Chủ nhật,  03/12/2023

Sự tích và tính nhân văn, hướng thiện của Tết ông Táo

LSO-Theo tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc ta, hàng năm, ngày 23 tháng Chạp là ngày Tết ông Táo. Ngày đó, Thổ công lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng thượng đế những điều, những việc thiện, ác, tốt, xấu, hay, dở mắt thấy tai nghe diễn ra trong một năm ở hạ giới. Ngày đó có sự tích:Xưa kia, có một gia đình nọ, chồng là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Đôi vợ chồng này quanh năm làm lụng vất vả mà quanh năm đói rách, lại không có con. Một lần, vợ chồng xích mích, cãi cọ nhau, Trọng Cao nổi nóng, lỡ tay đánh vợ. Bị đánh, Thị Nhi giận chồng, bỏ nhà ra đi. Lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi gặp Phạm Lang. Thị Nhi và Phạm Lang bén duyên rồi thành vợ chồng. Còn đối với Trọng Cao, sau khi Thị Nhi bỏ nhà ra đi, chàng rất hối hận, đã cất công đi tìm Thị Nhi. Trên đường đi tìm Thị Nhi, khi tiền dắt lưng đã hết, Trọng Cao phải lần hồi hành khất. Một hôm, Trọng Cao vào một nhà xin ăn. Bà chủ nhà...

LSO-Theo tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc ta, hàng năm, ngày 23 tháng Chạp là ngày Tết ông Táo. Ngày đó, Thổ công lên chầu trời để báo cáo với Ngọc Hoàng thượng đế những điều, những việc thiện, ác, tốt, xấu, hay, dở mắt thấy tai nghe diễn ra trong một năm ở hạ giới. Ngày đó có sự tích:
Xưa kia, có một gia đình nọ, chồng là Trọng Cao, vợ là Thị Nhi. Đôi vợ chồng này quanh năm làm lụng vất vả mà quanh năm đói rách, lại không có con. Một lần, vợ chồng xích mích, cãi cọ nhau, Trọng Cao nổi nóng, lỡ tay đánh vợ. Bị đánh, Thị Nhi giận chồng, bỏ nhà ra đi. Lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi gặp Phạm Lang. Thị Nhi và Phạm Lang bén duyên rồi thành vợ chồng. Còn đối với Trọng Cao, sau khi Thị Nhi bỏ nhà ra đi, chàng rất hối hận, đã cất công đi tìm Thị Nhi. Trên đường đi tìm Thị Nhi, khi tiền dắt lưng đã hết, Trọng Cao phải lần hồi hành khất. Một hôm, Trọng Cao vào một nhà xin ăn. Bà chủ nhà rủ lòng thương, mang cơm ra cho hành khất thì nhận ra đó là Trọng Cao, chồng cũ của mình. Trọng Cao cũng nhận ra bà chủ nhà chính là Thị Nhi, người vợ mà mình đang tìm. Nhận ra nhau, họ mừng mừng, tủi tủi, nhưng thật trớ trêu, lúc này, Thị Nhi đã là vợ của Phạm Lang. Với tình nghĩa vợ chồng trước đây, Thị Nhi dọn cơm rượu đãi Trọng Cao. Hôm đó, Phạm Lang đi chơi. Gần đến lúc Phạm Lang đi chơi về, sợ Phạm Lang về đến nhà bắt gặp Trọng Cao thì biết nói sao với Phạm Lang. Trong tình cảnh éo le, Thị Nhi nghĩ ra một kế, rồi liền bảo Trọng Cao ẩn vào đống rơm để tránh mặt. Ngày đó, trời rét đậm. Phạm Lang trên đường về nhà, rẽ xem ruộng, nhớ tới phải có tro chống rét cho mạ ngoài ruộng. Về đến nhà, Phạm Lang liền lấy lửa đốt đống rơm để lấy tro. Lửa cháy, vô tình Trọng Cao bị thiêu chết. Nghĩ vì mình mà chồng cũ bị chết cháy, Thị Nhi nhảy vào đống lửa, chết theo. Thấy vợ chết trong đống lửa, thương tiếc vợ, Phạm Lang cũng nhảy vào đống lửa, chết theo vợ. Thế là, một vợ, hai chồng đều chết, thật thương tâm. Ba người chết ở trần gian. Ba linh hồn gặp nhau ở thiên giới và gặp Ngọc Hoàng. Thương cảm trước cái chết của ba người nơi trần gian, Ngọc Hoàng thượng đế phong cho họ là Táo Quân (vua bếp) coi giữ việc bếp lửa gia đình dưới trần gian, giao cho mỗi người một chức trách: Phạm Lang là Thổ công, trông coi việc bếp núc; Trọng Cao là Thổ địa, trông coi việc trong nhà; Thị Nhi là Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa, vườn tược.
Theo sự tích trên, Táo quân không phải chỉ là một vua bếp mà là cả ba ngôi Thổ công, Thổ địa, Thổ kỳ. Ba ngôi này được sắp xếp như sau: Ở giữa là Thổ kỳ (đàn bà), bên trái là Thổ công (đàn ông), bên phải là Thổ địa (đàn ông). Sự sắp xếp “một bà hai ông” như vậy mang tính nhân văn để cho cả ba người vốn là một vợ hai chồng được gần gũi nhau. Không chỉ sắp xếp ba ngôi như vậy, để đôi vợ chồng cũ Thị Nhi – Trọng Cao có thời gian riêng gần gũi nhau, Ngọc Hoàng thượng đế quyết định hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp là ngày Thổ công (tức Phạm Lang) lên chầu trời. Theo quyết định này của Ngọc Hoàng, hàng năm, từ ngày 23 tháng Chạp đến giao thừa là thời gian để Thổ địa (Trọng Cao) và Thổ Kỳ (Thị Nhi) được gần gũi nhau.
Với sự sắp xếp và quyết định mang tính nhân văn trên đây, bàn thờ Táo quân và Tết ông Táo hình thành và được duy trì đã lâu đời trong nhân dân ta ở khắp nông thôn, thành thị. Trong ngôi nhà truyền thống của người Việt Nam, gian giữa, nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ tổ tiên, còn bàn thờ Táo quân đặt ở bếp, hướng Đông. Trên bàn thờ Táo quân có ba cái mũ, một mũ đàn bà không có cánh chuồn đặt ở giữa, hai mũ đàn ông cánh chuồn, đặt ở hai bên. Tết ông Táo, ngày 23 tháng Chạp, cúng Táo quân, lễ vật có hoa quả, rượu, xôi, thịt gà, cá chép còn sống. Xưa kia, người Việt coi cá chép là con vật có khả năng hóa rồng, bay cao, bay xa. Dùng những lễ vật đó cúng Táo quân, tiễn Thổ công về trời, nhân dân ta tiễn vua bếp, để vua bếp cưỡi cá chép lên thiên giới, tâu với Ngọc Hoàng việc mắt thấy tai nghe trong một năm ở trần gian hạ giới, từ đó, Ngọc Hoàng định phúc trong năm mới cho những gia đình làm việc thiện, việc tốt, định họa trong năm mới cho những gia đình làm việc ác, việc xấu.
Với tâm linh hướng thiện, làm việc thiện, việc tốt để được phúc, có phúc, tránh làm việc ác, việc xấu để khỏi bị họa, nhân dân ta duy trì Tết ông Táo đã bao đời nay. Đó là một phong tục cổ truyền của dân tộc ta. Đó là Tết cuối cùng trong một năm, nhân dân ta cúng Táo quân, để sau đó đến Tết Nguyên đán, Tết đầu năm mới, Tết cổ truyền thiêng liêng của dân tộc ta.

Trung Hậu