Cần phát hiện sớm bệnh lao để phòng tránh
24/03/2010 08:37
LSO-Lao là bệnh truyền nhiễn do vi trùng lao gây nên, một bệnh nhân lao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sau một năm sẽ lây nhiễm cho 10-15 người. Mặc dù đã có các loại thuốc chống lao đặc hiệu nhưng bệnh lao vẫn không giảm. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 12 trong 23 nước có tỷ lệ lưu hành bệnh lao cao nhất thế giới, hàng năm phát hiện thêm khoảng 154.000 người mắc bệnh lao, trong đó có 69.000 người lao phổi ho khạc ra vi trùng là nguồn lây bệnh cho cộng đồng.Nhằm giảm sự lây lan và giảm tỷ lệ tử vong do lao, tiến tới thanh toán bệnh lao, Chương trình chống lao Quốc gia đề ra 2 mục tiêu chính, đó là:-Phát hiện ít nhất 70% số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới.- Điều trị khỏi cho 85% số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới được phát hiện, bằng hóa trị ngắn ngày có kiểm soát “DOTS”.Bác sĩ đang tiêm phòng cho bệnh nhân Ảnh: Thanh ĐànĐể đạt được mục tiêu chương trình đề ra, hàng năm...
LSO-Lao là bệnh truyền nhiễn do vi trùng lao gây nên, một bệnh nhân lao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì sau một năm sẽ lây nhiễm cho 10-15 người. Mặc dù đã có các loại thuốc chống lao đặc hiệu nhưng bệnh lao vẫn không giảm.
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam đứng thứ 12 trong 23 nước có tỷ lệ lưu hành bệnh lao cao nhất thế giới, hàng năm phát hiện thêm khoảng 154.000 người mắc bệnh lao, trong đó có 69.000 người lao phổi ho khạc ra vi trùng là nguồn lây bệnh cho cộng đồng.
Nhằm giảm sự lây lan và giảm tỷ lệ tử vong do lao, tiến tới thanh toán bệnh lao, Chương trình chống lao Quốc gia đề ra 2 mục tiêu chính, đó là:
-Phát hiện ít nhất 70% số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới.
– Điều trị khỏi cho 85% số bệnh nhân lao phổi AFB (+) mới được phát hiện, bằng hóa trị ngắn ngày có kiểm soát “DOTS”.
![]() |
Bác sĩ đang tiêm phòng cho bệnh nhân Ảnh: Thanh Đàn |
Để đạt được mục tiêu chương trình đề ra, hàng năm Trung tâm phòng chống bệnh xã hội đã xây dựng kế hoạch hoạt động thực hiện dự án phòng chống bệnh lao, và giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp thực hiện. Theo thống kê từ năm 2005 đến nay, mỗi năm tỉnh Lạng Sơn khám và làm xét nghiệm đờm cho hơn 5.000 trường hợp bệnh nhân có biểu hiện mắc lao, phát hiện 700-800 bệnh nhân lao các thể, trong đó có 400-500 bệnh nhân lao phổi AFB dương tính mới, có vi trùng lao trong đờm. Trên 90% số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn trở về cộng đồng sinh sống lao động bình thường. Theo đánh giá của Chương trình chống lao quốc gia hàng năm tỉnh Lạng Sơn đều thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, về khám phát hiện và điều trị khỏi. Tuy nhiên bệnh lao tại Lạng Sơn vẫn chưa có chiều hướng giảm, vậy nguyên nhân tại sao? Qua kiểm tra đánh giá cho thấy:
– Thứ nhất: Do người bệnh đến khám phát hiện muộn, thường gặp ở những người bệnh vùng sâu, vùng xa do thiếu hiểu biết về bệnh lao, người bệnh có biểu hiện mắc lao lâu ngày nhưng chưa đi khám bệnh ngay, sau 4-6 tháng chậm chí 1 năm. Khi sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng bệnh nhân mới được gia đình đưa đến cơ sở y tế khám và điều trị, do phát hiện bệnh muộn, bệnh nhân bị nặng nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn, do đó bệnh nhân dễ bị tử vong trong khi điều trị. Mặt khác do không được phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh nhân này chính là nguồn lây bệnh cho cộng đồng.
Thứ hai: Do tình hình HIV gia tăng là nguyên nhân làm bệnh lao tăng lên, vì người nhiễm HIV bị suy giảm miễn dịch, rất dễ bị vi trùng lao xâm nhập gây lên bệnh lao. Trên thế giới đã tổng kết những người nhiễm HIV dễ bị mắc lao gấp 30-50 lần người bình thường, và 50% số bệnh nhân HIV bị tử vong là do mắc lao.
– Thứ ba: Do thời gian điều trị kéo dài, đối với trẻ em phải điều trị 6 tháng, người lớn điều trị 8 tháng thì mới khỏi bệnh. Người mắc bệnh lao đa số là người nghèo điều kiện kinh tế khó khăn, cho dù các thuốc chống lao được cấp miễn phí, nhưng trong quá trình điều trị, người bệnh cần tiền ăn, tiền đi lại khi nằm viện, thậm chí họ vẫn phải kiếm tiền để nuôi sống gia đình, vì vậy họ rất dễ bỏ dở điều trị, bệnh không khỏi vẫn là nguồn lây bệnh cho cộng đồng.
Để có thể khống chế đẩy lùi và tiến tới thanh toán bệnh lao, việc quan trọng là phải cắt được nguồn lây trong cộng đồng, đó là phát hiện sớm cho tất cả những bệnh nhân lao phổi và điều trị khỏi bệnh cho họ. Nhưng để làm tốt công tác này đòi hỏi ngoài sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế trong việc khám và phát hiện, điều trị khỏi cho người bệnh, còn cần sự tham gia vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người bệnh khi có biểu hiện mắc lao cần đến cơ sở y tế để khám phát hiện sớm bệnh lao, khi có các biểu hiện: Ho khạc đờm kéo dài trên 15 ngày có thể kèm theo sốt, gầy sút cân, mệt mỏi, ăn ngủ kém, đau tức ngực khó thở, ho ra máu… Nếu là bệnh nhân cần kiên trì điều trị và hợp tác với thầy thuốc, thực hiện: Dùng đúng loại thuốc, đúng liều, đều đặn, đủ thời gian, không uống rượu bia, không hút thuốc lá thuốc lào, tiến hành kiểm tra sức khỏe thường xuyên thì bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.
Từ thực tế cho thấy, nơi nào được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng sự tham gia vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể xã hội trong công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về bệnh lao, vận động những người có biểu hiện nghi mắc lao đi khám thì ở nơi đó bệnh nhân lao được phát hiện sớm, 100% được điều trị khỏi, không còn người chết vì bệnh lao.
Nhân Ngày chống lao thế giới 24/3, với khẩu hiệu “Chúng tôi đang thực hiện phòng chống lao, sao bạn lại không thể? Hãy tham gia cùng chúng tôi chống lại bệnh lao” với mong muốn vận động toàn xã hội tham gia vào công tác chống lao:
-Nếu là bệnh nhân đang điều trị thì hãy tuân thủ điều trị tốt để khỏi bệnh, nếu đã khỏi bệnh hãy tuyên truyền cho người xung quanh biết cách phòng bệnh, biết làm thế nào khi có triệu chứng nghi lao để được phát hiện sớm và điều trị khỏi.
– Nếu là cán bộ y tế: Phấn đấu khám phát hiện và điều trị khỏi cho bệnh nhân, đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đề ra.
-Các nhà giáo: Phổ biến kiến thức về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống bệnh lao cho học sinh thông qua các giờ học, tiết học.
– Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp: quan tâm chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn.
– Các ban, ngành đoàn thể, tổ chức xã hội: Tham gia truyền thông phòng, chống bệnh lao, trang bị kiến thức phòng chống lao cho các hội viên, đoàn viên, ủng hộ và hỗ trợ nguồn lực cho các hoạt động phòng, chống lao, bệnh nhân lao.
-Cộng đồng nhân dân: Mỗi người đều có trách nhiệm chia sẻ thông tin về bệnh lao và công tác phòng chống lao, đi khám phát hiện bệnh sớm và điều trị triệt để khi bị mắc lao, phòng bệnh cho chính mình là tham gia bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Phòng chống bệnh lao, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân chính là một trong những tiêu chí về phát triển kinh tế – xã hội quan trọng của lãnh đạo Đảng và chính quyền ở mỗi địa phương.
Hà Anh Phấn