Thứ ba,  28/11/2023

Người giữ hồn cho núi

LSO-Ông Triệu Sáng Vảng năm nay không còn trẻ nữa, tuổi ông còn nhiều hơn tuổi của những cây to mọc bên sườn núi bản người Dao Công Sơn. Nhưng mỗi khi những làn gió mùa xuân thổi về, cái tình người Dao bỗng trỗi dậy trong tiếng kèn Pí Lè đặc trưng của vùng núi cao Công Sơn. Sợ tiếng kèn mai một, dù đã về hưu, nhưng ông vẫn quyết tâm lưu giữ “cái hồn của núi” bằng cách dạy các cháu nhỏ.Kèn Pí Lè – đặc trưng Công SơnỞ tuổi 63, ông Triệu Sáng Vảng (thôn Cốc Tranh, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc) đã có cả một thời cống hiến cho nền giáo dục của địa phương. Ấy vậy mà sau khi được Nhà nước cho nghỉ ngơi, ông vẫn dành thời gian cho việc xã, việc trường. Lần đầu tiên tôi gặp ông ở nhà của đồng chí Triệu Sáng Suẩn, Bí thư Đảng ủy xã Công Sơn, và đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng kèn Pí Lè đặc trưng của núi rừng. Lần thứ 2, gặp lại ông là ở tại trường PTCS Công Sơn, tới trường vui với các...

LSO-Ông Triệu Sáng Vảng năm nay không còn trẻ nữa, tuổi ông còn nhiều hơn tuổi của những cây to mọc bên sườn núi bản người Dao Công Sơn. Nhưng mỗi khi những làn gió mùa xuân thổi về, cái tình người Dao bỗng trỗi dậy trong tiếng kèn Pí Lè đặc trưng của vùng núi cao Công Sơn. Sợ tiếng kèn mai một, dù đã về hưu, nhưng ông vẫn quyết tâm lưu giữ “cái hồn của núi” bằng cách dạy các cháu nhỏ.
Kèn Pí Lè – đặc trưng Công Sơn
Ở tuổi 63, ông Triệu Sáng Vảng (thôn Cốc Tranh, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc) đã có cả một thời cống hiến cho nền giáo dục của địa phương. Ấy vậy mà sau khi được Nhà nước cho nghỉ ngơi, ông vẫn dành thời gian cho việc xã, việc trường.
Lần đầu tiên tôi gặp ông ở nhà của đồng chí Triệu Sáng Suẩn, Bí thư Đảng ủy xã Công Sơn, và đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng kèn Pí Lè đặc trưng của núi rừng. Lần thứ 2, gặp lại ông là ở tại trường PTCS Công Sơn, tới trường vui với các cháu học sinh, nhưng bên cạnh ông lúc nào cũng là cây kèn Pí Lè quen thuộc. Ông tâm sự rằng, nếu như nghề giáo đến với ông qua rất nhiều khó khăn, vất vả lặn lội từ rẻo cao đi tìm con chữ về “gieo” trong dân bản thì cây kèn Pí Lè lại đến với ông như định mệnh, như cái duyên tình. Khi lần hỏi về “mối tình” của ông với cây kèn Pí Lè, ông kể: Bản người Dao nơi đây từ xưa đã có tục lao động giúp nhau và giao lưu với nhau trong lao động bằng tiếng hát, tiếng kèn. Cùng đó, các đôi trai gái trên vùng vúi cao này thường qua tiếng kèn mà tìm đến nhau. Tiếng kèn, tiếng hát những người con trai, con gái Dao hoà quyện vào nhau trong sự hăng say của những ngày phát nương làm rẫy, những thời điểm rộ mùa, đi bẻ bắp ngô… Ông Triệu Sáng Vảng vẫn còn nhớ những đám cưới của người Dao trong bản khi xưa có khi kéo dài tới 7 ngày đêm vì thanh niên mê hát và cũng mê đắm trong tiếng kèn réo rắt mà không nỡ “giã bạn” ra về.
Ông Triệu Sáng Vảng vẫn cố gắng truyền nghề cho các cháu.
Trò chuyện với tôi, ông lão cựu hiệu trưởng trường PTCS Công Sơn rất hay cười, ông bảo, “Khi còn công tác, nói cho học sinh nghe cái lòng người thầy để các cháu học chăm ngoan hơn, đến giờ về hưu tôi lại muốn mang tiếng kèn đặc trưng này truyền lại cho các cháu, hy vọng các cháu sẽ tiếp tục lưu giữ cái hồn của núi rừng nơi đây”. Nói điều này tôi thấy mắt ông đượm buồn, tìm hiểu kỹ thì được biết, hiện nay trên vùng núi Công Sơn này còn rất ít người biết thổi kèn Pí Lè. Pí Lè là nhạc cụ thuộc họ hơi, chi dǎm kép. Người ta thổi Pí Lè bằng cách ngậm gần hết phần dǎm, rồi lấy hơi đằng mũi, đẩy hơi ra miệng tác động vào dǎm kèn. Đồng bào Dao ở Công Sơn thường thổi kèn vào dịp lễ, ma chay, cưới hỏi, khách quý tới chơi nhà… Nói thì vậy nhưng để thổi được kèn Pí Lè thì không đơn giản chút nào. Ngoài việc là người có sức khỏe, dài hơi, và phải bắt đầu học từ bé mới có thể biết thổi đủ mọi bài như: chúc sinh nhật, vào nhà mới, chúc hạnh phúc… Cựu hiệu trưởng Triệu Sáng Vảng tâm sự, cái khó nhất của thổi kèn Pí Lè là giữ được hơi và nhịp để bài kèn được liền mạch, nhất là khi thổi trong đám cưới đám hỏi nếu không giữ được hơi thì rất khó đuổi theo nhịp của của kèn khác.
Đau đáu khát vọng “truyền nghề”
Đã xa công tác giảng dạy, nên ông Triệu Sáng Vảng có nhiều thời gian dành cho cây kèn Pí Lè hơn. Mỗi khi tiếng kèn vang lên, người nghe như có thể tưởng tượng mình đang đứng trên một triền núi cao mênh mang gió để tận hưởng không khí trong lành của vùng núi. Giai điệu ấy vang lên dìu dặt, ngân nga, náo nức… có thể khiến ngẩn ngơ cả lòng người khi đã rời bản cao về phố.
Yêu tiếng kèn và gắn bó với con trẻ, nghệ nhân Triệu Sáng Vảng luôn nghĩ tới một ngày, khi ông và những người nghệ nhân cuối cùng trong vùng sẽ ra đi cùng niềm đam mê tiếng kèn một đời, liệu lớp trẻ ai sẽ là người tiếp nối giữ gìn nét truyền thống ấy? Đau đáu với nỗi truyền lại kỹ năng, nét văn hoá người Dao, nghệ nhân Vảng cũng trăn trở khi nhận định rằng thế hệ trẻ ngày nay không còn nhiều người nhiệt tâm với cây kèn Pí Lè. Trong những đám cưới ngày nay, chỉ có những người tuổi đã cao trong vùng mới có thể thổi kèn Pí Lè (được biết hiện chỉ còn khoảng 10 người trong vùng biết thổi kèn Pí Lè). Giờ đây, người Dao vùng Công Sơn đã không còn giữ tục sơn đầu nữa, cuộc sống hiện đại từng bước đi vào mỗi gia đình. Những đường dây đèn điện kéo dài từ dưới xuôi về, đêm đến, những ánh điện lưng chừng núi, ấm áp bản làng – đó là sự tiến bộ, sự phát triển của Công Sơn, nhưng sự hiện đại như: tiếng nhạc trẻ, nhạc vàng… vang lên đang dần át đi sự réo rắt của tiếng kèn Pí Lè đặc trưng.
Cây kèn Pí Lè từ lâu là cây cầu nối nghĩa tình những người yêu bản sắc dân tộc Dao. Vì điều này mà ông Triệu Sáng Vảng đang quyết tâm giữ lại được truyền thống của dân bản mình khi mà cuộc sống hiện đại đang dần len lỏi vào nhịp sống nơi núi cao này.

Lưu Vũ