Yên bình
03/02/2010 10:54
LSO-(Ghi theo lời kể của đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nông Văn Định- Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn) Thành phố Lạng Sơn lúc nào cũng tấp nập, đông vui. Người xe từ trong tỉnh, trong nước về, từ nước bạn sang càng làm cho thành phố trẻ thêm sôi động. Đường phố mới mở rộng, nhà cửa được tôn tạo, xây dựng khang trang hơn hẳn mươi năm trước. Có một lý do quan trọng là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Lạng Sơn luôn ổn định, tạo tâm lý an toàn yên ổn không chỉ cho người dân địa phương mà cả khách phương xa có dịp qua mảnh đất Xứ Lạng hôm nay. Làm thế nào để có được sự ổn định trong cuộc sống xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay? Đại tá công an Nông Văn Định- người Bắc Giang “thành danh” trên đất Lạng Sơn đã đóng góp gì cho sự bình yên đó? Chúng tôi đến Công an tỉnh Lạng Sơn mong biết ngọn ngành điều đáng quan tâm ấy. Sau mấy cuộc hẹn, hôm nay bạn...
LSO-(Ghi theo lời kể của đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nông Văn Định- Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn)
Thành phố Lạng Sơn lúc nào cũng tấp nập, đông vui. Người xe từ trong tỉnh, trong nước về, từ nước bạn sang càng làm cho thành phố trẻ thêm sôi động. Đường phố mới mở rộng, nhà cửa được tôn tạo, xây dựng khang trang hơn hẳn mươi năm trước. Có một lý do quan trọng là tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Lạng Sơn luôn ổn định, tạo tâm lý an toàn yên ổn không chỉ cho người dân địa phương mà cả khách phương xa có dịp qua mảnh đất Xứ Lạng hôm nay.
Làm thế nào để có được sự ổn định trong cuộc sống xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay? Đại tá công an Nông Văn Định- người Bắc Giang “thành danh” trên đất Lạng Sơn đã đóng góp gì cho sự bình yên đó? Chúng tôi đến Công an tỉnh Lạng Sơn mong biết ngọn ngành điều đáng quan tâm ấy. Sau mấy cuộc hẹn, hôm nay bạn đồng nghiệp Lạng Sơn đưa chúng tôi đến gặp đại tá Nông Văn Định, Phó Giám đốc Công an tỉnh. Anh tiếp nhà báo- đồng hương Bắc Giang ngay tại phòng làm việc. Vẫn biết anh ngại nói về mình, chúng tôi chỉ gợi mở để anh kể về vài kỷ niệm khi còn cầm quân chiến đấu trong những năm 80, 90 của thế kỷ trước.
Chậm rãi, tra điếu thuốc sợi Lạng Sơn vào chiếc tẩu nhỏ- có lẽ đây là người duy nhất tôi gặp trong đời làm báo còn hút thuốc sợi “nguyên chất”, anh Nông Văn Định trao đổi thẳng:
– Chuyện “đánh đấm” thì đã mười lăm, hai mươi năm rồi. Còn bây giờ, tôi chỉ là cấp phó. Mà mọi chuyện là công của tập thể chứ có mình tôi đâu. Không có đồng đội, thiếu anh em thì chả làm được điều gì cho nên hồn.
– Chính chuyện cũ mà phát huy trong thời điểm này có hiệu quả mới đáng nói anh ạ. Tôi chỉ đem chuyện của anh về kể cho bà con đồng hương biết rằng có một người con xa quê như thế…- Tôi khẩn khoản.
Dường như anh nể chúng tôi đi cả trăm cây số lên mà không được việc, hơn nữa nói đến tình cảm quê hương anh cũng xao lòng và bắt đầu kể. Mà tâm sự đầu tiên của anh chính là gia đình:
– Ông cụ tôi ở quê (Tam Tiến, Yên Thế) thỉnh thoảng nhớ con, nhớ cháu lại lên thăm. Cái thời trấn áp bọn cướp dữ dội là thế mà ông cụ lên ở cả tháng trời chỉ để nhìn thấy mặt con rồi về báo cáo. Tội quá, vụ đó tôi nằm rừng hơn ba tháng làm sao ông cụ gặp được. Ở quê, người ta đồn rằng tôi đã bị băng cướp nào đó bắn lén nên mọi người lo lắm. Mà cũng lạ, không chỉ có tôi mà cả đơn vị ai cũng “cao số” hay sao mà 64 anh em không hòn tên mũi đạn nào giết nổi.
Thói quen hút thuốc lá của anh chắc từ thời cùng đồng đội nung nấu, bày mưu, tính kế tiêu diệt băng đảng cướp thuở nào. Bập bập tẩu thuốc, anh nhìn sang tôi vẻ kín đáo rồi kể tiếp:
– Trận mạc thì sống chết chả biết trước được. Thực ra, có những trận anh em tôi tính tưởng chết mà lại lập công vang dội. Vụ giáp tết năm 1996 tiêu diệt toán cướp có vũ khí cầm đầu là Hoàng Văn Tươi, Ma Văn Thiếm ở Xa Lý (Lục Ngạn – Bắc Giang). Khi chúng điên cuồng bắn giết bốn người trong gia đình đồng chí lãnh đạo xã, chúng tôi buộc phải tiêu diệt Hoàng Văn Tươi. Lãnh đạo tỉnh cấp cho mươi triệu bảo dành để mua lương thực, thực phẩm phục kích chiến đấu trong dịp Tết, nếu tóm được chúng thì coi là phần thưởng cho anh em. Đồng đội ở Hà Bắc cũng động viên cho mấy triệu đồng. Thực ra, trong rừng Xa Lý có dùng gì bằng tiền đâu. Chúng tôi truy đuổi tên Ma Văn Thiếm quyết liệt và hoàn thành nhiệm vụ trước Tết Nguyên đán.
Lại nói đến chuyện sống- chết, có vụ tiêu diệt tên trùm băng cướp trong hang đá. Hắn ngoan cố không chịu ra hàng lại có vũ khí nóng nên chúng tôi phải xịt hoá chất vào cho nó ngất. Loay hoay tìm mãi trong hang chẳng thấy hắn nằm đâu, trở ra thì thấy một họng súng đen ngòm chĩa vào thái dương đồng đội tôi. Cạch, viên đạn thối rơi ra và liền sau đó tên cướp đã bị tóm gọn. Có gì đâu, sợ hắn chết nên chúng tôi xịt chút thuốc cho choáng để bắt sống, ai dè nó nằm sát trên cửa hang mà anh em tôi tìm lâu quá nên kịp tỉnh dậy. Đó chỉ là một trong hàng chục vụ chúng tôi có lệnh tiêu diệt nhưng lại lập mưu bắt sống kẻ cầm đầu. Những trường hợp đó tác động rất mạnh đến các băng, nhóm khác bởi chính sách khoan hồng của ta, nếu có bị dồn vào chân tường mà đầu hàng chúng ta vẫn độ lượng khoan dung chứ không phải điên cuồng nổ súng bắn giết hay tự sát.
– Đó là đồng đội, còn chính anh có tình huống hiểm nguy nào không ?- Chúng tôi gợi hỏi anh.
– Rất nhiều là đằng khác. Anh bảo, Lạng Sơn lúc bấy giờ có hàng nghìn vụ cướp, giết, hiếp trong năm. Bọn cầm đầu băng, nhóm tội phạm thì từ các tỉnh dạt về và bên kia biên giới sang. Mánh lới của chúng thực là man rợ, hóc hiểm. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”…
– Được biết trong mươi năm truy kích, trấn áp tội phạm, Phòng Cảnh sát hình sự của anh đã tiêu diệt hơn ba chục tên cướp. Chúng thì chả có gì để mất, các anh còn gia đình, vợ con có sợ bị chúng trả thù không ?
– Nếu công an sợ kẻ cướp thì có mà loạn. Tuy nhiên, hằng đêm quả là chúng bày đặt cho bọn đàn em hăm doạ, dụ dỗ đủ các ngón. Trắng trợn hơn, chúng còn đến tận nơi ở của chúng tôi mặc cả nữa chứ. Nói các anh đừng cười, hồi mới cưới vợ, tôi còn nhờ anh em trộn đất rơm trát vách thành phòng hạnh phúc. Sau, dành dụm mua được cái nhà con trong ngõ nhỏ sát chợ. Thật bất lợi cho mấy tay côn đồ muốn tìm cách hãm hại tôi và gia đình vì nhà tôi ở ngõ nhỏ đến mức vào thì chỉ có đi lùi ra. Đó chính là cái nút thắt tóm cổ dễ dàng kẻ nào manh động. Còn nhà đồng đội tôi, chúng tôi nghi binh bắc súng máy trên nóc nhà hàng xóm (khẩu súng đã hỏng nhưng bố trí như sẵn sàng nhả đạn) nhưng ở vị trí thuận lợi có anh em theo dõi kẻ nào lảng vảng áp sát nhà là xử lý, một mặt bắn tin là công an đang mật phục tiêu diệt băng cướp X…Vậy là chúng nhụt chí ngay. Mới đây thôi, có kẻ được thuê đi xe khách lên thành phố mấy chục cây số để sát hại một cán bộ. Hắn dùng đạn hoa cà hoa cải bắn sát thương đối tượng rồi lại lên xe trở về ngay. Vậy mà chỉ ít giờ sau, xe công an đã về tận nhà bắt hắn. Lúc thấy xe công an, nó đã quỳ mọp gọi: “Ông Định ơi, các ông tài thế” rồi ngoan ngoãn tra tay vào khoá số 8.
– Duyên cớ nào mà anh công tác tại Xứ Lạng và có ý định về quê không?- Đồng nghiệp tôi hỏi anh thân tình.
– Duyên cớ thì có nhiều. Thực ra nếu kể ngọn nguồn phải bắt đầu từ năm 1975 cơ. Dạo đó, tôi đi bộ đội nhưng khi tập trung lại đưa sang học công an. Học trung cấp nhưng vì đào tạo gấp cho việc tiếp quản miền Nam nên chỉ có một năm. Ra trường, tôi được điều về quận Ngô Quyền, Hải Phòng chứ không phải là miền Nam. Ở đó được một năm thì tăng cường cho biên giới Lạng Sơn. Thanh niên trẻ, tổ chức điều đi đâu là đi đấy, người dân tộc chúng tôi là vậy (anh Định là người dân tộc Tày). Chiến đấu chống chiến tranh biên giới, chiến tranh tâm lý rồi sau khi mở cửa hội nhập kinh tế thì đủ các loại tội phạm khiến chúng tôi dạn dày lên. Đến năm 1985 tôi được đề bạt Phó Công an thị xã Lạng Sơn, sau đó bố trí đi học đại học. Lúc ấy, lãnh đạo Công an Hà Bắc biết tôi là dạng “ong thợ”sẵn sàng tiếp nhận về quê công tác. Song tôi nghĩ Lạng Sơn là mảnh đất nuôi dưỡng tôi khôn lớn nên người, vả lại cống hiến cho Xứ Lạng cũng chính là bảo vệ Hà Bắc quê mình. Vậy là tôi yên tâm công tác cho đến ngày nay. Biết rõ ý định đó và những chiến công trong thực tế chiến đấu, năm 1990 Công an tỉnh bổ nhiệm tôi làm trưởng phòng Hình sự. Trong lúc cuộc chiến quyết liệt căng thẳng ấy, Nhà nước ghi nhận và phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể phòng tôi. Năm năm sau đó cả tôi và anh Triệu Quang Điện, Phó phòng đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Phòng Cảnh sát Hình sự của tôi vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lần thứ hai. Nhưng như tôi đã nói, thắng lợi hơn cả là đơn vị hơn sáu chục anh em đồng đội của tôi không có ai bị hy sinh nơi chiến trường cam go, quyết liệt một mất một còn đó.
Giờ thì đại tá Nông Văn Định đã ở vị trí chỉ huy tác chiến, có thể truy bắt, ngăn chặn tội phạm qua biên giới bằng hệ thống vũ khí, trang thiết bị hiện đại có sự phối hợp chặt chẽ với lực lượng an ninh nước bạn. Chúng tôi hiểu rằng để giữ cho cuộc sống yên bình trên Xứ Lạng hôm nay là quá trình kiên trì phấn đấu của những người trực tiếp trấn ải biên cương, bảo đảm an ninh trật tự như lực lượng công an, trong đó có công của người chỉ huy vững vàng Nông Văn Định.
Cảnh Mạnh (Phó Tổng Biên tập Báo Bắc Giang)