Để trẻ không có thói quen hút thuốc lá
15/04/2010 08:56
LSO-Hút thuốc lá về lâu dài không những ảnh hưởng rất lớn đến hình thức bề ngoài mà còn gây nhiều tác hại đối với sức khỏe. Vì vậy, làm thế nào để con cái nhận thức được tác hại của thuốc lá cũng như không hút thuốc lá ngay từ khi còn ở lứa tuổi thiếu niên là trách nhiệm của những người làm bố, làm mẹ.Hiện nay, không ít hiện tượng nhiều em nhỏ đang ở lứa tuổi học sinh hút thuốc lá rất “sành”. Có những em mới ở độ tuổi 15 nhưng đã hút thuốc được 3, thậm chí 4 năm. Phải nói rằng, trẻ thường bắt đầu hút thuốc lá do tò mò. Bởi lứa tuổi của các em rất ưa khám phá, luôn muốn tìm kiếm sự mới mẻ. Chính điều đó khiến các em ban đầu thử hút thuốc và cho rằng nếu bị gia đình cấm sẽ bỏ. Song quan điểm đó thường trái ngược với hành vi mà các em mắc phải, vì một khi đã thử hút, chất nicotin có trong thuốc lá sẽ làm các em nghiện và rất khó bỏ thuốc rồi dẫn đến tình trạng nếu bị...
LSO-Hút thuốc lá về lâu dài không những ảnh hưởng rất lớn đến hình thức bề ngoài mà còn gây nhiều tác hại đối với sức khỏe. Vì vậy, làm thế nào để con cái nhận thức được tác hại của thuốc lá cũng như không hút thuốc lá ngay từ khi còn ở lứa tuổi thiếu niên là trách nhiệm của những người làm bố, làm mẹ.
Hiện nay, không ít hiện tượng nhiều em nhỏ đang ở lứa tuổi học sinh hút thuốc lá rất “sành”. Có những em mới ở độ tuổi 15 nhưng đã hút thuốc được 3, thậm chí 4 năm. Phải nói rằng, trẻ thường bắt đầu hút thuốc lá do tò mò. Bởi lứa tuổi của các em rất ưa khám phá, luôn muốn tìm kiếm sự mới mẻ. Chính điều đó khiến các em ban đầu thử hút thuốc và cho rằng nếu bị gia đình cấm sẽ bỏ. Song quan điểm đó thường trái ngược với hành vi mà các em mắc phải, vì một khi đã thử hút, chất nicotin có trong thuốc lá sẽ làm các em nghiện và rất khó bỏ thuốc rồi dẫn đến tình trạng nếu bị cấm sẽ lén lút hút. Còn rất nhiều lý do nữa khiến trẻ bắt đầu hút thuốc như: do đua đòi bạn bè, thích thể hiện là người lớn để tạo cảm giác mình là người trưởng thành, có khả năng độc lập, hoặc đơn giản chỉ là bắt chước một ai đó do muốn mình cũng là một người đàn ông đích thực, người đàn ông lạnh lùng… Đó là những nguyên nhân chủ quan, còn nguyên nhân “khách quan” tác động rất lớn đến việc hình thành thói quen hút thuốc ở trẻ chính là việc bố, mẹ cũng hút thuốc. Trẻ đang trong độ tuổi phát triển nên chưa thể hình thành thói quen, phân biệt được việc nào nên, không nên, vì thế rất dễ “nối nghiệp” hút thuốc của những người thân trong gia đình nếu không được quan tâm đúng mức. Hỏi về điều này, chị Duyên ở phường Chi Lăng cho biết, nhà tôi có 2 con trai đều đang tuổi ăn, tuổi lớn. Gia đình không cho các cháu hút thuốc vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của cháu. Cả nhà đưa ra nội quy chung và buộc mọi người phải thực hiện không hút thuốc ở mọi nơi, mọi lúc và người đầu tiên phải “chấp hành” là bố của các cháu. Chúng tôi cũng được biết nhiều câu chuyện người thật việc thật về việc bố “cai” thuốc lá để làm gương cho các con và việc làm này đã mang lại hiệu quả rất tích cực.
Câu hỏi đặt ra là “bố, mẹ phải làm gì để con cái không hình thành thói quen hút thuốc lá ngay ở lứa tuổi vị thành niên?” Nếu các em chưa hút thuốc, bố mẹ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để con cái hiểu đúng, hiểu hết tác hại của thuốc lá gây ra với con người. Bên cạnh đó, phải thể hiện thái độ kiên quyết nhưng cởi mở để các em có cảm giác sẽ bị phạt nặng nếu thử hút thuốc, đồng thời cũng trao đổi thẳng thắn với con cái cách đối phó với những tình huống khi bị bạn bè xúi giục, kích động hút thuốc. Ngoài ra, việc hướng cho con cái tham gia vào các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, tạo dựng hứng thú trong việc học tập, tích cực tham gia tuyên truyền chống hút thuốc lá ở địa phương, nhà trường, ủng hộ việc không hút thuốc lá nơi công cộng… sẽ dần hình thành ý thức tránh xa thuốc lá ở lứa tuổi học đường. Nhưng nếu trẻ đã hút thuốc thì việc bắt trẻ bỏ thuốc sẽ là việc làm rất khó đối với bố mẹ cũng như chính trẻ hút thuốc. Chị Trường ở phường Tam Thanh bức xúc: “nhiều lần thấy con phì phèo điếu thuốc lá, tôi đã nghiêm khắc cấm con không hút thuốc, nhưng nghe hàng xóm rồi bạn bè mách những khi không ở nhà các cháu vẫn thản nhiên hút thuốc. Nói nhiều, cấm nhiều đôi khi lại có tác dụng ngược lại“. Để tránh xảy ra hiện tượng các em bỏ thuốc lá “đối phó”, trước hết phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thời gian con mình hút thuốc, không nên đánh đập, “lên lớp” con cái vì rất dễ phản tác dụng. Thay vào đó, cần đưa ra kế hoạch cụ thể, động viên kịp thời để giúp con bỏ thuốc; tiếp tục giải thích một cách nhẹ nhàng, hợp lý cho trẻ hiểu những tác hại khôn lường khi sử dụng thuốc lá lâu dài…
Kết thúc bài viết này, mong muốn các bậc phụ huynh đã và sẽ là những tấm gương sáng để con cái học tập trong việc ngăn chặn tác hại của thuốc lá. Tuổi trẻ học đường sẽ là thế hệ trẻ hiểu biết để tạo dựng nền văn minh không khói thuốc làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thanh Hòa