Cận Tết Nguyên đán: Cẩn thận với một số chiêu lừa đảo
05/02/2010 17:26
LSO-Càng gần Tết, nhu cầu mua, bán tăng mạnh. Lợi dụng thời điểm này, trên đường, cũng như ở một số chợ xuất hiện nhiều đối tượng với những mánh lừa đảo bà con nhân dân để trục lợi. Ngày 3/2/2010 vừa qua, Công an huyện Cao Lộc đã bắt đối tượng nữ Phạm Thị Bích, trú tại Khối 5 xã Hợp Thành (Cao Lộc). Đối tượng này bị bắt về hành vi lừa tiền của những người bán hàng tại chợ Bản Ngà, xã Gia Cát (Cao Lộc). Hành vi của “nữ quái” này là: đến chợ hỏi mua hàng như những người đi chợ khác, sau khi hỏi mua 6 con gà (tổng số tiền phải trả là 660.000đ), chị ta cũng đếm tiền, rồi trả tiền cho người bán hàng, nhưng ngay sau đó, chị ta vờ như trả thừa rồi bảo người bán hàng đưa tiền lại cho chị ta đếm. Lợi dụng sự chủ quan của người bán, chị ta đã tráo cọc tiền 660.000đ thành một cọc tiền có mệnh giá thấp hơn, chỉ còn 60.000đ. Theo đơn trình bày của chị Phương Thị Vệ (Thôn Pò Là, xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình),...
LSO-Càng gần Tết, nhu cầu mua, bán tăng mạnh. Lợi dụng thời điểm này, trên đường, cũng như ở một số chợ xuất hiện nhiều đối tượng với những mánh lừa đảo bà con nhân dân để trục lợi.
Ngày 3/2/2010 vừa qua, Công an huyện Cao Lộc đã bắt đối tượng nữ Phạm Thị Bích, trú tại Khối 5 xã Hợp Thành (Cao Lộc). Đối tượng này bị bắt về hành vi lừa tiền của những người bán hàng tại chợ Bản Ngà, xã Gia Cát (Cao Lộc). Hành vi của “nữ quái” này là: đến chợ hỏi mua hàng như những người đi chợ khác, sau khi hỏi mua 6 con gà (tổng số tiền phải trả là 660.000đ), chị ta cũng đếm tiền, rồi trả tiền cho người bán hàng, nhưng ngay sau đó, chị ta vờ như trả thừa rồi bảo người bán hàng đưa tiền lại cho chị ta đếm. Lợi dụng sự chủ quan của người bán, chị ta đã tráo cọc tiền 660.000đ thành một cọc tiền có mệnh giá thấp hơn, chỉ còn 60.000đ.

Theo đơn trình bày của chị Phương Thị Vệ (Thôn Pò Là, xã Xuân Mãn, huyện Lộc Bình), người bị hại: “sau khi thỏa thuận về giá cả xong, chị Bích đưa tiền trả, tôi đếm đã thấy đủ, định cất đi thì chị Bích bảo đưa thừa và đòi xem lại. Để phân minh tôi đã đưa lại tiền cho chị Bích đếm, lúc đó cũng có khách hỏi mua nên tôi quay sang chỗ khác. Khi chị Bích đưa lại một cọc tiền, những tưởng là cục tiền cũ nên tôi không đếm lại (pv: do tờ tiền bên ngoài vẫn có mệnh giá 20.000đ, giống như cọc tiền cũ)…”. Qua lời khai của đối tượng Bích, chiêu lừa này không mới, lợi dụng sự sơ ý của mọi người, nhất là vào dịp người mua đông, người bán chủ quan là ả ta lừa. Phạm Thị Bích cũng đã khai, thị đã có tiền án, tiền sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân, tuy nhiên do thị đang nuôi con nhỏ nên chưa phải thụ án.

Những cây hoa, cây cảnh thật mà hóa giả
Ngay sau khi Phạm Thị Bích bị bắt, rất nhiều người dân đã lên báo với cơ quan chức năng về hiện tượng tráo tiền như vụ trên. Thiếu tá Lê Tiến Dũng, Đội phó Đội Công an Phụ trách xã về ANTT Công an huyện Cao Lộc cho biết, theo quy luật, gần Tết là thời điểm các đối tượng lừa đảo “kiếm ăn”, chính vậy, bà con nhân dân cần đề cao cảnh giác để không bị mất tiền. Lời cảnh báo của thiếu tá Dũng rất đúng. Vừa qua, tại đường Hùng Vương, TPLS, nhiều người dân đã phát hiện có những đối tượng buôn bán “cây thật gắn hoa giả”, bức xúc họ đã báo với công an phường Chi Lăng, TP Lạng Sơn.
Tết không thể thiếu hoa, vì vậy, giáp Tết nguyên đán cũng là thời điểm trên thị trường Lạng Sơn xuất hiện nhiều cửa hàng bán hoa. Do “cầu” tăng, thị trường hoa càng phong phú hơn khi xuất hiện những xe thồ, xe ba-gác chở hoa cảnh đi bán rong trên các đường phố. Điều này không có gì đáng nói nếu như nhiều người dân đã bức xúc vì mua phải những cây hoa “giả” bằng tiền thật. Thú chơi tao nhã này hiện đã bị nhiều kẻ lợi dụng để trục lợi. Một số đối tượng buôn bán hoa dạo đã lừa người dân bằng những mánh tưởng như rất xưa – dùng những thân cây thật sau đó gắn những bông hoa, loại hoa mà nhiều người thích vào, vậy là có những cây hoa nở rộ, bắt mắt những người yêu hoa. Những chậu hoa, cây cảnh có vẻ rất đẹp đó được bán với cái giá rất cao, từ 200.000đ cho đến 500.000 đ/cây. Rất nhiều người Lạng Sơn đã bị mắc bẫy. Những cây hoa giả kia chỉ sau một thời gian khoảng từ 3-5 ngày, hoa trên cành sẽ héo hết và rụng sạch. Hiện tượng này đã có nhiều năm qua, do không bị phát hiện, hoặc khi người dân phát hiện thì đã quá muộn khiến cận Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, dân buôn bán “cây thật – hoa giả” ngày càng nhiều, và giá bán cũng cao hơn.

Chứng kiến một đám người đang xúm đông, xúm đỏ xung quanh 2 xe hoa dạo, anh Hoàng Xuân Cường – người phát hiện sự giả dối trên và gọi điện báo công an phường Chi Lăng bức xúc cho biết, thấy hoa đẹp, anh đứng lại xem hoa và hỏi giá, định mua thì thấy một số bông hoa trên cây mọc không được bình thường. Anh mạnh dạn giật một bông hoa khỏi cây và sững sờ khi phát hiện bông hoa được gắn bằng keo vào thân cây. Bức xúc, anh đã gọi lực lượng công an đến để giải quyết. Sự việc càng rõ hơn, khi một số người dân do tò mò đứng lại xem, và chính họ, khi đã hiểu rõ sự tình đều bực tức vì hành vi lừa đảo trên. Theo lực lượng công an, những sự vụ lừa đảo trên thật khó có thể xử lý hình sự đối với đối tượng. Vì theo luật, khi số tiền lừa chưa ở mức từ 2 – 4 triệu đồng thì chỉ có thể xử phạt hành chính, sau đó bắt ký cam kết.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Dần, thực tế đã xuất hiện những vụ lừa đảo tưởng như cũ nhưng cũng đã khiến nhiều người dân mắc bẫy. Đặc biệt, vừa qua thông tin đại chúng đã cảnh báo người sử dụng điện thoại di động cảnh giác với những tin nhắn trúng thưởng, đó cũng là một chiêu lừa lấy tiền hiện đại. Chính vì vậy, vào thời điểm này, bà con nhân dân cần đề cao cảnh giác để có một cái Tết thật vui vẻ, hạnh phúc.
Lưu Vũ