Thứ ba,  28/11/2023

Văn Lãng nỗ lực phòng, chống bệnh lao

LSO-Trước đây người dân quan niệm rằng bệnh lao là một căn bệnh nan y nhưng với những tiến bộ của y học ngày nay thì bệnh lao không còn đáng sợ nữa vì nó có thể điều trị khỏi, tuy nhiên, do đây là căn bệnh có thể lây nhiễm nên ngày càng có nhiều người mắc bệnh. Trong những năm qua, công tác phòng, chống lao trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Văn Lãng nói riêng vẫn được duy trì bền vững. Song trên thực tế, kết quả đạt được cũng còn những hạn chế nhất định.Đối với huyện Văn Lãng, trong năm 2009 có 198 người khám và làm xét nghiệm đờm, chỉ đạt 76% so với chỉ tiêu giao. Nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết về bệnh lao của người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền, truyền thông chưa được sâu rộng và thường xuyên, kinh phí đầu tư cho hoạt động còn ít…Mặt khác, Văn Lãng là huyện miền núi, biên giới, địa hình cũng như giao thông đi lại tới các thôn bản còn gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng nhiều đến công tác. Điều trị...

LSO-Trước đây người dân quan niệm rằng bệnh lao là một căn bệnh nan y nhưng với những tiến bộ của y học ngày nay thì bệnh lao không còn đáng sợ nữa vì nó có thể điều trị khỏi, tuy nhiên, do đây là căn bệnh có thể lây nhiễm nên ngày càng có nhiều người mắc bệnh. Trong những năm qua, công tác phòng, chống lao trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, huyện Văn Lãng nói riêng vẫn được duy trì bền vững. Song trên thực tế, kết quả đạt được cũng còn những hạn chế nhất định.
Đối với huyện Văn Lãng, trong năm 2009 có 198 người khám và làm xét nghiệm đờm, chỉ đạt 76% so với chỉ tiêu giao. Nguyên nhân chủ yếu là do hiểu biết về bệnh lao của người dân còn hạn chế, công tác tuyên truyền, truyền thông chưa được sâu rộng và thường xuyên, kinh phí đầu tư cho hoạt động còn ít…Mặt khác, Văn Lãng là huyện miền núi, biên giới, địa hình cũng như giao thông đi lại tới các thôn bản còn gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng nhiều đến công tác.

Điều trị cho bệnh nhân lao ở Văn Lãng.
Trong công tác phát hiện và thu nhận điều trị bệnh nhân lao phổi AFB(+) mới, năm 2009, huyện phát hiện 28 bệnh nhân, nâng tổng số bệnh nhân được quản lý, theo dõi lên 49 người, trong đó điều trị khỏi 29 bệnh nhân. Trong quý I năm 2010, Đội Y tế Dự phòng, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành khám, xét nghiệm được 28 bệnh nhân, phát hiện 4 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 2 bệnh nhân AFB(+) mới. Đối với công tác khám, phát hiện chủ động lao trong nhóm người nhiễm HIV thì hiện nay huyện chưa thực hiện được, sự phối hợp giữa chương trình chống lao và HIV của huyện còn yếu. Trong năm 2009, trong số các bệnh nhân lao AFB(+) được quản lý thì toàn huyện mới có 2 bệnh nhân và đến quý I/2010 chỉ còn 1 bệnh nhân lao/HIV. So với các địa phương khác trong tỉnh thì đây là con số rất thấp trên tổng số các trường hợp nhiễm HIV trên địa bàn huyện, bởi vì huyện Văn Lãng cũng là một trong những “điểm nóng” về HIV/AIDS của tỉnh. Ông Đinh Quang Hưởng, Đội phó Đội Y tế Dự phòng, Trung tâm Y tế huyện cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là từ phía các đối tượng bị mắc HIV, do họ bi quan, ít quan tâm đến sức khỏe nên không thường xuyên đi khám bệnh. Mặt khác, phần lớn những người có HIV là người nghiện chích ma túy nên khi Đội y tế dự phòng của huyện tổ chức khám phát hiện chủ động thì những đối tượng này cũng thường lấy bệnh phẩm không đạt yêu cầu nên tỷ lệ tìm thấy vi khuẩn trong đờm còn thấp.
Hưởng ứng ngày thế giới phòng chống lao năm nay, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, truyền thông trực tiếp và theo cụm xã với nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức lồng ghép với một số chương trình khác như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt rét, phòng chống dịch bệnh, phòng chống HIV/AIDS…Đẩy mạnh và làm tốt công tác tư vấn về bệnh lao cho bệnh nhân và người thân của bệnh nhân. Phối hợp với trường học trên địa bàn huyện tổ chức truyền thông cho các em học sinh lớp 6 về bệnh lao và các biện pháp phòng chống bệnh lao trong cộng đồng… Đặc biệt là đối với các xã có điểm “nghi lao” lớn như Nam La, Thanh Long…Bởi vì trên thực tế nhiều năm qua, các xã có điểm “nghi lao” lớn lại không có hoặc có ít người tới Trung tâm y tế khám và làm xét nghiệm đờm cũng như điều trị tại tuyến huyện.
Từ thực tế trên có thể thấy rằng, công tác phòng chống lao ở tuyến huyện, nhất là một huyện miền núi vùng biên như Văn Lãng hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn. Muốn đạt được kết quả cao và thiết thực hơn nữa, các cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể của địa phương cần quan tâm đúng mức và tích cực hơn nữa. Đặc biệt, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, cần thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe, nhất là những trường hợp nghi nhiễm lao bởi bệnh lao không loại trừ ai cả. Đặc biệt đối với những người nhiễm HIV/AIDS càng cần phải chú ý tới các biểu hiện nghi lao và chủ động đến các cơ sở y tế khám, điều trị nhằm giảm nguy cơ lây lan cho gia đình và cộng đồng… Thực hiện chỉ tiêu năm 2010, Chương trình Phòng chống lao quốc gia giao cho huyện Văn Lãng khám, xét nghiệm 370 bệnh nhân và điều trị 37 bệnh nhân. Tin rằng, với những nỗ lực đó, công tác phòng chống lao của huyện Văn Lãng sẽ đạt được bước tiến mới, hoàn thành các chỉ tiêu của chương trình Phòng chống lao quốc gia đề ra.

Thanh Huyền