chục ha. Họ mở cả lễ hội tam giác mạch. Điều đó làm cho tam giác mạch càng nức tiếng hơn.
Rồi anh Hoàng Huấn, báo Lạng Sơn chụp mấy cái ảnh tam giác mạch ở huyện Bắc Sơn Lạng Sơn cập nhật lên mạng. Họa theo là anh Hoàng Hải Thịnh, Kiến trúc sư Phú Lộc, có chùm ảnh về Bắc Sơn đẹp đến nao lòng. Qua đấy người ta biết đến Bắc Sơn nhiều hơn. Theo tôi biết người đầu tiên có ý tưởng tạo thêm sản phẩm du lịch bằng tam giác mạch có lẽ là anh Dương Công Chiến, làm công tác Khuyến nông huyện. Tam giác mạch hình như hợp với Bắc Sơn, sau khi mấy hộ dân ở xã Trấn Yên, Long Đống, Chiến Thắng trồng thí điểm chỉ một mùa mà tiếng đồn đã lan xa. Cái cây tam giác mạch gầy gò yếu ớt như cây rau mùi cuối đông chẳng cần chăm bón gặp đất là cứ vươn lên. Gieo từ cuối tháng tám thì tháng mười một đã cho hoa. Cây sống quen đất cằn nên cả hoa lá cứ như đội cỏ, sau hơn tháng đã át hết cây dại. Khi nắng hanh, đông xuống tam giác mạch bắt đầu nở hoa. Chỉ sau một đêm, hoa đã rực cả cánh đồng. Hình như lạ nhất của tam giác mạch là ở chỗ đó.
Gặp lại chúng tôi, anh Hoàng Văn Hồng, Phó Bí thư huyện ủy Bắc Sơn khoe: “Chỉ mấy hôm không đi Long Đống mà giật hết cả mình, ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hoa tam giác mạch”. Cảm giác ấy như thôi thúc chúng tôi phải quyết tâm vào vùng tam giác mạch.
Những ngày nghỉ này, đường 1B như chật lại bởi từng đoàn xe từ Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Cạn… đổ về. Họ cũng với một quyết tâm ngắm hoa tam giác mạch, chụp ảnh, tận hưởng cảnh sắc rất riêng trong thung lũng Bắc Sơn. Có thế thôi mà có người phải mất cả ngày trời, đi đủ ba nơi tam giác mạch là Trấn Yên, Long Đống, Chiến Thắng. Sau 15 phút xuất phát từ trung tâm huyện chúng tôi đã có mặt tại cánh đồng tam giác mạnh. Đây là cánh đồng lớn thuộc thôn Dục Luông xã Long Đống. Các thung lũng trong núi đá đều có chung một điểm là khá cằn, bởi không có lượng phù sa bồi đắp, trên núi đá thì thiếu đất màu vì thế nơi đây chỉ toàn cỏ dại mọc.
Thế là anh Dương Công Chiến có ý tưởng biến vùng cằn rộng hơn hai chục mẫu thành cánh đồng tam giác mạch. Ý tưởng của anh được 5 hộ dân ủng hộ. Để thu hút du khách, huyện hỗ trợ một nửa tiền giống tam giác mạch. Bắt đầu từ tháng sáu, 5 hộ dân cùng với anh Chiến cày, lật cỏ. Thứ đất mắc ma ở Bắc Sơn kết dính lâu năm có khi cuốc chạm vào còn quằn, thế mà anh Chiến, chị Nhất, chị Sâm… ngày nào cũng có mặt trên cánh đồng. Đất không phụ công người, sau hai tháng cánh đồng đã được xới đủ ải để gieo hạt. Người dân Dục Luông nhìn những người gieo hạt họ ngạc nhiên lắm, các cụ già thì nói: “Chắc chúng nó bẫy dế mèn”, thậm chí có người còn đồn ông trạm khuyến nông, và dân đi tìm kho báu…Với quyết tâm biến cánh đồng cằn thành cánh đồng hoa, họ vẫn làm. Tam giác mạch không kén đất mọc như cỏ trời, chỉ vài tuần gieo hạt mầm đã xanh ngút mắt, lúc ấy người dân mới biết ý định thật của họ là làm du lịch, là kéo khách về Dục Luông. Theo chị Dương Thị Chiến: “Nói thật người ta cũng không tin, cho nên cứ làm thôi”. Hạt mạnh nẩy mầm, 5 hộ dân hồi hộp theo dõi tam giác mạch từng ngày. Đến đầu tháng 11 hoa bắt đầu nở, từ cánh đồng màu xanh qua một đêm hoa bung trắng xóa. Cả làng ngỡ ngàng. Có người còn thốt lên- tuyết rơi! tuyết rơi! Cũng phải thôi, nhìn xa đúng là màu trắng, hồng của tam giác mạch giống những bông tuyết khiến người ta có cảm giác như đang đứng giữa trời Âu mùa lạnh.
Những ngày đầu tam giác mạch nở ở Dục Luông đã có mấy tốp học sinh đến chụp ảnh. Những bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Nhờ sức mạnh truyền thông, chỉ vài ngày sau đó khách đã đổ về khá đông. Theo chị Dương Thị Nhất, lúc này các hộ dân mới tổ chức thu một ít lệ phí, nhưng chưa thể bù đắp được công sức đã bỏ ra vì mới là năm đầu tiên, người ta còn khá lạ với vùng tam giác mạch này.
![]() |
Khách du lịch khám phá hoa tam giác mạch |
Đứng giữa cánh đồng tam giác mạch, bác Nông Thị Hiền 62 tuổi, trú tại phường Hoàng Văn Thụ thành phố Thái Nguyên bộc bạch, thấy mình cứ như trẻ lại, bác cứ thoăn thoắt từ luống hoa nọ sang luống kia, vạch vào từng nhụy hoa, lấy hạt mạch hình tam giác cứng cứng ra day day rồi thốt lên: “Lạ quá, cả đời chưa thấy bao giờ”. Bác nhổ một cây tam giác mạch, hoa lấm tấm hoa như sao trời, rồi tung tăng như đứa trẻ được kẹo- mang về làm kỷ niệm cháu ạ”. Lội giữa cánh đồng những lá hình tam giác cọ vào chân man mát, âm thanh lào xào mỗi bước đi cộng vơi mùi hương ngan ngát của hoa làm chúng tôi thấy cứ lâng lâng, lạ lạ.
Có khách thăm, người dân Dục Luông bắt đầu làm du lịch. Anh Dương Công Thầm chặt mấy cành móc tươi vừa tâm sự: “Cái này để chụp ảnh, thanh niên nó thích lắm, mỗi lần chụp nó cho 10 nghìn”. “Thế được bao nhiêu rồi”? Anh lùa lùa vào túi áo móc ra nắm tiền rồi cười thật tươi: “Sáng đến giờ 70 nghìn”. Quanh cánh đồng tam giác mạch, lều lán đã mọc lên, nông sản địa phương cũng bắt đầu nhập cuộc. Cánh đồng Dục Luông hoang vắng xưa giờ đã ồn ào vào ngày cuối tuần.
Nhìn chị Nhất, chị Ngoan run run đếm những đồng tiền đầu tiên cho thuê chụp ảnh ở vườn tam giác mạch mà tôi thấy vui lây. Tam giác mạch, quả thật quá đẹp giữa một không gian hùng vĩ. Sẽ thêm một “đặc sản” cho du lịch Bắc Sơn. Bài học tam giác mạch ít nhất để người ta làm quen với du lịch, dịch vụ. Họ sẽ kiếm tiền chính đáng từ sức lao động, từ thiên nhiên tuyệt đẹp nơi này, tôi chắc ai đã đến một lần sẽ muốn đến nữa. Và sẽ là thiếu sót nếu tôi không viết ra những điều này.