Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô
04/03/2010 08:25
LSO-Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cháy rừng ở vườn quốc gia Hoàng Liên như một lời cảnh báo chung cho các cánh rừng trong cả nước trong mùa khô hanh năm nay. Thời điểm này, mức dự báo cháy của hàng trăm ngàn ha rừng ở Lạng Sơn cũng đang ở cấp độ IV đến cấp độ V, có nghĩa là cấp độ nguy hiểm đến đặc biệt nguy hiểm.Trên thực tế, tính từ đầu năm 2010 đến trung tuần tháng 2, ở các vùng trọng điểm về cháy rừng của Lạng Sơn là Đình Lập, Lộc Bình đều đã xảy ra cháy. Tại Lộc Bình cháy 01 vụ diện tích cháy 1,5 ha thiệt hại 0,4 ha. Tại huyện Đình Lập cháy 01 vụ diện tích cháy 12 ha. Không dừng lại ở đó, từ cuối tháng 2 đến nay ở các địa phương như Tràng Định, thành phố…đã xảy ra xấp xỉ gần 10 vụ cháy rừng lớn nhỏ, cho đến nay các đơn vị chức năng, cán bộ chuyên môn đang khẩn trương xác minh và thống kê thiệt hại của các vụ cháy trên.Ông Hoàng Quang Chinh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm...
LSO-Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cháy rừng ở vườn quốc gia Hoàng Liên như một lời cảnh báo chung cho các cánh rừng trong cả nước trong mùa khô hanh năm nay. Thời điểm này, mức dự báo cháy của hàng trăm ngàn ha rừng ở Lạng Sơn cũng đang ở cấp độ IV đến cấp độ V, có nghĩa là cấp độ nguy hiểm đến đặc biệt nguy hiểm.
Trên thực tế, tính từ đầu năm 2010 đến trung tuần tháng 2, ở các vùng trọng điểm về cháy rừng của Lạng Sơn là Đình Lập, Lộc Bình đều đã xảy ra cháy. Tại Lộc Bình cháy 01 vụ diện tích cháy 1,5 ha thiệt hại 0,4 ha. Tại huyện Đình Lập cháy 01 vụ diện tích cháy 12 ha. Không dừng lại ở đó, từ cuối tháng 2 đến nay ở các địa phương như Tràng Định, thành phố…đã xảy ra xấp xỉ gần 10 vụ cháy rừng lớn nhỏ, cho đến nay các đơn vị chức năng, cán bộ chuyên môn đang khẩn trương xác minh và thống kê thiệt hại của các vụ cháy trên.
Ông Hoàng Quang Chinh, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hiện nay Lạng Sơn có trên 382.000ha diện tích rừng và theo dự báo thì cấp độ cháy rừng của toàn bộ diện tích này đã ở mức nguy hiểm-cấp IV, cá biệt ở nhiều vùng như Tràng Định mức cháy rừng đã ở cấp cao nhất, cấp V. Sơ qua về đặc điểm rừng của Lạng Sơn thì trong trên 300 ngàn ha rừng đó, có khoảng trên 140.000ha là rừng trồng. Trong số rừng trồng này hầu hết lại là rừng thuần với thông là cây trồng chủ yếu. Phân tích như vậy để thấy rằng nguy cơ cháy rừng càng trở nên cấp bách. Trong khi đó trong khi trồng rừng thì hầu hết các chủ rừng chưa tuân thủ theo đúng kỹ thuật, chúng tôi đã có dịp đi thực tế tại nhiều cánh rừng trong thời điểm này, rất nhiều nơi thực bì đã khô cong chất đống trong rừng mà chưa được dọn dẹp, đây như một chất dẫn lửa “hiệu quả” gây hiểm hoạ đối với các khu rừng. Một điểm nữa là trong quá trình trồng, nhân dân cũng chưa quan tâm đến việc để các đường băng cản lửa như băng xanh hoặc băng trắng theo đúng kỹ thuật vì vậy khả năng bắt cháy là rất lớn, còn khả năng chữa cháy thì tỷ lệ nghịch với nguy cơ cháy.
Trong khi cháy rừng đang ở cấp độ nguy hiểm thì ý thức của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Một cán bộ Kiểm lâm cho biết: Không chỉ là lý do đốt nương làm rẫy, thù hằn đốt rừng của nhau…mà trong những năm gần đây có những lý do rất nhỏ như đốt bờ ruộng, hoá vàng, thắp hương trong ngày thanh mình hay đi picnic…cũng đã gây ra những đám cháy lớn.

Diễn tập PCCCR
Trước tình hình đó, ngay từ những ngày đầu mùa khô, lực lượng Kiểm lâm cùng với các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với chính quyền các địa phương chủ động xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Trong đó công tác tuyên truyền được đặc biệt coi trọng, đã thành lập các tổ, đội gác lửa rừng và ký cam kết bảo vệ rừng với hàng nghìn hộ gia đình cùng trên 1 vạn tờ rơi đã được phát cho người dân để nâng cao ý thức của mỗi người. Tại các xã, Chi cục Kiểm lâm đã tăng cường cán bộ phụ trách địa bàn để bám, nắm tình hình và kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương các phương án PCCCR. Ông Chinh cho biết: Đến thời điểm này Dự án nâng cao năng lực PCCCR cho lực lượng Kiểm lâm cũng đã trang bị cho các đơn vị xe ô tô, máy thổi gió, quần áo chịu lửa và một số thiệt bị chuyên dụng khác, điều này đã góp phần rất lớn trong việc dập lửa rừng trong thời gian vừa qua.
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh vẫn đang tiếp tục chủ động làm tốt công tác PCCCR, quân số trực cháy 24/24 của Kiểm lâm đã lên đến 70%-80%. Dự báo trong thời gian tới thời tiết hanh khô tiếp tục kéo dài và như vậy có nghĩa là nguy cơ cháy rừng tiếp tục tăng cao. Để làm tốt công tác PCCCR, thiết nghĩ chỉ riêng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi người dân, mỗi chủ rừng cũng cần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ rừng. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng về lâu dài cũng cần phải chú ý hơn nữa các chi tiết kỹ thuật PCCCR cho các khu rừng ngay từ khi mới bắt đầu trồng rừng.
Lê Minh