Vấn đề bảo tồn DSVH với sự hưởng ứng của tuổi trẻ
25/03/2010 10:41
LSO-Bảo tồn và phát huy vốn DSVH của quê hương, đất nước, dân tộc là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng các các cấp, ngành chức năng, mà phải là sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, tuổi trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước, nếu biết khơi dậy và huy động đúng mức, chúng ta sẽ có được những hiệu ứng tích cực…Song, vấn đề đặt ra là, cần làm gì để có nhiều bạn trẻ yêu thích văn hoá (VH) truyền thống, tích cực tham gia hưởng ứng công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các DSVH một cách thiết thực nhất vẫn đã, đang là trăn trở đáng quan tâm. Một điều tất yếu rằng, để tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy DSVH đạt được hiệu quả thì trước hết chúng ta phải có kiến thức, sự hiểu biết về nó. Và, từ sự hiểu biết, hiểu rõ ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của VH truyền thống trong từng di sản sẽ thôi thúc mỗi người hơn trong việc tham gia bảo vệ. Tất nhiên, việc nâng cao sự hiểu biết phải...
LSO-Bảo tồn và phát huy vốn DSVH của quê hương, đất nước, dân tộc là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của riêng các các cấp, ngành chức năng, mà phải là sự cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, tuổi trẻ – những chủ nhân tương lai của đất nước, nếu biết khơi dậy và huy động đúng mức, chúng ta sẽ có được những hiệu ứng tích cực…
Song, vấn đề đặt ra là, cần làm gì để có nhiều bạn trẻ yêu thích văn hoá (VH) truyền thống, tích cực tham gia hưởng ứng công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy các DSVH một cách thiết thực nhất vẫn đã, đang là trăn trở đáng quan tâm.
Một điều tất yếu rằng, để tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy DSVH đạt được hiệu quả thì trước hết chúng ta phải có kiến thức, sự hiểu biết về nó. Và, từ sự hiểu biết, hiểu rõ ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của VH truyền thống trong từng di sản sẽ thôi thúc mỗi người hơn trong việc tham gia bảo vệ. Tất nhiên, việc nâng cao sự hiểu biết phải bắt đầu từ học tập, nghiên cứu, nắm bắt thông tin thông qua báo chí, sách vở và công tác tuyên truyền, trên cơ sở phát huy tinh thần tự giác của mỗi người.
Đối với Lạng Sơn, để nắm bắt được tổng thể các mặt như: chính trị, kinh tế, VH, xã hội, lịch sử phát triển thì chỉ cần đọc qua cuốn “Địa chí Lạng Sơn” xuất bản năm 1999 là mỗi người cũng đã có được những thông tin cần thiết. Đặc biệt, hiện nay, khi việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở nên phổ biến, chỉ cần bớt chút thời gian truy cập vào những trang Web của tỉnh Lạng Sơn thì cũng có được những thông tin hữu ích. Trong đó, hình ảnh về các DSVH của Xứ Lạng còn được các trang Web đưa lên trước nhất để tạo ra sự thu hút, ấn tượng. Thêm nữa, vào các ngày lễ, kỷ niệm lớn, tại Bảo tàng tỉnh cũng thường tổ chức triển lãm hình ảnh, tư liệu, hiện vật… rất hấp dẫn. Có thể nói, đây là những điều kiện thuận lợi để mọi người tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các nét đẹp, vốn DSVH của quê hương.
![]() |
Học sinh tham quan hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. |
Từ những điều kiện sẵn có và ý nghĩa sâu sắc của việc mọi người, nhất là tuổi trẻ quan tâm nghiên cứu, tìm hiều về các DSVH của quê hương, dân tộc để có những hành động thiết thực đối với vấn đề bảo tồn và phát huy DSVH, thiết nghĩ, chúng ta cần có một số biện pháp cụ thể hơn trong công tác này. Đơn cử như, trong hệ thống giáo dục, cần nghiên cứu đưa nội dung môn học “Dư địa chí” vào chương trình giảng dạy để học sinh (HS) trước hết phải hiểu được lịch sử, VH của quê hương, bản quán nơi mình sinh sống. Thứ nữa là, trong các giờ học ngoại khóa nên bố trí thời gian cho HS tham quan các chương trình triển lãm, các di tích, danh thắng trên địa bàn. Tất nhiên, sau mỗi buổi đi thực tế tham quan đó, HS phải có bài thu hoạch, cảm nhận về chuyến đi và trong những đợt làm báo tường chào mừng của các chi đoàn, chi đội sẽ nghiên cứu những bài viết hay, tâm đắc để đưa vào trình bày. Cùng với đó, các nhà trường, Đoàn thanh niên cũng cần có những cách thức để động viên, khích lệ những HS có bài viết thu hoạch, cảm nhận hay… Còn đối với phong trào tình nguyện của tuổi trẻ, cần tăng cường những hoạt động như: chăm sóc cây xanh, thu dọn vệ sinh môi trường của các di tích, danh thắng, khuôn viên tượng đài; tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ DSVH nói chung… Đặc biệt, trong những ngày truyền thống như: Ngày 19/4 – Ngày VH các dân tộc Việt Nam, 9/7 – Ngày Du lịch Việt Nam, 23/11 – Ngày DSVH Việt Nam… cơ quan chức năng cần có những cách thức tuyên truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về tiềm năng, vị trí, vai trò, ý nghĩa của DSVH trong phát triển kinh tế – xã hội, phát triển du lịch, VH, nhất là qua DSVH sẽ góp phần thiết thực vào giáo dục truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ trẻ. Cụ thể tiêu biểu như, việc trưng bày bộ ảnh về lễ hội, di tích, danh thắng Lạng Sơn tại một số lễ hội Xuân Xứ Lạng 2010 vừa qua là một cách làm hay…
Tin tưởng rằng, với sự tham gia, cộng đồng trách nhiệm của toàn thể xã hội, đặc biệt là sự hưởng ứng của tuổi trẻ thì những DSVH của chúng ta sẽ trường tồn với thời gian.
Hoàng Thịnh