Thứ ba,  28/11/2023

Thành phố Lạng Sơn: Chủ động nắm bắt "cơ hội vàng"

LSO-Sở VH-TT&DL Lạng Sơn cho rằng, năm 2010 sẽ là “cơ hội vàng” của du lịch Việt Nam nói chung và của du lịch Lạng Sơn nói riêng. Nằm ở vị trí thông thương thuận lợi, có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng lại được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan, danh thắng kỳ thú, ngay từ thời điểm cuối năm 2009, thành phố Lạng Sơn đã chủ động nắm bắt cơ hội vàng này.Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2010, lượng khách du lịch đến thành phố Lạng Sơn đã tăng đột biến, nếu như vào thời điểm giữa năm, lượng khách du lịch đến thành phố là khoảng 45.000 lượt/tháng, thời điểm cận Tết con số này lên tới 60.000-70.000 lượt, chủ yếu là du lịch mua sắm và hành lễ. Gần một tháng nay, vào đúng dịp lễ hội, tại các chợ Đông Kinh, chợ Đêm Kỳ Lừa, TP Lạng Sơn, lượng khách đến tham quan mua sắm trở nên đông đúc nhộn nhịp hơn thường. Các danh lam, thắng cảnh, đặc biệt là các đền, chùa cũng đón nhận một số lượng lớn khách du lịch. Chùa Tam Thanh - điểm du...

LSO-Sở VH-TT&DL Lạng Sơn cho rằng, năm 2010 sẽ là “cơ hội vàng” của du lịch Việt Nam nói chung và của du lịch Lạng Sơn nói riêng. Nằm ở vị trí thông thương thuận lợi, có nhiều di tích lịch sử được xếp hạng lại được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan, danh thắng kỳ thú, ngay từ thời điểm cuối năm 2009, thành phố Lạng Sơn đã chủ động nắm bắt cơ hội vàng này.
Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2010, lượng khách du lịch đến thành phố Lạng Sơn đã tăng đột biến, nếu như vào thời điểm giữa năm, lượng khách du lịch đến thành phố là khoảng 45.000 lượt/tháng, thời điểm cận Tết con số này lên tới 60.000-70.000 lượt, chủ yếu là du lịch mua sắm và hành lễ. Gần một tháng nay, vào đúng dịp lễ hội, tại các chợ Đông Kinh, chợ Đêm Kỳ Lừa, TP Lạng Sơn, lượng khách đến tham quan mua sắm trở nên đông đúc nhộn nhịp hơn thường. Các danh lam, thắng cảnh, đặc biệt là các đền, chùa cũng đón nhận một số lượng lớn khách du lịch.
Chùa Tam Thanh – điểm du khách thường đến thăm quan.
Khác với nhiều địa phương trong cả nước, ở TP Lạng Sơn, mùa du lịch sôi động thường kéo dài từ tháng 10, 11 năm trước sang tháng 3, 4 năm sau. Theo số liệu của Phòng Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Lạng Sơn, thành phố hiện có 88 cơ sở lưu trú với trên 1.300 phòng nghỉ, trong đó có 7 khách sạn 2 sao, 4 khách sạn 1 sao cùng hơn 5.300 cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ. Mặc dù hiện nay, giao thông thuận tiện, du khách ở Hà Nội và các tỉnh lân cận có thể đi và về trong ngày nhưng cũng có một số lượng khá lớn khách lưu lại để có thêm thời gian mua sắm, tham quan. Ghi nhận tại một số khách sạn cho thấy, vào ngày cao điểm, công suất sử dụng phòng đạt tới 80%. Đó là những tín hiệu vui đầu năm của du lịch thành phố, lượng khách du lịch đến thành phố Lạng Sơn vừa qua đã mang lại hàng chục tỷ đồng về doanh thu xã hội. Tại các điểm mua sắm nổi tiếng của TP Lạng Sơn như chợ Đông Kinh vào những ngày cuối tuần, lượng khách tăng đột biến, bãi đỗ xe đông nghẹt khiến nhiều xe du lịch xếp hàng dài trên các tuyến đường Bà Triệu, Phai Vệ. Không chỉ mua sắm đơn thuần, thời điểm tháng Giêng – tháng lễ hội, đến TP Lạng Sơn, nhiều khách du lịch cũng kết hợp du ngoạn, tham quan các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh. Tại đền Kỳ Cùng, gần một tháng trở lại đây, lượng khách đến vãn cảnh, hành lễ đạt 200-300 lượt/ngày.

Tăng cường các sản phẩm địa phương để tạo bản sắc riêng của

Xứ Lạng.

Tỉnh Lạng Sơn chính thức khởi động mùa du lịch lễ hội Xuân Xứ Lạng từ ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Đối với thành phố Lạng Sơn, nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn, UBND thành phố đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón du khách, từ việc trang hoàng đường phố, đảm bảo an ninh trật tự, kiểm tra tình hình vệ sinh ATTP. Ngoài ra, các nhà hàng trên địa bàn nhân “cơ hội vàng” này đã thu hút du khách bằng những món ăn đặc trưng Xứ Lạng như: lợn quay, vịt quay, các loại rau… Lãnh đạo Phòng Văn hoá, Thể thao và Du lịch thành phố khẳng định: với những tiềm năng và thế mạnh về du lịch trên địa bàn, TP Lạng Sơn đã chú trọng đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, phố xá, chợ đêm… Ngoài ra, xác định năm 2010 là cơ hội vàng của du lịch, năm 2009 phòng đã cấp trên 1.000 sách hướng dẫn du lịch, trên 5.000 tờ rơi quảng bá về du lịch của TP Lạng Sơn để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về mảnh đất và con người Lạng Sơn.
Không chỉ cơ quan quản lý nhà nước có suy nghĩ như vậy, với các đơn vị kinh doanh du lịch thì năm 2010 cũng được họ coi là thời điểm tạo sức bật, tạo đà phát triển cho du lịch thành phố Lạng Sơn. Ngay từ giữa năm 2009, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ – du lịch đã xây dựng và chào bán các tour du lịch tìm hiểu các di tích gắn với lịch sử của Lạng Sơn. “Vàng nhưng không dễ cầm chắc trong tay…”, đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và du lịch Lạng Sơn đã nói vậy. Để nắm bắt được cơ hội vàng này thì ngành du lịch Lạng Sơn nói chung, du lịch thành phố nói riêng cần phải chuẩn bị sẵn các phương án như: chuẩn hóa các dịch vụ về du lịch (ăn, nghỉ, vui chơi), đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của địa phương để tạo nên một bản sắc riêng, từ đó sẽ tạo sức hút đối với du khách nơi khác. Hơn thế, đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và du lịch Lạng Sơn còn nhận định, nếu ngay từ thời điểm này các doanh nghiệp chưa đưa ra được những chính sách hợp lý thì thời cơ vàng này cũng sẽ trôi qua rất nhanh.
Với sự gia tăng khách đến tham quan, mua sắm và hành lễ vào dịp lễ hội, năm 2010, lượng khách du lịch đến TP Lạng Sơn dự kiến sẽ tăng khoảng 5 – 6% so với năm 2009. Đó cũng là động lực để thành phố tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến du lịch để thu hút đông đảo du khách xa gần đến với Lạng Sơn, và để đạt được mục tiêu này, thành phố Lạng Sơn cũng đang đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, tổ chức các sự kiện văn hóa, đẩy mạnh văn hóa ẩm thực, hình thành các tuyến du lịch trọn gói… Những tín hiệu mừng này hy vọng sẽ là bước khởi động cho một mùa du lịch vàng của thành phố Lạng Sơn.

Lưu Vũ