Chủ nhật,  03/12/2023

Nước sạch cho các cơ sở giáo dục: Thực trạng và giải pháp

LSO-Công trình nước sạch là một phần không thể thiếu của cơ sở GD, nhất là trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trong những năm qua, khi ngành GD Lạng Sơn đã cơ bản xóa xong phòng học ba ca, phòng học tạm, triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp học theo hướng đồng bộ hóa, hiện đại hóa, xây dựng trường học đạt chuẩn QG, thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng chứa nước sạch cho các nhà trường đã được quan tâm.Cách đây hơn 10 năm, Trường THPT Tràng Định xây bể chứa trên trần tầng 2 khu nhà hành chính và có công trình vệ sinh khép kín; song do không có hệ thống cung cấp nước sạch, nên nhà trường phải huy động học sinh xuống sông Bắc Khê gánh nước leo lên cầu thang và đổ vào bể. Những năm 2006-2007, nhà trường được tu sửa nâng cấp, tuy hệ thống nước sạch đã về đến nơi, nhưng khi được, khi không, phòng vệ sinh thiếu nước dội nên gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ từ khi công trình nước sạch trên địa bàn xã...

LSO-Công trình nước sạch là một phần không thể thiếu của cơ sở GD, nhất là trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Trong những năm qua, khi ngành GD Lạng Sơn đã cơ bản xóa xong phòng học ba ca, phòng học tạm, triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp học theo hướng đồng bộ hóa, hiện đại hóa, xây dựng trường học đạt chuẩn QG, thì việc xây dựng cơ sở hạ tầng chứa nước sạch cho các nhà trường đã được quan tâm.
Cách đây hơn 10 năm, Trường THPT Tràng Định xây bể chứa trên trần tầng 2 khu nhà hành chính và có công trình vệ sinh khép kín; song do không có hệ thống cung cấp nước sạch, nên nhà trường phải huy động học sinh xuống sông Bắc Khê gánh nước leo lên cầu thang và đổ vào bể. Những năm 2006-2007, nhà trường được tu sửa nâng cấp, tuy hệ thống nước sạch đã về đến nơi, nhưng khi được, khi không, phòng vệ sinh thiếu nước dội nên gây ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ từ khi công trình nước sạch trên địa bàn xã Chi Lăng đủ sức cung cấp nước cho thị trấn và các cơ quan huyện, thì nhà trường mới có đủ nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày.
Có lẽ hoàn chỉnh nhất vẫn là các công trình trường lớp học thuộc dự án Giáo dục tiểu học dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Theo thiết kế, những công trình này, ngoài việc xây lớp học, nhà ở cho giáo viên, trang bị các loại tủ sách, cung cấp học phẩm cho giáo viên và học sinh, kinh phí hỗ trợ điểm trường… việc xây dựng các công trình phụ, nhất là bể chứa nước, bếp ăn… là những yếu tố cơ bản thu hút học sinh đến trường, chống bỏ học. Hàng trăm phòng học tại các điểm trường thuộc các xã khó khăn của các huyện Tràng Định, Bình Gia, Đình Lập, Cao Lộc… đã đạt được các tiêu chí “phòng học thân thiện”.

Công trình nước sạch do Hội CTĐ Lạng Sơn xây tặng trường THCS Hồng Thái (Bình Gia)
Theo thống kê của ngành GD, đến nay 2/3 trong số 635 trường và 9 cơ sở GD MN tư thục cùng hàng ngàn điểm trường đã có bể chứa nước sạch. Trong đó, trên 1/2 đã được “nối mạng” với hệ thống cung cấp nước sạch trên địa bàn. Nhiều trường tại khu vực thành phố, thị trấn bằng công tác xã hội hóa, đã mua sắm bình lọc nước cung cấp nước tinh khiết cho học sinh và giáo viên, tránh tình trạng học sinh phải “cõng” thêm chai nước trong “ba lô sách vở” vốn đã quá nặng so với độ tuổi. Trong đợt kiên cố hóa trường lớp học và nhà ở công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012, tất cả các trường, điểm trường được xây dựng công trình nước sạch. Các trường mầm non đều thiết kế nơi rửa tay cho các cháu gần khu vệ sinh như trường MN Hoa Hồng, MN Yên Trạch… rất thuận tiện cho việc sử dụng và có tác dụng tốt trong việc giáo dục chuyên đề theo chương trình đổi mới GD mầm non. Đối với nhà ở công vụ giáo viên, do nhà nước chưa thể “bao cấp” trong đầu tư đường dẫn nước sạch, đội ngũ giáo viên đều có ý thức tự bỏ vốn dẫn nước về từng “hộ gia đình” như trường hợp ở xã Hòa Sơn (Hữu Lũng).
Tuy tỷ lệ hộ gia đình nông thôn ở tỉnh ta được dùng nước sạch đã đạt trên 70%, song chủ yếu là dùng nước tự chảy dẫn bằng ống nhựa hoặc máng truyền thống. Vì vậy, tại một số điểm trường, việc có nước sạch phụ thuộc hoàn toàn vào việc đấu nối nhờ dân. Ở nhiều điểm trường khu vực có núi đá như huyện Bắc Sơn, Văn Quan, Chi Lăng, việc cung cấp nước sạch cho giáo viên và học sinh về mùa khô vẫn đang là vấn đề rất nan giải.

Nước sạch là vấn đề hệ trọng, trong các dự án xây dựng (trừ một số dự án đồng bộ), việc tạo nguồn và xây dựng hệ thống nước sạch đều trong tình trạng thiếu vốn. Vì vậy sự cần thiết phải có vốn đối ứng của địa phương hoặc các trường phải huy động từ nguồn xã hội hóa. Đối với các trường lẻ, trường “nghèo” ở khu vực nông thôn, công tác xã hội hóa rất khó khăn. Ngay trường MN Yên Trạch (Cao Lộc), các cô giáo nhìn nguồn nước từ khu vực trại giam, muốn đấu nối để có nước ổn định nhưng không thể làm thế nào để có vốn. Vì riêng nguyên vật liệu cũng hết gần chục triệu đồng. Cũng đành dùng nước giếng khoan, lúc được lúc không. Và khi ấy, các công trình vệ sinh, các bồn rửa trông rất đẹp cũng chỉ là “đồ trang trí” mà thôi.

Minh Hồng