LSO-Xuân xuân ơi, Xuân đã về...Có nỗi vui nào hơn ngày xuân đến”....Những giai điệu mượt mà trong ca khúc “Mùa xuân ơi!” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện dường như kéo mùa xuân về gần với mọi người hơn. Một mùa xuân mới đã đến, đem theo biết bao niềm vui, sự ấm áp mới, xua đi cái lạnh giá của mùa đông.... Mùa xuân này trên quê hương Hữu Lũng được khoác lên mình một tấm áo mới, tấm áo dệt bằng bao mồ hôi công sức và sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.Hữu Lũng là huyện miền núi nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, là mảnh đất gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc như Chi Lăng – Xương Giang, với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết một lòng, cùng cả nước góp sức người sức của đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập chủ quyền. Phát huy truyền thống đó, trong thời bình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân...
LSO-Xuân xuân ơi, Xuân đã về…
Có nỗi vui nào hơn ngày xuân đến”….
Những giai điệu mượt mà trong ca khúc “Mùa xuân ơi!” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện dường như kéo mùa xuân về gần với mọi người hơn. Một mùa xuân mới đã đến, đem theo biết bao niềm vui, sự ấm áp mới, xua đi cái lạnh giá của mùa đông…. Mùa xuân này trên quê hương Hữu Lũng được khoác lên mình một tấm áo mới, tấm áo dệt bằng bao mồ hôi công sức và sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây.
Hữu Lũng là huyện miền núi nằm ở cửa ngõ phía Nam của tỉnh, là mảnh đất gắn liền với những chiến công hiển hách của dân tộc như Chi Lăng – Xương Giang, với truyền thống yêu nước nồng nàn, nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết một lòng, cùng cả nước góp sức người sức của đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập chủ quyền. Phát huy truyền thống đó, trong thời bình thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân các dân tộc huyện Hữu Lũng đã có những đổi thay rất quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Các chương trình mục tiêu của Chính phủ đều được thực hiện tốt, góp phần làm cho bộ mặt của huyện nói chung có bước phát triển vượt bậc, nông thôn miền núi của huyện đã có điện, đường, trường, trạm, việc ăn ở, học hành, khám chữa bệnh phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Chợ hoa ngày tết – Ảnh: HL
Có thể nói, những năm qua từ chỗ được hưởng lợi của Chương trình 135 đã tạo ra bước chuyển mạnh trong xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng trên địa bàn huyện. Nếu năm 2000, huyện có 7 xã đặc biệt khó khăn, đến năm 2009 giảm xuống còn 2 xã. Từ nguồn vốn trên 30 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng được 42 công trình đường giao thông, 5 công trình thuỷ lợi, 13 công trình trường học, 2 trạm y tế, 3 nhà ở cho giáo viên, 1 công trình hồ chứa nước, 4 công trình chợ trung tâm xã… Ngoài ra còn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, đào tạo cán bộ xã và cộng đồng, hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân… Hệ thống giao thông thông suốt đã thúc đẩy giao lưu kinh tế, hàng hoá giữa các vùng, cước vận tải giảm, giá trị nông sản được tăng lên, các dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống đã tiếp cận với người dân tại xã, thôn, bản. Chương trình 134 được triển khai từ năm 2005, đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước là 9,2 tỷ đồng, vốn đối ứng của nhân dân đóng góp là 11,7 tỷ đồng. Với số tiền này, huyện đã hỗ trợ xây dựng được 864 nhà ở, 6 công trình nước sinh hoạt tập trung với 950 hộ được hưởng lợi, đầu tư 290 giếng, bể chứa nước sinh hoạt. Thực hiện việc xây dựng nhà đại đoàn kết theo chủ trương ưu tiên cho các hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các đối tượng vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo cao tuổi và các đối tượng nghèo có nhà dột nát… Qua 10 năm triển khai đã xây dựng, sửa chữa được 195 căn nhà. Ngoài ra, các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho các đồng bào dân tộc thiểu số như: Trồng mới 5 triệu ha rừng, dự án giảm nghèo, cứng hoá kênh mương và đường giao thông nông thôn, trợ cước, trợ giá các mặt hàng thiết yếu đã được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực.
Đặc biệt, năm 2009 là năm huyện Hữu Lũng gặt hái được nhiều thành quả, toàn huyện đã xóa xong xã “trắng” điện lưới Quốc gia, đó là hai xã cuối cùng là Thiện Kỵ và Tân Lập đã được tỉnh đầu tư hoàn thiện công trình cấp điện và đưa vào sử dụng nhân dịp Quốc khánh 2- 9 vừa qua. Đối với cụm công nghiệp thị trấn Hữu Lũng, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết và đã ban hành quyết định thành lập Cụm công nghiệp. Những tuyến đường có vai trò khá quan trọng của huyện và còn khó đi đã được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện cho nhân dân giữa các vùng miền giao lưu được thuận tiện. Tiêu biểu có dự án đường Phố Vị – Đèo Cà, với tổng mức đầu tư là trên 78 tỷ đồng đã hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng tất cả các gói thầu; Dự án đường Gốc Me – Yên Thịnh, có tổng mức đầu tư là 32 tỷ đồng, hiện nay công trình đã hoàn thiện 90%. Tất cả đã tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế – xã hội huyện nhà.
Những ngày cuối năm, trời về chiều bóng tối kéo đến thật nhanh, những tia nắng cuối cùng đã dần nhường chỗ cho bóng tối lan đến. Nhưng, bóng tối của quy luật tự nhiên không làm vơi đi niềm vui, sự phấn khởi của người dân đang sống và làm việc tại Hữu Lũng. Một tin vui đến với huyện đó là năm 2010 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, dự án nâng cấp cải tạo tuyến đường Yên Thịnh – Hữu Liên sẽ được tỉnh quan tâm đầu tư, từ đây người dân sẽ được tiếp thêm sức mạnh mới, sức mạnh để phát triển, làm giàu cho quê hương mình.