Ðêm nay, không khí lạnh tràn xuống Bắc Bộ
15/03/2010 14:09
Theo Trung tâm Dự báo -Khí tượng thủy văn T.Ư, đêm 15-3 và ngày mai, một bộ phận không khí lạnh sẽ tràn xuống Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa, mưa nhỏ, nhiệt độ giảm khoảng 4-5oC, trời chuyển rét. Trên Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ, gió Đông Bắc sẽ mạnh lên cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, biển động. Đợt rét này kéo dài khoảng hai, ba ngày, từ giữa tuần sau, trời sẽ ấm dần lên.Cục Kiểm lâm cho biết, đến 14-3, số địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp 4 và 5 đã giảm. Tuy nhiên những ngày qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừngvẫn cao. Đến nay, còn 23 tỉnh, thành phố cảnh báo cháy rừng ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) và 19 địa phương có cảnh báo cháy rừng ở cấp nguy hiểm.Sau ít ngày lạnh và mưa nhỏ, lượng mưa, thời tiết khu vực Tây Bắc, đặc biệt tại Sa Pa lại xuất hiện...
Theo Trung tâm Dự báo -Khí tượng thủy văn T.Ư, đêm 15-3 và ngày mai, một bộ phận không khí lạnh sẽ tràn xuống Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa, mưa nhỏ, nhiệt độ giảm khoảng 4-5oC, trời chuyển rét. Trên Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ, gió Đông Bắc sẽ mạnh lên cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, biển động. Đợt rét này kéo dài khoảng hai, ba ngày, từ giữa tuần sau, trời sẽ ấm dần lên.
Cục Kiểm lâm cho biết, đến 14-3, số địa phương có nguy cơ cháy rừng ở cấp 4 và 5 đã giảm. Tuy nhiên những ngày qua, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừngvẫn cao. Đến nay, còn 23 tỉnh, thành phố cảnh báo cháy rừng ở cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) và 19 địa phương có cảnh báo cháy rừng ở cấp nguy hiểm.
Sau ít ngày lạnh và mưa nhỏ, lượng mưa, thời tiết khu vực Tây Bắc, đặc biệt tại Sa Pa lại xuất hiện gió hanh khô thổi mạnh. Nhiệt độ vùng thấp trở lại mức 33-35oC, vùng cao ước khoảng 28-30oC. Tỉnh Lào Cai chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, tích cực tuần tra, quan sát phát hiện những điểm cháy để xử lý kịp thời; kịp thời ra các bản tin cảnh báo, dự báo về cấp báo động cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết. Nghiêm cấm việc đốt rừng để làm nương rẫy, mang các chất dễ cháy nổ vào rừng.
TP Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng đến từng thôn xóm, cụm dân cư; bố trí chốt canh giữ tại các điểm cao và cửa rừng, chuẩn bị dụng cụ, phương tiện ứng cứu, chữa cháy rừng tại chỗ; tổ chức canh gác tại các khu vực trọng điểm dễ xảy cháy. Thời gian qua, trên địa bàn huyện Sóc Sơn xuất hiện một số vụ cháy rừng nhỏ với diện tích khoảng ba ha, chủ yếu là cháy thực bì. Chi cục Kiểm lâm phối hợp chính quyền địa phương huy động lực lượng nhanh chóng dập tắt, không để lan ra diện rộng.
Tỉnh Đác Lắc hiện có hơn 266 nghìn ha rừng trọng điểm dễ cháy. UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, giám sát chặt chẽ ; tuyên truyền cho hàng chục nghìn lượt người trong các thôn, buôn về công tác phòng, chống cháy rừng. Đồng thời xây dựng 71 quy ước, ký cam kết với hàng chục nghìn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở gần những vùng rừng trọng điểm dễ cháy; nghiêm cấm mang các dụng cụ dễ cháy, đốt lửa, săn bắn động vật hoang dã trái phép trong rừng, xử lý thực bì phải đúng quy trình kỹ thuật; lập được bản đồ số hóa phân vùng trọng điểm cháy rừng ở cấp tỉnh có tỷ lệ 1/100.000 và cấp huyện 1/50.000.
Tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động chuyển hàng trăm ha đất thiếu nước sang trồng lạc xuân. Hiện nay, bà con nông dân trong tỉnh đã gieo trồng được hơn 20 nghìn ha lạc, một số diện tích đang bị sâu bệnh gây hại. Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân thường xuyên thăm đồng, nhổ bỏ cây bị bệnh, làm cỏ và phòng trừ các loại sâu khoang, sâu cuốn lá…Đối với diện tích đất trồng lúa chuyển sang trồng lạc cần phải chăm sóc kỹ hơn tránh các loại nấm, côn trùng và các loại bệnh khác.
Theo Trạm BVTV huyện Cam Lộ (Quảng Trị), hiện nay có khoảng 40 ha lúa vụ đông xuân có triệu chứng nhiễm bệnh lùn sọc đen với tỷ lệ 9-10%, có nơi cao từ 15-20%. Huyện Cam Lộ đang tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nhân dân cách nhận dạng và biện pháp phòng trừ. Đối với những diện tích lúa đã bị nhiễm bệnh dưới 20% cần phun diệt trừ rầy và nhổ bỏ, tiêu hủy những cây bị bệnh bằng cách đốt hoặc đào hố để chôn. Những diện tích có trên 20% cây lúa bị bệnh, phun thuốc trừ rầy sau đó tiêu hủy cả vùng ruộng bị bệnh để khống chế không cho dịch bệnh lây lan ra diện rộng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên-Huế, hiện nay có khoảng 4.000 ha lúa đông-xuân bị vàng lùn và chết cháy, trong đó nặng nhất ở huyện Quảng Điền, Phong Điền. Hiện nông dân Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực cứu lúa bằng cách bơm nước, phun thuốc trừ sâu…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho biết, do thời tiết âm u, có sương mù khiến sâu bệnh phát triển mạnh, cộng với chuột phá hại làm khoảng 30% diện tích lúa đông-xuân đang đứng trước nguy cơ mất mùa, trong đó bệnh đạo ôn phát triển mạnh nhất ở hơn 277 ha. Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo nông dân giữ nước trong ruộng cao, diệt chuột bằng nhiều biện pháp, kết hợp dùng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn để phun, hạn chế sâu bệnh lây lan ra diện rộng.
Tại Đồng Nai, nắng nóng làm nhiều hồ chứa, đập dâng cạn kiệt không đủ tưới cho hàng nghìn ha lúa đông xuân, cây công nghiệp và cây ăn trái dẫn tới giảm năng suất. Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh khuyến cáo bà con nông dân tưới tiết kiệm, huy động máy bơm, bơm nước từ giếng đào tưới cho các vùng trồng lúa, hoa màu trong những tháng còn lại của mùa khô và hạn chế lấy nước tưới tràn. Đối với các diện tích cây công nghiệp và cây ăn trái nên sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 4.965 tàu cá, tổng công suất 375.711 CV, với các nghề chủ yếu là lưới vây, lưới kéo, câu mực và đánh bắt xa bờ. Sản lượng khai thác thủy hải sản 150.000 tấn các loại/năm. Tỉnh chỉ đạo cho ngành chức năng hướng dẫn ngư dân thực hiện khai báo nguồn gốc sản phẩm thủy sản đánh bắt trên ngư trường để tiêu thụ sản phẩm, khai thác đánh bắt đạt hiệu quả. Đồng thời quản lý, bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tốt hơn, kiểm soát được ngư trường, nâng cao tính chuyên nghiệp của ngư dân, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thủy hải sản biển, tạo điều kiện cho nghề cá phát triển.
Theo Nhandan