An toàn vệ sinh lao động tại các lò nung gạch thủ công cũ: BÁO ĐỘNG ĐỎ
16/03/2010 16:14
LSO-Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, nhu cầu tiêu thụ gạch ngói ngày càng nhiều, nghề làm gạch vì thế cũng phát triển. Vài chục thậm chí là hàng trăm lò nung gạch thủ công của tư nhân ở khu vực xã Hợp Thành (Cao Lộc) và ở một số nơi khác đang đua nhau hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh lao động ở những nơi này thực sự làm nhiều người quan ngại. Tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đã đến lúc phải “Báo động đỏ” cho vấn đề này. Trong chuyến công tác ở xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, đi qua khu Nà Nùng tôi không thể không rùng mình khi chứng kiến những lò gạch cũ cao lênh khênh, rạn nứt tứ bề có nguy cơ đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Vào bên trong các lò gạch để chụp ảnh, tôi càng “rợn tóc gáy” khi nhìn các vết rạn của lò, các vết rạn to cũng chỉ được trát lại bằng… đất. Thật không phải khi tôi chỉ nghĩ đến vấn đề mất an toàn lao động, nhưng quả thật một...
LSO-Tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, nhu cầu tiêu thụ gạch ngói ngày càng nhiều, nghề làm gạch vì thế cũng phát triển. Vài chục thậm chí là hàng trăm lò nung gạch thủ công của tư nhân ở khu vực xã Hợp Thành (Cao Lộc) và ở một số nơi khác đang đua nhau hoạt động. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh lao động ở những nơi này thực sự làm nhiều người quan ngại. Tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đã đến lúc phải “Báo động đỏ” cho vấn đề này.
Trong chuyến công tác ở xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc, đi qua khu Nà Nùng tôi không thể không rùng mình khi chứng kiến những lò gạch cũ cao lênh khênh, rạn nứt tứ bề có nguy cơ đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Vào bên trong các lò gạch để chụp ảnh, tôi càng “rợn tóc gáy” khi nhìn các vết rạn của lò, các vết rạn to cũng chỉ được trát lại bằng… đất. Thật không phải khi tôi chỉ nghĩ đến vấn đề mất an toàn lao động, nhưng quả thật một số lò nung gạch tại khu Nà Nùng (Hợp Thành) đã quá cũ và rất sập xệ, nguy cơ xảy tai nạn cho người lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo nhiều người làm thuê cho các chủ lò tâm sự rằng, làm việc ở đây rất sợ nhưng vì miếng cơm, manh áo nên buộc phải làm. Ở quê, do thời tiết hạn không cấy được nên phải ra đây làm thuê. Và do làm theo thời vụ nên những lao động này chẳng có hợp đồng lao động hay bất cứ văn bản cam kết nào, họ cũng không được trang bị thiết bị bảo hộ nào ngoài đôi găng tay.
![]() |
Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất gạch ở Công ty CP gạch ngói Hợp Thành – Mô hình cần nhân rộng. |
Tôi đưa thực trạng này nói với một người có hơn 30 năm trong nghề sản xuất gạch ngói, anh cho biết: quanh khu vực xã Hợp Thành, tính cả khối 8, khối 9 thị trấn Cao Lộc, hiện có trên 30 lò gạch thủ công đang hoạt động. Một số lò cũ đã có 10 – 15 năm tuổi đời, còn lại cũng “ngót nghét” 5 năm. Những lò gạch thủ công vốn đã được dựng không mang tính chất kiên cố, hầu hết các chủ lò sợ tốn kém nên không dùng gạch chịu nhiệt để xây, qua một thời gian dài phải chịu đựng ở nhiệt độ cao, các tường lò này sẽ yếu đi. Ngoài ra, không phải gạch chịu nhiệt nên khi ở nhiệt độ cao, tường lõ sẽ rạn nứt, điều này đặc biệt nguy hiểm khi đang nung, bởi áp suất được sinh ra từ nhiệt có thể “thổi” bung tường lò ra và nếu như vậy sẽ rất nguy hiểm…Nghe anh nói mà lo cho những người lao động thường xuyên ở các lò gạch thủ công kia. Họ thường xuyên phải làm việc xung quanh lò gạch, vậy là “tử thần” luôn rình rập họ.
Ngoài những nguy hiểm từ việc lò sập hay gạch từ trên cao rơi vào đầu…, điều kiện làm việc ở các lò gạch thủ công cũng không đảm bảo. Như đã nói ở trên, người lao động làm cho các lò gạch thủ công thường phải làm trong môi trường nung gạch rất bụi và độc hại nhưng một cái khẩu trang chủ lò cũng không cấp cho chứ chưa nói đến quần áo bảo hộ. Chứng kiến mọi người chuẩn bị nung một mẻ gạch mới, tôi thực sự quan ngại cho sức khỏe của người lao động, “tay trần chân đất” người nào người nấy cứ thế mà làm, người lo cho sức khoẻ của mình thì tự bỏ tiền túi ra mà mua khẩu trang. Những người lao động ở đây nói với tôi: “nhà báo thấy đấy, vì cuộc sống nên phải làm, chứ lao động trong các lò gạch thủ công là lao động trong môi trường không an toàn, môi trường nóng bức, khói bụi giăng đầy…”. Hơn thế, vấn đề đảm bảo môi trường ở các lò gạch thủ công cũng cần phải báo động. Các lò gạch thủ công nung sản phẩm phải mất từ 20 – 30 ngày mới cho ra đời một mẻ. Các chủ lò thường dùng than đá, củi và dầu thải để đốt, nung gạch. Các lò thủ công cũng không có ống khói hay hệ thống xử lý khói, vậy là tất cả các loại khí độc cứ tự do bay vào không khí. Người dân sinh sống quanh khu vực này đều kêu rất nhiều khi các lò gạch này hoạt động. Ông Nguyễn Đình Duyệt, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, khói, bụi từ sản xuất gạch nếu không được xử lý thì đây chính là tác nhân gây nên sự phá hoại môi trường, làm cho khí hậu nóng lên.
Thực trạng các lò gạch thủ công ở khu vực xã Hợp Thành hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán khó giải đối với các cơ quan chức năng. Hiện nay, với công suất khoảng 80 triệu viên/năm, khu vực này đã tạo công việc cho nhiều lao động, đặc biệt là một số lao động thời vụ ở những xã khó khăn. Được biết, vì yếu tố này mà chính quyền các cấp đã “nương tay” cho các lò gạch thủ công cũ trên. Nhưng thiết nghĩ, nếu các chủ lò vẫn cứ làm như hiện nay ai nói trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Lo việc làm cho ngươi lao động nhưng cũng cần đảm bảo sức khoẻ và tính mạng cho họ, đã đến lúc “báo động đỏ” về ATVSLĐ tại các lò gạch thủ công cũ.
Lưu Vũ