Tình trạng thiếu điện có lặp lại?
15/04/2010 14:13
Thiếu điện, cắt điện luân phiên mỗi khi mùa khô đến đã ảnh hưởng không nhỏ đời sống, sinh hoạt của người dân và tác động lớn đến sản xuất, phát triển của các doanh nghiệp.Theo dự báo, từ tháng 3 trở đi sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt ở miền bắc, miền nam và các tỉnh miền trung cũng ở nền nhiệt độ cao. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện dự kiến ở mức rất cao, sản lượng điện tiêu thụ trung bình ngày ở mức 260 đến 265 triệu kWh, ngày cao nhất có thể hơn 277 triệu kWh. Trong ba tháng đầu năm nay, nhu cầu điện tăng hơn 23%. Đặc biệt ở một số nơi, điện cho sản xuất tăng cao, như khu vực miền bắc tăng khoảng 40%, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam tăng hơn 32%, miền trung tăng khoảng 47%. Với Hà Nội, mức tăng trưởng điện cho sản xuất có thể lên tới 71%.Thực tế, ngay từ tháng 3 đã xảy ra tình trạng căng thẳng về nguồn điện do phụ tải tăng cao và nguồn cung không đủ đáp ứng (mặc dù hiện...
Thiếu điện, cắt điện luân phiên mỗi khi mùa khô đến đã ảnh hưởng không nhỏ đời sống, sinh hoạt của người dân và tác động lớn đến sản xuất, phát triển của các doanh nghiệp.
Theo dự báo, từ tháng 3 trở đi sẽ xuất hiện các đợt nắng nóng gay gắt ở miền bắc, miền nam và các tỉnh miền trung cũng ở nền nhiệt độ cao. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện dự kiến ở mức rất cao, sản lượng điện tiêu thụ trung bình ngày ở mức 260 đến 265 triệu kWh, ngày cao nhất có thể hơn 277 triệu kWh. Trong ba tháng đầu năm nay, nhu cầu điện tăng hơn 23%. Đặc biệt ở một số nơi, điện cho sản xuất tăng cao, như khu vực miền bắc tăng khoảng 40%, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam tăng hơn 32%, miền trung tăng khoảng 47%. Với Hà Nội, mức tăng trưởng điện cho sản xuất có thể lên tới 71%.
Thực tế, ngay từ tháng 3 đã xảy ra tình trạng căng thẳng về nguồn điện do phụ tải tăng cao và nguồn cung không đủ đáp ứng (mặc dù hiện nay, tất cả các nguồn khác ngoài thủy điện như nhiệt điện chạy than, nhiệt điện chạy khí đã được sử dụng hết công suất). Hiện thủy điện chiếm từ 40 đến 60% nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia, song nguồn cung cơ bản này đang thiếu hụt nghiêm trọng.
Việc nhập khẩu điện hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn do Trung Quốc đang hạn hán nặng. Hiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ có thể nhập khẩu được khoảng 50% lượng điện từ Trung Quốc theo hợp đồng đã ký kết. Trong khi đó, từ ngày 1-3 đến 12-3, Công ty Lưới điện Vân Nam – Trung Quốc ngừng cấp điện cả hai đường dây 220kV Tân Kiều – Lào Cai và 110kV Lào Cai – Hà Khẩu để sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ, nên sản lượng điện mua của Trung Quốc qua Lào Cai bị cắt hoàn toàn (giảm khoảng 10 triệu kWh/ngày). Dự báo tình hình cung cấp điện trong thời gian tới sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là mấy năm nay, nhiều các nhà máy của cả EVN lẫn các nhà đầu tư khác vẫn bị chậm tiến độ từ 1 đến 3 năm. Nếu các nhà máy này chậm, hệ thống điện miền bắc sẽ thiếu khoảng 1.200 MW. Điều đó cũng có nghĩa nguy cơ tái diễn cảnh thiếu điện đến mức phải cắt luân phiên như trong các năm 2007 và 2008 rất có thể xảy ra.
Đã có nhiều giải pháp để ứng phó với tình trạng thiếu năng lượng, như cắt giảm và tiết kiệm tiêu thụ năng lượng. Đặc biệt là đối với Việt Nam, trong điều kiện thiếu điện hiện nay, phải nghĩ tới sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng của mình. Việc tiết kiệm năng lượng có thể thực hiện trong tất cả các lĩnh vực hoạt động phát triển, từ quy mô công nghiệp đến gia đình. Trước mắt, sự tham gia tích cực của mỗi cá nhân, gia đình, doanh nghiệp… vẫn là hiệu quả nhất. Hiệu quả năng lượng rất lớn nếu như trong đời sống hằng ngày, mỗi người, chỉ cần một vài hành động tiết kiệm nhỏ nhưng sẽ mang lại hiệu quả cho đất nước. Chẳng hạn như hạ thấp một chút chiếu sáng trong ngôi nhà của mình, giảm bớt đi một phần các chất thải tiêu dùng hằng ngày và lựa chọn cho mình những tiện nghi ít tiêu tốn năng lượng hơn, như thế cũng đã giảm bớt khó khăn về tình trạng thiếu điện được báo trước vào mùa khô năm 2010.
Cùng với các giải pháp khai thác nguồn điện tối đa từ tất cả các nhà máy điện, than, dầu, tua-bin khí…, EVN cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện khai thác các hồ triệt để tiết kiệm nhằm giữ mực nước hồ cao nhất có thể để phục vụ chống hạn và sản xuất nông nghiệp ở hạ du, chuẩn bị cho cuối mùa khô; đồng thời cần phải có phương án, kế hoạch điều tiết truyền tải điện từ miền nam ra miền bắc qua đường dây 500kV. Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này chỉ là tình thế, do đó để khắc phục được việc thiếu điện trong dài hạn và tình trạng cắt điện luân phiên mỗi khi mùa khô đến, ngành điện cần giải quyết ngay, đó là giảm thấp nhất lượng điện tổn thất trên đường truyền tải cũng như tiêu dùng và đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện theo chiến lược phát triển nguồn điện đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo Nhandan