Chủ nhật,  03/12/2023

Ấn tượng lễ hội xã Quỳnh Sơn

LSO-Tôi nhớ đến xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn là một trong những điểm dừng chân của hành trình du lịch về nguồn của Lạng Sơn hồi đầu tháng 11/2009 trong dịp Lạng Sơn tổ chức Tuần lễ văn hóa - du lịch về nguồn, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ. Hình ảnh đáng nhớ với du khách là những nếp nhà sàn truyền thống thâm nâu, cổ kính, là những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ và đẹp mắt… Thế rồi, năm 2010 này, vào ngày 25/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Canh Dần) xã Quỳnh Sơn mở lễ hội Lồng Tồng, chúng tôi có dịp trở lại nơi đây và đã có thêm trong trí nhớ nhiều ấn tượng sâu đậm nữa.Lễ hội Lồng Tồng xã Quỳnh Sơn được diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng Giêng với nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn. Ấn tượng sâu sắc về lễ hội chính là tính chất dân gian truyền thống đậm nét trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các nét văn hóa độc đáo qua nhiều thế hệ. Đó là lễ rước kiệu từ Đình làng...

LSO-Tôi nhớ đến xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn là một trong những điểm dừng chân của hành trình du lịch về nguồn của Lạng Sơn hồi đầu tháng 11/2009 trong dịp Lạng Sơn tổ chức Tuần lễ văn hóa – du lịch về nguồn, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ. Hình ảnh đáng nhớ với du khách là những nếp nhà sàn truyền thống thâm nâu, cổ kính, là những cánh đồng lúa chín vàng rực rỡ và đẹp mắt… Thế rồi, năm 2010 này, vào ngày 25/2 (tức ngày 12 tháng Giêng năm Canh Dần) xã Quỳnh Sơn mở lễ hội Lồng Tồng, chúng tôi có dịp trở lại nơi đây và đã có thêm trong trí nhớ nhiều ấn tượng sâu đậm nữa.
Lễ hội Lồng Tồng xã Quỳnh Sơn được diễn ra trong hai ngày 12 và 13 tháng Giêng với nhiều nội dung phong phú và hấp dẫn. Ấn tượng sâu sắc về lễ hội chính là tính chất dân gian truyền thống đậm nét trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các nét văn hóa độc đáo qua nhiều thế hệ. Đó là lễ rước kiệu từ Đình làng ra cánh đồng nơi tổ chức lễ hội Lồng Tồng để tế Thần Nông và làm lễ hạ điền. Đáng nhớ là lễ hạ điền với 6 thôn là 6 chiếc máy cày đại diện. Với những đường cày máy thẳng tắp, nhanh nhẹn đã thể hiện cho công việc đồng áng, lao động sản xuất của bà con trong năm mới sẽ thuận lợi, có nhiều thành quả. Không những thế, những chiếc cày máy còn thể hiện sự năng động của người nông dân trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Phần nghi lễ này thu hút được đông đảo người dân tham gia và đến xem cổ vũ.
Trò đánh đu trong lễ hội
Ấn tượng nữa là, một lễ hội có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian vui nhộn, thể hiện được những ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc về một lễ hội cầu mùa, cầu mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, người người, nhà nhà no ấm, hạnh phúc. Tiêu biểu đó là trò đánh cờ tiên, đánh đu, ném còn, giã gạo, gói bánh chưng đen… Theo tín ngưỡng dân gian thì, nhiều trò chơi, trò diễn trong lễ hội cầu mùa còn là biểu hiện của tín ngưỡng phồn thực – cầu mong cho vạn vật sinh sôi, nảy nở nhiều; thể hiện sự giao hòa của âm – dương, trời – đất; mối quan hệ hữu cơ của các yếu tố “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa”…
Theo Ban tổ chức, lễ hội xã Quỳnh Sơn đã được khôi phục và duy trì tổ chức liên tục từ năm 2005 đến nay. Qua mỗi năm, lễ hội càng được quan tâm nghiên cứu, sưu tầm, đưa thêm các nội dung vào lễ hội nhưng vẫn đảm bảo sự tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ví dụ như năm nay, Ban tổ chức đã đưa thêm nội dung thi giã gạo và thi gói bánh chưng vào phần vui hội. Qua đó, tạo ra không khí vui tươi, sôi nổi hơn cho lễ hội, cũng như giúp cho nhân dân và du khách gần xa hiểu thêm về những nét sinh hoạt rất đời thường của các thế hệ cha ông ta – đó là nhịp sống giàu bản sắc đã gắn bó lâu đời với truyền thống quê hương. Hay như trong lễ hội năm nay đã có thêm đội múa sư tử dẫn đầu đoàn rước kiệu tạo ra một tổng thể hấp dẫn và trang trọng cho nghi lễ…

Lễ cày hạ điền
Có thể nói, ý nghĩa sâu xa hơn cả của việc không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức, quản lý lễ hội; quan tâm sưu tầm, đưa vào lễ hội nhiều hoạt động phong phú hơn chính là biểu hiện tích cực trong đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về giữ gìn, bảo tồn, làm giàu và phát huy vốn di sản văn hóa của quê hương, dân tộc trong bối cảnh quê hương, đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng và phát triển. Trong đó, kinh tế du lịch phát triển sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng xã hội. Và, cái để thu hút, hấp dẫn ngày càng đông đảo du khách đến với địa phương, lễ hội một cách bền vững chính là yếu tố bản sắc văn hóa độc đáo. Do đó, việc tổ chức lễ hội ấn tượng sẽ là một điểm nhấn quan trọng, góp phần tuyên truyền, quảng bá được sâu đậm hình ảnh, tiềm năng, lợi thế văn hóa của địa phương trong phát triển kinh tế – du lịch nói chung.
Lễ hội Lồng Tồng xã Quỳnh Sơn năm 2010 thực sự là một điểm nhấn văn hóa của quê hương, góp phần gợi mở, đưa dẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp của nhiều di sản văn hóa đặc sắc khác trên quê hương cách mạng Bắc Sơn. Đặc biệt là năm 2010 này, sẽ diễn ra sự kiện Kỷ niệm 70 năm ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn 27/9.

Hoàng Thịnh