Nghề y – nghề của lòng nhân ái
26/02/2010 09:50
Sức khỏe là vốn quý nhất của con người và của toàn xã hội, là nhân tố quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Ít có nghề nào mà xã hội đòi hỏi về phẩm chất và tài năng cao như đối với người làm công tác y tế. Đó là một nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người và hạnh phúc của mỗi gia đình”.
Ngành nghề nào cũng đòi hỏi người làm nghề đó phải có phẩm chất và tài năng. Nghề y cũng như vậy nhưng do nghề y liên quan đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo tính mạng người bệnh, cứu vớt tính mạng người bệnh nên người làm nghề y phải có phẩm chất cao, tài năng cao, đặc biệt phải có lòng nhân ái. Nếu không có lòng nhân ái, không biết cảm thông, chia sẻ và làm giảm đi, vơi đi nỗi đau khổ của người bệnh, của đồng loại thì người đó không nên bước chân vào ngưỡng cửa nghề y. Cái đặc biệt, cốt lõi của người làm nghề y là lòng nhân ái, tình người, chứ không phải là mưu cầu quà cáp, càng không phải là buôn bán trên sự đau khổ và cái sống, cái chết của con người. Ngày 27-2-1955, trong thư gửi hội nghị cán bộ y tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh rằng, cán bộ y tế “phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”. Ngày 31-7-1967, trong thư gửi cán bộ và nhân viên quân dân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhấn mạnh cán bộ, nhân viên y tế phải: “Luôn luôn ghi nhớ rằng, người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền, hết lòng hết sức cứu chữa và phục vụ thương binh, tích cực nâng cao sức khỏe của bộ đội, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng”.
Thực hiện mục tiêu trên, đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tỉnh ta không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn phải có lòng nhân ái. Kể từ năm 1947, Ban y tế tỉnh Lạng Sơn được hình thành, đến nay, ngành y tế tỉnh ta đã trải qua chặng đường dài 63 năm xây dựng và trưởng thành. Trên chặng đường này, từ 66 người trong lớp y tá đầu tiên ở Kéo Coong (Bình Gia), trong đó, 29 người không biết chữ, chỉ học nhận biết các loại lá cây làm thuốc và các chứng bệnh đơn giản, không được cấp bằng y tá, 37 người cấp bằng y tá, đến nay ngành y tế Lạng Sơn đã có đội ngũ đông đảo thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế, trong đó, số có trình độ đại học, chuyên khoa I, chuyên khoa II tới gần 800 người.