Giỗ tổ Hùng Vương – thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta
20/04/2010 08:39
Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.LSO-Giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa hết sức sâu sắc và cao quý hơn ý nghĩa của một đạo lý, đó là ý thức, là tình cảm của mỗi người dân Việt Nam về cội nguồn dân tộc, là ý thức “trăm con một bọc - ý thức đồng bào”. Đây chính là biểu hiện tập trung nhất, cao đẹp nhất của tinh thần đoàn kết, tình cảm gắn bó của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc chí Nam, đồng bào trong nước và đồng bào xa Tổ quốc, đều là con Lạc cháu Hồng, đều là con một nhà.Chính ý thức đó, tình cảm đó đã hun đúc nên tâm hồn Việt Nam, tôi luyện nên bản lĩnh văn hóa Việt Nam, thôi thúc mỗi người dân Việt Nam chung lưng đấu cật, sát cánh trong cuộc chế ngự thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm.Thăm đền Hùng, Hồ Chủ tịch nói với các chiến sĩ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu...
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.
LSO-Giỗ tổ Hùng Vương có ý nghĩa hết sức sâu sắc và cao quý hơn ý nghĩa của một đạo lý, đó là ý thức, là tình cảm của mỗi người dân Việt Nam về cội nguồn dân tộc, là ý thức “trăm con một bọc – ý thức đồng bào”.
Đây chính là biểu hiện tập trung nhất, cao đẹp nhất của tinh thần đoàn kết, tình cảm gắn bó của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Dù người Kinh hay người dân tộc thiểu số, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc chí Nam, đồng bào trong nước và đồng bào xa Tổ quốc, đều là con Lạc cháu Hồng, đều là con một nhà.
Chính ý thức đó, tình cảm đó đã hun đúc nên tâm hồn Việt Nam, tôi luyện nên bản lĩnh văn hóa Việt Nam, thôi thúc mỗi người dân Việt Nam chung lưng đấu cật, sát cánh trong cuộc chế ngự thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm.
![]() |
Thăm đền Hùng, Hồ Chủ tịch nói với các chiến sĩ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ lấy nước” – Ảnh: Tư liệu
|
Về khía cạnh văn hóa, giỗ tổ Hùng Vương thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn công lao tổ tiên với tư cách là đạo lý gốc của dân tộc Việt Nam. Đạo lý đó được tiếp nối khơi sâu thêm ở thời đại Hồ Chí Minh với việc năm 1946, lễ Giỗ Tổ đầu tiên dưới chính quyền cách mạng, Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ về dâng hương tại Đền Hùng, dâng lên bàn thờ Tổ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm báu. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trước khi về Hà Nội, tại Đền Hùng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có câu nói nổi tiếng với Đại đoàn quân Tiên Phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Về mặt lịch sử, giỗ Tổ Hùng Vương là sự khẳng định về Nhà nước Việt Nam là đất nước có hàng ngàn năm lịch sử. Thời đại Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang là một thời kỳ lịch sử có thực trong lịch sử nước ta. Một lịch sử mà sự khắc nghiệt thời gian và sự tàn khốc dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm Bắc thuộc cũng không thể xóa nhòa. Gắn liền với truyền thống về Cha Rồng – Mẹ Tiên và bọc trăm trứng, về Sơn Tinh- Thủy Tinh, về Thánh Gióng… lịch sử thời đại Vua Hùng là lịch sử dân tộc ta dựng nước và giữ nước, gian khổ trường kỳ đấu tranh chế ngự thiên nhiên và chống họa xâm lăng.
Giỗ tổ Hùng Vương là hành trình tìm về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, với ý chí và khát vọng độc lập, tự do, tự chủ, tự cường. Giỗ Tổ Hùng Vương góp phần bồi đắp thêm và làm sáng người chân lý: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn.
Hoàng Quang Hiểu