Đổi thay nơi miền đất ải
31/05/2017 13:06
![]() |
Nông dân xã Nhân Lý xuất bán nông sản cho thương lái |
Chúng tôi trở lại mảnh đất lịch sử đúng vào lúc toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Chi Lăng đang phấn khởi phát động đợt thi đua chào mừng 590 năm chiến thắng Chi Lăng (10/10/1427-10/10/2017). Toàn huyện như đang được khoác lên mình tấm áo mới của băng cờ, khẩu hiệu, hòa với màu xanh của na, của lúa báo hiệu một mùa no ấm đang hiện hữu trên mảnh đất này. Tiếp chúng tôi, đồng chí Hoàng Minh Trường, Bí thư Huyện ủy Chi Lăng phấn khởi kể, như muốn ký họa bức tranh kinh tế – xã hội của toàn huyện. Qua lời anh, hình ảnh về miền đất ải như một cuốn phim quay chậm được bày ra trước mắt chúng tôi.
Miền đất lịch sử Chi Lăng với địa hình phức tạp, bên này là núi đất, nửa kia là những ngọn núi đá sừng sững tạo một địa thế hiểm trở. Nơi đây, 590 năm trước, nhân dân Chi Lăng đã cùng cả nước đánh tan 10 vạn quân Minh xâm lược. Giờ đây núi rừng lại tạo thế cho người dân làm giàu. Theo đồng chí Bí thư Huyện ủy, lợi thế nhất của Chi Lăng là nhân dân cần cù, năng động; nói rồi anh chỉ ra những dãy núi đá xanh mát một màu na. Hiện toàn huyện có trên 1.000 ha na, bắt đầu từ năm 2016 huyện đã quy hoạch trồng na theo hướng Viet Gap, vì thế chất lượng, giá thành nâng lên rất nhiều. Thấy hiệu quả, huyện đã ra Nghị quyết 25 về đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với nông thôn mới. Đây là đòn bẩy tạo hướng đi mới trong đổi mới sản xuất theo hướng sạch, gắn kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ.
Xác định gần rừng phải dựa vào rừng để hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyển dịch theo hướng tăng chăn nuôi giảm trồng trọt, duy trì cây đặc sản, Đảng bộ và nhân dân Chi Lăng tập trung vào trồng rừng, cây ăn quả. Mục tiêu của toàn huyện là biến diện tích na có sẵn thành na sạch. Cây na là cây ăn quả chủ lực đã mang lại thu nhập cho người dân mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Và số thu sẽ còn tăng khi mùa na 2017 này huyện đã chuẩn bị cho hơn 100 ha na sạch cùng với bao bì, mẫu mã mới.
Có thể nói, na là “của để dành” giúp tái cơ cấu đầu tư nông nghiệp, huyện tập trung vào khai thác thế mạnh của nông lâm nghiệp và dịch vụ. Mỗi năm huyện chỉ đạo gieo trồng trên 10.000 ha cây lương thực có hạt, tập trung vào giống mới, đảm bảo diện tích “hai lúa, hai màu”, nên sản lượng lương thực đã đạt trên 33.000 tấn. Riêng huyện đã khai thác được thế mạnh vòng quay của đất, “hai lúa, hai màu” tạo những cánh đồng trên 70 triệu đồng/ha/năm. Cùng với cây na thì giờ đây Chi Lăng có thêm cây bưởi, cây ớt. Cây trồng mới kích thích lưu thông kéo theo chăn nuôi phát triển. Không dừng ở sản xuất nông nghiệp, huyện chỉ đạo nhân dân tập trung trồng rừng sản xuất, hiện mỗi năm huyện phát triển mới trên 1.500 ha rừng, nhiều diện tích rừng ở các xã: Văn An, Chiến Thắng, Bắc Thủy, Nhân Lý đã phủ kín đất trống. Nhiều hộ gia đình thu hoạch hàng trăm triệu đồng/năm từ khai thác nhựa thông.
Cũng theo đồng chí Bí thư Huyện ủy: “Ổn định trong sản xuất, huyện thấy cần thiết phải tập trung chỉnh trang đô thị, xây dựng đô thị mới để phù hợp với nhu cầu người dân nơi đây với mục tiêu là xây dựng đô thị hiện đại tạo đòn bẩy cho kinh tế phát triển”. Tạo sự chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế, huyện tập trung chỉ đạo phát triển công nghiệp, dịch vụ. Vì vậy các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn ngày sản xuất hiệu quả như Nhà máy Xi măng Đồng Bành; khai thác mỏ của Công ty Thượng Thành; trong lĩnh vực dịch vụ, xây dựng có Công ty Thành Linh; chế biến tinh dầu xuất khẩu của Công ty Sản xuất chế biến lâm sản Lạng Sơn… Qua đó giá trị sản xuất công nghiệp từ đầu năm 2017 đến nay đã đạt trên 400 tỷ đồng. Một con số khá ấn tượng khẳng định thế mạnh của miền đất ải.
Để tạo đà phát triển, Đảng bộ huyện ra Nghị quyết 27 tập trung chỉ đạo công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Theo đồng chí Hoàng Minh Trường, chỉ trong vòng 1 năm, cán bộ đã có bước chuyển biến tích cực. Hiện nay 100% cán bộ công chức trực tiếp tiếp xúc với dân đã đạt chuẩn về trình độ, tác phong lề lối làm việc được nâng cao; huyện kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm để tạo niềm tin trong dân. Giờ đây 100% thôn, xóm trên địa bàn huyện có điện, từ đấy đã tạo đà cho văn hóa xã hội phát triển, nhân dân được nghe đài, xem truyền hình. Cùng với đó là tập trung chỉ đạo thu ngân sách, đến nay huyện đã thu đạt 40% dự toán và là một trong những huyện đi đầu về thu thuế.
Về Chi Lăng những ngày này, khi toàn Đảng bộ đang thi đua lập thành tích chào mừng chiến thắng Chi Lăng, nhân dân các dân tộc phấn khởi, tin tưởng hơn vào những gì mình đã làm được, phấn đấu hoàn thành mục tiêu kinh tế – xã hội đề ra, xứng đáng với truyền thống Chi Lăng anh hùng.