Chủ nhật,  03/12/2023

Tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế

Sau sáu tháng triển khai chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) mới (từ ngày 1-10-2009) đến nay đã bộc lộ một số vướng mắc. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ý kiến với BS TỐNG THỊ SONG HƯƠNG, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) về hướng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được sau sáu tháng thực hiện chính sách BHYT mới theo quy định của Luật BHYT?BS Tống Thị Song Hương (BS T.T.S.H): Đến nay, hầu hết các địa phương đều thực hiện tốt chính sách BHYT, chủ động trong ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Luật BHYT, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT hoặc hỗ trợ chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Một số địa phương thực hiện tốt như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Dương, Nghệ An, Khánh Hòa... Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tập trung việc triển khai thực hiện luật, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, đáp...

Sau sáu tháng triển khai chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) mới (từ ngày 1-10-2009) đến nay đã bộc lộ một số vướng mắc. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi ý kiến với BS TỐNG THỊ SONG HƯƠNG, Vụ trưởng Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) về hướng tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết những kết quả đạt được sau sáu tháng thực hiện chính sách BHYT mới theo quy định của Luật BHYT?

BS Tống Thị Song Hương (BS T.T.S.H): Đến nay, hầu hết các địa phương đều thực hiện tốt chính sách BHYT, chủ động trong ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện Luật BHYT, bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT hoặc hỗ trợ chi trả chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Một số địa phương thực hiện tốt như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Dương, Nghệ An, Khánh Hòa… Các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB) tập trung việc triển khai thực hiện luật, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu KCB, nhất là người bệnh BHYT. Đến hết quý I, theo ước tính của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã cấp, đổi thẻ BHYT mới cho 45 triệu /53 triệu người tham gia BHYT (trong đó sáu triệu trẻ em dưới sáu tuổi đã được cấp, đổi thẻ BHYT).

PV: Mới đây, Bộ Tư pháp có đề nghị hai bộ: Y tế và Tài chính sửa đổi lại thông tư 09 về hướng dẫn thực hiện Luật BHYT, trong đó có quy định đối với các trường hợp tai nạn giao thông (TNGT) muốn được thanh toán BHYT phải có xác nhận không vi phạm luật là không hợp lý. Vậy vấn đề này được xử lý như thế nào?

BS T.T.S.H: Trước hết, phải khẳng định: Nội dung hướng dẫn về thanh toán các trường hợp người tham gia BHYT bị TNGT quy định tại Thông tư liên tịch số 09 không trái với tinh thần và nội dung của Luật BHYT. Luật quy định quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp vi phạm pháp luật và Thông tư nêu rõ: Nếu đã xác định là không vi phạm thì quỹ BHYT thanh toán.

Những người bị TNGT, sau khi xác định là không vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ được quỹ BHYT thanh toán lại chi phí KCB tại cơ quan BHXH. Trong trường hợp chưa xác định có vi phạm hay không, thì không giới hạn thời gian được thanh toán. Đây là quy định “mở” để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Liên bộ chỉ quy định về nguyên tắc theo đúng tinh thần của luật và các văn bản liên quan, không bó buộc và cũng không “tước bỏ quyền lợi” của người tham gia BHYT, nếu chưa thanh toán tại bệnh viện thì sẽ thanh toán sau tại cơ quan BHXH.

Tuy nhiên, để giải quyết vướng mắc này, vấn đề quan trọng là phải tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn, để xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan và phải tạo ra ý thức, sự tự giác chấp hành pháp luật cho người dân khi tham gia giao thông để bảo vệ quyền lợi khi bị tai nạn. Điều 38 Luật Giao thông đường bộ đã quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT. Tại khoản 3, Điều 22 Nghị định số 103/2008/NĐ-CP ngày 16-9-2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới quy định trách nhiệm của Bộ Công an: Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát điều tra cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến các vụ TNGT cho doanh nghiệp bảo hiểm để giải quyết bồi thường, bao gồm: Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn; Sơ đồ hiện trường, bản ảnh (nếu có); Biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn; Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ TNGT; Các tài liệu khác có liên quan đến vụ tai nạn (nếu có). Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, để xác định một trường hợp TNGT có vi phạm pháp luật giao thông hay không liên quan đến nhiều yếu tố, kể cả cơ quan công an và người tham gia giao thông.

Việc Cảnh sát giao thông cung cấp cho các nạn nhân: Thông báo sơ bộ kết quả điều tra ban đầu vụ TNGT hoặc biên bản kết luận nguyên nhân vụ TNGT, trong biên bản đó cũng đã xác định rõ lỗi đúng, sai của các bên có liên quan, đây chính là cơ sở để xác nhận, là cơ sở để các cơ quan chức năng xác định lỗi và chi trả bảo hiểm. Để giải quyết vướng mắc này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công an có văn bản hướng dẫn bổ sung chi tiết hơn về trách nhiệm của các bên liên quan để bảo đảm quyền lợi và thuận lợi cho người tham gia BHYT trong các trường hợp TNGT.

PV: Như vậy, nếu cảnh sát giao thông không xác định được lỗi đúng, sai của các bên có liên quan do các yếu tố khách quan thì người bị TNGT sẽ không được BHYT thanh toán chi phí KCB?

BS T.T.S.H: Việc thực hiện luật không máy móc. Trong một số trường hợp như tai nạn xảy ra ở nơi không có công an, không có người làm chứng, hiện trường xảy ra tai nạn không còn… thì căn cứ theo cán bộ y tế và giám định viên quyết định người bệnh có được BHYT thanh toán hay không.

PV: Việc thanh toán chi phí KCB, nhất là những người bệnh cùng chi trả 5% cũng có nhiều thắc mắc, ý kiến khác nhau, gây phức tạp cho bệnh viện, tăng chi phí cho những người bệnh nghèo, người mắc bệnh mãn tính… Theo đồng chí, hướng giải quyết vấn đề đó ra sao?

BS T.T.S.H: Luật BHYT ban hành đã thể hiện chính sách ưu việt, sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nhất là với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội… được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách Nhà nước, khi đi khám, chữa bệnh được Quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB. Quy định cùng chi trả chi phí KCB là một nguyên tắc của Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua với mục đích: Tăng cường trách nhiệm của các bên, trong đó có người tham gia BHYT trong việc quản lý quỹ, cùng kiểm soát chi phí KCB BHYT, hạn chế tình trạng lạm dụng BHYT. Luật mới triển khai, vì vậy trước hết phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận và xác định trách nhiệm thực hiện. Cấp ủy, chính quyền địa phương nên chủ động nghiên cứu sử dụng phần ngân sách dự phòng, các nguồn huy động khác hoặc mô hình Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo như ở TP Hồ Chí Minh để có thể hỗ trợ cho những người bệnh này.

Để giải quyết khó khăn, hiện nay, một số địa phương đã chủ động tháo gỡ khó khăn này cho người bệnh nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người bệnh chạy thận nhân tạo (TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa…), tôi cho rằng, đây là mô hình cần được nhân rộng và phát huy để gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương với việc chăm lo sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh đó, ở một số địa phương vẫn duy trì Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố tùy thuộc vào tình hình ngân sách tại địa phương để hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh ngoài phạm vi chi trả của quỹ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Bên cạnh đó, việc thành lập Quỹ Hỗ trợ khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng là cơ sở để hỗ trợ một phần chi phí cho các trường hợp này.

PV: Tại nhiều địa phương, việc hợp tác giữa cơ sở y tế và cơ quan BHXH trong thực hiện chính sách BHYT cũng còn nhiều điểm chưa thống nhất. Theo đồng chí, cần làm gì để tháo gỡ.

BS. T.T.S.H: Luật BHYT đã quy định rõ: Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về BHYT. Cơ quan BHXH có chức năng thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp rất chặt chẽ với BHXH Việt Nam để tổ chức triển khai thực hiện Luật BHYT, việc ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa hai ngành đã tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Luật BHYT với mục tiêu là nâng cao chất lượng KCB, quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những vướng mắc giữa hai bên trong việc quy định sử dụng thẻ BHYT, quy định nơi đăng ký KCB ban đầu, tổ chức KCB, giải quyết các vướng mắc… Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là việc phối hợp hoạt động giữa ngành y tế và ngành BHXH ở một số địa phương chưa tốt. Đây là mối quan hệ cần phải phối hợp trong quá trình triển khai chính sách BHYT. Qua kiểm tra một số địa phương cho thấy, những địa phương nào có sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương, có phối hợp chặt chẽ giữa hai bên thì việc triển khai thực hiện luật rất kịp thời, không nảy sinh vướng mắc như Ninh Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Dương…

Trong năm 2010, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá một năm thực hiện Luật BHYT và Quy chế phối hợp hoạt động trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT giữa ngành y tế và BHXH, qua đó sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa hai ngành trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Theo Nhandan