Chuyện đằng sau bản án
11/01/2018 10:16
Vẽ lại bức tranh vụ 275,3 tấn phân bón
![]() |
Một góc kho vật tư nông nghiệp |
Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại Văn Quan với tư cách là phóng viên. Với tôi mảnh đất này không hề xa lạ bởi tôi luôn coi đây là nơi đã gắn bó bao kỷ niệm vì đã từng “ba cùng” với nông dân trong cuộc chống buôn bán lâm sản, trong xây dựng những mô hình rau sạch ở Xuân Mai, Tú Xuyên hay đổi mới công nghệ ở lò chưng cất hồi ở Đại An, Tràng Phái… Gắn bó đến mức anh Vi Thế Hồng, nguyên Chủ tịch UBND huyện còn gọi tôi là “công dân danh dự”.
Vì gắn bó mảnh đất này, tôi cũng biết mới chỉ mấy năm trước thôi, Văn Quan còn là huyện nghèo, bằng chứng của cái nghèo vẫn còn hiện hữu khi ngay trong phố còn những ngôi nhà trát vách. Không được xếp huyện nghèo nhưng nguồn thu có khi còn thấp hơn huyện nghèo.
Giờ Văn Quan có khá lên, thị trấn đã có quán ăn sáng, có nhà nghỉ và đặc biệt đã có những doanh nghiệp tư nhân tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động. Thế nhưng, chúng tôi về đây chưa phải để vui với cái vui của Văn Quan mà để chia sẻ một chuyện buồn. Chuyện buồn ấy với ai đó thì cho là nhỏ nhưng với chúng tôi, những người đã gắn với nông dân, chia sẻ thiếu đói giáp hạt, lo từng cân phân bón khi lúa thì con gái nên câu chuyện lại không hề nhỏ, thậm chí nó còn lớn khi mấy năm nay Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp luôn bị các cú sốc vì cán bộ biển thủ, bán hàng của công ty lấy tiền tiêu xài. Có vụ công ty phải thuê cả thám tử để theo dấu mấy ông cửa hàng trưởng, thủ kho ăn cắp.
Không hẳn là do quản lý yếu kém mà sức mạnh đồng tiền dễ làm mờ mắt những người mới hôm qua họ còn là chiến sĩ thi đua, còn được nhận phần thưởng của cấp này, cấp nọ. Và trường hợp của Hoàng Trung Tuyến, 43 tuổi, thủ kho Vật tư Nông nghiệp huyện Văn Quan cũng không nằm ngoài câu chuyện ấy.
Chuyện xảy ra vào tháng 5/2016, đúng vào lúc nhân dân Văn Quan đang khẩn trương thu xuân làm mùa. Đây là vụ sản xuất chính của huyện nên toàn lực được dồn cho sản xuất. Trong đó phân bón là một mặt hàng cực kỳ quan trọng quyết định sự thắng lợi của sản xuất.
Theo Quyết định số 64/QĐ-UBND ngày 13/1/2016 của UBND tỉnh sẽ tạm ứng từ ngân sách không tính lãi 12 tỷ đồng bình ổn giá để giữ ổn định thị trường, nông dân sẽ không phải mua phân bón giá cao, thậm chí thấp hơn bình quân cả nước vì lượng phân bình ổn giá được dự trữ ở Văn Quan nhiều nhất.
![]() |
Ông Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc công ty lục hồ sơ chứng minh kho bị mất hàng |
Theo ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp, Văn Quan có vị trí thuận lợi để làm căn cứ giống như người ta đánh trận. Từ Văn Quan, hàng rất nhanh chuyển theo quốc lộ 1B để ngăn chặn phân giả hướng Thái Nguyên, Bắc Giang vào, từ Văn Quan hàng tỏa sang Bình Gia, Văn Lãng và một phần Chi Lăng. Đấy cũng là chiến lược kinh doanh của công ty trong cái thời đánh trận kinh tế. Có lẽ vì thế mà mấy năm nay “mặt trận” phân bón Văn Quan luôn là điểm trọng yếu của công ty.
Đang trong thế tiến công thu xuân làm mùa thì ông Hoàng Phong Kầm trưởng Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Văn Quan thấy lượng phân bón trong kho ở Văn Quan hao hụt rất nhanh, có ngày hụt cả một góc kho. Đây là hiện tượng bất thường. Việc này với kho vật tư chỉ có hai trường hợp: bị mất cắp hoặc thủ kho bán tháo (bán cả kho hàng).
Lo lắng, câu hỏi chưa thể trả lời ông Kầm điện, rồi ngược đường về công ty tại Cụm công nghiệp số 2 huyện Cao Lộc báo cáo Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc tức tốc họp. Cuộc họp kéo dài đến đêm và cuối cùng ông Nguyễn Thanh Vân, Chủ tịch hội đồng buộc phải ra một quyết định cũng không khác gì đánh trận: Điều chuyển kho để kiểm kê.
Với những người làm vật tư nông nghiệp, kiểm kê kho là một việc cực chẳng đã, họ phải cân lại từng bao phân, kiểm tra từng loại chất lượng, từng loại phân. Thường các cuộc kiểm kê như thế kéo dài cả tuần mà trong lúc chính vụ mọi việc giao dịch sẽ phải chậm lại, như vậy sẽ rất khó khăn cho các đại lý và đặc biệt là khó khăn cho nông dân. Nhưng theo ông Vân, không thể không kiểm kê vì đây là tài sản nhà nước giao cho Công ty để phục vụ nhân dân. Ông Vân nói trước Hội đồng quản trị: “Nếu để chậm phân bón thì chính ông, các cán bộ văn phòng sẽ phải tháo giầy mà chuyển phân bón xuống dân”. Với quyết tâm ấy, ngày 23/5/2016 toàn bộ các kho ở Văn Quan phải đóng băng, điều chuyển phân về kho Điềm He, Bình Gia để kiểm kê. Kết quả kiểm kê tại Biên bản số 01 ngày 30/5/2016 các số liệu cho thấy số phân bón thất thoát tại kho là 275,3 tấn gồm; NPK 5.10.3 LS là 130 tấn, NPK 12. 5.10.1 LT là 100 tấn, NPK 12.3.10 NT 15 tấn… (Riêng hàng bình ổn giá là 142 tấn); theo đơn giá của Công ty, thành tiền là trên 1,4 tỷ đồng – số tiền hoàn toàn khớp với số phân bón đã xuất kho. Trước những chứng cớ không thể chối cãi được, Hoàng Trung Tuyến đã viết rõ lý do tại bản tường trình với công ty vào ngày 15/5/2016. Do thiếu tiền làm nhà, vay nợ cá nhân nên phải bốc kho lấy tiền trả nợ và cam kết sẽ trả nợ công ty vào ngày 3/6/2016.
Bức tranh còn dang dở
Khi Tuyến nhận ra sai lầm, cả hội đồng như thở phào vì đã giải quyết xong vụ việc, người mừng nhất là ông Nguyễn Thanh Vân, ông tâm sự: “Nếu thực sự Tuyến thiếu tiền làm nhà thì hà cớ gì phải bán tháo kho để sai quy định để chịu kỷ luật? Công ty Vật tư nông nghiệp vốn có truyền thống đoàn kết, không ít trường hợp anh em vay mượn nhau làm nhà mà vẫn đâu vào đấy nó vừa thể hiện cái tình, vừa là đồng nghiệp với nhau”. Nhưng dù sao lỗi lầm đã được nhận ra thì cũng dễ sửa. Trong lúc vui, ông Vân còn nói nếu Tuyến biết sửa sai thì chỉ bị điều chuyển công tác chứ không bị buộc thôi việc.
Thế nhưng đến ngày hẹn đợi mãi chẳng thấy Tuyến đâu, công ty lại cho người xuống tận nơi mới biết Tuyến đã nhập viện Văn Quan với lý do ốm và có dấu hiệu thần kinh không bình thường. Cùng lúc ấy, công ty liên tiếp nhận được đơn khiếu nại với công ty, cho rằng công ty ép cung, rồi đơn đổ cho bà Hoàng Thị Hòa – nguyên trưởng Chi nhánh Vật tư nông nghiệp Văn Quan. Câu chuyện đã rối nay càng rối. Cực chẳng đã, công ty phải làm đơn kêu cứu khắp nơi, trong đó có cả các cơ quan bảo vệ pháp luật.