Thứ năm,  01/06/2023

Phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn, bản

LSO-Theo số liệu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2009, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người mắc). Tuy vậy đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người mắc là 28 (Lộc Bình: 2 vụ; Văn Lãng: 1 vụ; Văn Quan: 1 vụ; Thành phố Lạng Sơn: 1 vụ). Trong đó có 3 vụ nghi do nhiễm vi sinh vật, 1 vụ nghi do hoá chất bảo vệ thực vật, 1 vụ do nấm độc. Không xảy ra tử vong. Đầu năm 2010 đã xảy ra 2 ca ngộ độc nấm tại Bắc Sơn. Điều đáng lưu ý là những vụ ngộ độc thực phẩm từ năm 2005 đến nay xảy ra chủ yếu là ở nông thôn, nguyên nhân là sử dụng những thực phẩm không an toàn như thịt gia súc, gia cầm có dịch bệnh, thịt để lâu ngày hoặc do người dân thiếu những kiến thức cần thiết khi sử dụng thực phẩm lạ như nấm, thịt cóc...Năm 2009, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 3452/4319 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm...

LSO-Theo số liệu của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2009, toàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 30 người mắc). Tuy vậy đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số người mắc là 28 (Lộc Bình: 2 vụ; Văn Lãng: 1 vụ; Văn Quan: 1 vụ; Thành phố Lạng Sơn: 1 vụ).

Trong đó có 3 vụ nghi do nhiễm vi sinh vật, 1 vụ nghi do hoá chất bảo vệ thực vật, 1 vụ do nấm độc. Không xảy ra tử vong. Đầu năm 2010 đã xảy ra 2 ca ngộ độc nấm tại Bắc Sơn. Điều đáng lưu ý là những vụ ngộ độc thực phẩm từ năm 2005 đến nay xảy ra chủ yếu là ở nông thôn, nguyên nhân là sử dụng những thực phẩm không an toàn như thịt gia súc, gia cầm có dịch bệnh, thịt để lâu ngày hoặc do người dân thiếu những kiến thức cần thiết khi sử dụng thực phẩm lạ như nấm, thịt cóc…
Năm 2009, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra 3452/4319 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, trong đó cơ sở đạt tiêu chuẩn ATVSTP là 2686 chiếm 77,8 %, điều đó cho thấy nhận thức của các chủ sơ sở kinh doanh về an toàn thực phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Nhưng việc thanh kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở các cơ sở chế biến, nhà hàng, thức ăn đường phố, các bếp ăn tập thể, bếp ăn trường học… Phải chăng công tác tuyên truyền và kiểm tra vệ sinh ATTP còn chưa được toàn diện, chỉ được thực hiện thường xuyên tại các khu vực thành phố, thị trấn và những nơi bề nổi mà vô tình lãng quên đi những nơi ít được tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đại chúng như nông thôn. Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản- những người có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng tránh bệnh tật tại gia đình và cộng đồng có hiệu quả nhất lại chưa mấy được quan tâm phù hợp.
Khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho nhân dân thuộc diện hộ nghèo ở huyện Văn Quan – Ảnh: Thanh Luyện
Thực tế cho thấy: những vụ ngộ độc thực phẩm thường xảy ra tại các đám hiếu hỷ phải sử dụng một lượng thực phẩm lớn, nhiều người tham gia, nhiều khâu chế biến, để nhiều ngày lại không có chỗ bảo quản cho hợp vệ sinh. Qua đó cho thấy trách nhiệm của y tế cơ sở là phải biết phát hiện nguy cơ, hướng dẫn cụ thể và cương quyết xử lý, loại bỏ thực phẩm không hợp vệ sinh để phòng ngừa tình trạng ngộ độc. Đối với từng hộ dân ở những nơi khó khăn và hẻo lánh không được thường xuyên tiếp xúc với truyền thông đại chúng thì nhân viên y tế cộng đồng có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là vào những thời điểm như mùa cưới, các đám ma chay, giỗ chạp, các thời điểm hay phát sinh các vụ ngộ độc như mùa sinh sôi của nấm (tháng 3 đến tháng 5), hay thời kỳ bắt đầu sinh sản của các loại “đặc sản” như: ếch, cóc, nhái… Ưu thế của y tế cộng đồng là cùng sống trong cộng đồng dân cư, hiểu được thói quen, phong tục tập quán của người dân do vậy cần thường xuyên tuyên truyền phổ biến cho các hộ dân trong từng thời điểm hay từng trường hợp, như cách chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm như thế nào cho an toàn; nâng cao nhận thức cho người dân về chế biến và sử dụng thực phẩm: thịt cóc không phải là một vị thuốc chữa còi xương như dân gian vẫn truyền miệng. Con cóc chứa rất nhiều độc tố trên da, nếu người làm thịt cóc không cẩn thận để nhựa cóc vô tình dính phải tay, mắt mà không rửa sạch sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc rất lớn có thể gây tử vong cho người ăn phải. Từ đó nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bà con có nên sử dụng thịt cóc hay không và phải chế biến như thế nào để tránh ngộ độc. Không được sử dụng các loại nấm lạ chưa ăn bao giờ, có mầu sắc sặc sỡ khác thường… Những kiến thức này rất đơn giản, dễ hiểu nếu biết cách truyền đạt và nó thực sự quan trọng với những người dân thiếu hiểu biết.
Theo báo cáo thực tế thì tỷ lệ dân số được truyền thông về ATVSTP chiếm khá cao, nhưng số liệu không hoàn toàn song hành với hiệu quả của tuyên truyền. Công tác tuyên truyền sẽ là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” nếu như không đi đôi với phát hiện, kiểm tra, xử lý và đặc biệt là hướng dẫn người dân cách sử dụng những thực phẩm an toàn. Lực lượng chính làm nên hiệu quả trong công tác ATVSTP ở nông thôn không phải là cơ quan chức năng ở trên cao mà là những nhân viên y tế thôn bản luôn sống trong lòng dân, gần gũi gắn bó với người dân. Đội ngũ này phải được quan tâm và bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng truyền thông, phải tạo nguồn lực động viên họ, có chế độ phù hợp để nâng cao sự gắn bó và tinh thần trách nhiệm trong nghề. Ngay đầu năm 2010 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc nấm ở Bắc Sơn, tuy 2 ca đều không gây tử vong nhưng cũng là mối lo cần phải giải toả. Bởi vậy công tác truyền thông- kiểm tra- xử lý luôn là giải pháp cần thiết trong đó có vai trò của nhân viên y tế thôn bản.

Ngọc Hà